9x người Jrai nuôi loài côn trùng lạ trong chuồng, ai cũng muốn đến xem

Chủ nhật, ngày 12/09/2021 18:30 PM (GMT+7)
Với nghề làm chậu cảnh và nuôi dế thương phẩm, anh Siu Lis (SN 1990, người Jrai, làng Pleipa Ama Lim, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã đem đến một luồng gió mới trong nếp nghĩ, cách làm để vươn lên ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương.
Bình luận 0

Mới đến đầu ngõ nhà anh Siu Lis, chúng tôi đã nghe tiếng dế kêu rỉ rả. Càng đi sâu vào bên trong khu vực nuôi, tiếng dế kêu dày hơn.

Anh Lis kể: Gia đình anh trồng mấy sào lúa, mì nhưng cũng chỉ đủ ăn. Trong khi đó, công việc vất vả, ngày nào cũng ở ngoài ruộng từ sáng đến tối mới về. Còn xung quanh đó, nhiều thanh niên chấp nhận rời làng đi vào các tỉnh miền Nam để mưu sinh. Riêng anh lại nghĩ phải thay đổi cuộc sống bằng cách tìm kiếm một công việc phù hợp để có thu nhập ổn định và từng bước vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

9x người Jrai nuôi loài côn trùng lạ trong chuồng, ai cũng muốn đến xem - Ảnh 1.

Mô hình nuôi dế của anh Siu Lis (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoành Sơn

"Qua một thời gian tìm hiểu, đến đầu năm 2020, mình quyết định chọn 2 nghề khá mới mẻ và la với người Jrai ở đây để thử sức là nuôi dế thương phẩm và làm chậu cảnh"-anh Lis chia sẻ.

Đầu tiên, anh Lis dựng 1 căn lều nhỏ tại mảnh đất trống sát nhà ở của gia đình, rồi làm 2 chiếc chuồng nuôi dế. Để tiết kiệm chi phí, anh mua những thanh sắt thô rồi tự gia công tại nhà và dùng bao ni lông bọc quanh chuồng. Cùng với đó, anh bỏ ra 1 triệu đồng mua vỉ trứng rỗng về làm nơi trú ngụ cho dế. Sau cùng, anh Lis lên mạng internet tìm kiếm và đặt mua 8 ổ trứng dế.

"Mình học nuôi trên mạng xã hội nên cũng sợ rủi ro. Vì vậy, ban đầu, chỉ làm có 2 chuồng nuôi quy mô nhỏ. Nhưng do không có kinh nghiệm, dế con mới nở chết phân nửa.

Không cam chịu thất bại, mình ra thị xã Ayun Pa tham quan và học cách nuôi dế ở nhà một người dân. Khi đã nắm được kỹ thuật chăm sóc dế, mình về nhà gầy lại đàn bằng số dế giống còn lại. Sau 1 năm, mình đã có 7 chuồng nuôi dế. Nếu không vì dịch bệnh Covid-19, số lượng chuồng nuôi còn có thể nhân lên trên 10 thùng"-anh Lis kể thêm.

Đàn dế của anh Lis được nuôi bằng các loại rau củ do gia đình làm ra như lá mì, lá chuối, rau muống, bắp cải nên không tốn kém chi phí và sinh trưởng nhanh, kháng bệnh.

Mỗi ngày, đàn dế được cho ăn 2 lần. Tùy theo từng chuồng dế khác nhau mà cho lượng thức ăn phù hợp. Đối với dế sữa (loại nuôi được 1 tháng), mỗi ngày cho ăn 2-3 chiếc lá chuối/thùng.

Riêng dế sinh sản (loại được nuôi 45 ngày) thì khoảng 4-5 lá/thùng. Nơi nuôi dế phải thoáng mát, không để mưa, nắng hắt vào và thường xuyên được quét dọn sạch sẽ.

Hiện nay, gia đình anh Lis đã có nguồn thu từ việc nuôi dế thương phẩm. Dế sữa có giá 100-120 ngàn đồng/kg còn dế sinh sản có giá 150-160 ngàn đồng/kg.

"Mình bán dế cho các quán nhậu và cửa hàng chim, cá cảnh ở thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa. Dế sinh sản làm mồi nhậu còn dế sữa thì làm thức ăn cho chim, cá. Do mới nuôi và đang nhân đàn nên số lượng dế mình bán chưa nhiều. Nhưng tính ra thì mỗi tháng cũng được khoảng vài trăm ngàn đến vài triệu đồng từ bán dế. Tiền đó dùng để trang trải cuộc sống gia đình và để đầu tư cho đợt nuôi tiếp theo"-anh Lis tâm sự.

Song song với việc nuôi dế thương phẩm, từ đầu năm 2020 đến nay, anh Lis còn tự mày mò học làm chậu cảnh để bán cho người có nhu cầu. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà anh làm kích cỡ các chậu khác nhau. Với đôi bàn tay khéo léo, những chiếc chậu cảnh do anh làm ra được khách hàng ưa chuộng. Một chiếc chậu thành phẩm có giá bán 50-100 ngàn đồng.

Anh bộc bạch: "Cái này mình cũng học làm từ mạng xã hội thôi. Làm nhiều thành quen, ít lỗi và đẹp hơn. Thấy mình làm đẹp, người mua cũng đông lên nhiều. Mấy tháng trước có thu nhập khá từ chậu đó. Có tháng 500-700 ngàn đồng nhưng cũng có tháng 2-3 triệu đồng. Nhờ vậy mà có khoản tiền dư giả để mua sắm thêm vật dụng sinh hoạt gia đình. Thời gian này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người mua ít, chậu cảnh còn tồn lại khá nhiều. Hiện nay, mình thường chia sẻ kinh nghiệm làm chậu cảnh, nuôi dế cho mọi người thông qua mạng xã hội".

Tuy việc nuôi dế thương phẩm và làm chậu cảnh của anh Lis chưa mang lại thu nhập cao nhưng đối với khoảng thời gian chỉ hơn 1,5 năm và do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì đây là một tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là đối với một thanh niên người dân tộc Jrai. Điều này mở ra một hướng phát triển kinh tế hộ gia đình mới đối với những thanh niên có khát vọng vươn lên làm giàu trên quê hương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Quyền-Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho biết: "Anh Lis là thanh niên có chí cầu tiến, dám nghĩ dám làm, là người đầu tiên trong xã lựa chọn cách phát triển kinh tế gia đình từ nuôi dế và làm chậu cảnh. Dù hiệu quả kinh tế chưa cao như các nơi khác do nhiều nguyên nhân nhưng đây là sự khích lệ đối với những người có chí hướng vươn lên trong cuộc sống. Điều này cũng đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm đối với bà con dân tộc thiểu số ở Chư Mố để họ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình".




HOÀNH SƠN - TUYẾT RCOM (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem