Tiền có nhưng không có dư nợ vay
Tại Hòa Vang - địa bàn nông nghiệp của Đà Nẵng, theo Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) huyện này thì chưa tới 20% đối tượng đến làm thủ tục vay được vay vốn. Agribank quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn có vốn huy động dành cho NĐ41 là trên 100 tỷ đồng, tuy nhiên lại không tìm thấy đối tượng vay, nguyên do là không đạt tiêu chí cho vay.
Ông Lê Thông - Giám đốc Agribank Hòa Vang, cho biết: “Đã huy động được 400 tỷ đồng cho nguồn vay NĐ41. Tiền không phải thiếu nhưng cũng không dễ tìm đối tượng đủ tiêu chí cho vay. Có nhiều quy định dù biết khó đáp ứng nhưng phải theo. Ví dụ, người vay vốn mua máy thì phải biết sử dụng máy, nhưng trên thực tế không phải nông dân nào cũng biết”.
Ông Đoàn Phúc - Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng giải thích: “Vốn cho vay theo NĐ41 là vốn ngân hàng tự huy động, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai, mất mùa… nên không thể dễ dãi trong việc chọn đối tượng vay.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa ngân hàng và chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan còn chưa chặt chẽ nên việc triển khai cho vay còn nhiều trở ngại”.
Tình trạng này phần nào hạn chế ý nghĩa của nguồn vốn đối với vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.
Quá khó tiếp cận
Anh Nguyễn Thái - chủ trang trại nuôi heo rừng ở Hoà Sơn (Hòa Vang) kể về nỗi vất vả của mình khi đi vay vốn NĐ41, bị ngân hàng hạch sách, đòi hỏi đủ điều, rốt cuộc vay chẳng được. Theo anh, ngân hàng vẫn đang lúng túng trong xác định thế nào là trang trại để có thể cho vay mức 500 triệu đồng như NĐ41 quy định.
Ngoài ra, để vay được nguồn vốn này, theo quy định, chủ trang trại chỉ được vay với một tổ chức tín dụng, chưa vay một dự án nào khác, và đặc biệt phải chứng minh được khả năng tài chính và khả năng trả nợ. “Đó là những đòi hỏi khó thực hiện” - anh Thái khẳng định.
Ông Lê Sơn - chủ trang trại nuôi cá, ếch ở Hoà Tiến (Hoà Vang) cho biết cũng đã bó tay trước hàng loạt đòi hỏi của ngân hàng khi tìm đến vay vốn để sửa chữa, mở rộng trang trại sau bão. “Để có được trang trại như hiện nay, không riêng gì tôi mà nhiều người đều phải vay vốn từ các dự án khác.
Chứng minh khả năng tài chính và chi trả là được rồi, đằng này còn quy định “chưa vay dự án nào” còn có khác chi “khoá sổ” vay vốn của chúng tôi?” - ông Sơn phàn nàn hỏi. Nhiều chủ trang trại khác cho rằng, khó tiếp cận nguồn vốn vì không đủ khả năng đề ra một dự án khả thi thuyết phục đối với ngân hàng. “NĐ41 có nêu nông dân có thể vay tín chấp nhưng phải nộp giấy chứng nhận sử dụng quyền sử dụng đất, vậy thì khác gì thế chấp?”- một chủ trang trại thắc mắc.
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.