Agribank xin tăng vốn điều lệ 20.000 tỷ bằng tiền thu được từ nợ xấu

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 25/10/2019 07:58 AM (GMT+7)
Agribank kiến nghị Chính phủ và NHNN sớm xem xét cấp bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách Nhà nước theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và lộ trình đã báo cáo NHNN. Trong trường hợp chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ cho phép Agribank để lại một phần số tiền thu từ nợ đã xử lý rủi ro để tăng vốn điều lệ.
Bình luận 0

Lợi nhận gần cán mốc vạn tỷ, nợ xấu lùi về 2%

Theo thông tin từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), trong 9 tháng năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 9.700 tỷ đồng. So với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm là 11.000 tỷ đồng, Agribank đã hoàn thành 88% kế hoạch.

Với kết quả này, Agribank chỉ còn đứng sau Vietcombank trong bảng xếp hạng lợi nhuận và vượt qua nhiều nhà băng khác như MB (7.616 tỷ đồng); BIDV (7.028 tỷ đồng) hay như VPBank (7.199 tỷ đồng).

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản Agribank đạt 1.398.110 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1.285.356 tỷ đồng.

Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.120.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ và nguồn vốn chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Agribank đang tập trung triển khai chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2 gắn với nhiệm vụ đẩy nhanh tiến trình thực hiện cổ phần hóa Agribank theo chỉ đạo của Chính phủ.

Riêng với xử lý nợ xấu và tái cơ cấu, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058), Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho hay, nhìn chung các chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 về cơ bản Agribank sẽ hoàn thành và hoàn thành trước thời hạn.

img

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank

Kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 (từ ngày 15/8/2017 đến 15/8/2019) gần 110.000 tỷ đồng trong đó thu hồi là hơn 60.000 nghìn tỷ đồng, tự xử lý rủi ro (bao gồm cả mua lại nợ đã bán VAMC) là gần 50.000 nghìn tỷ đồng; Mua lại gần như 100% nợ xấu đã bán cho VAMC.

Trước đó, tại thời điểm ra đời nghị quyết 42 của Quốc hội, Agribank có số dư nợ xấu được phép xử lý theo nghị quyết là hơn 140 nghìn tỷ đồng của gần 500 nghìn khách hàng; trong đó: Nợ xấu nội bảng 18.700 tỷ đồng, Nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780, Thông tư 09, Nghị định 55 là 36.000 tỷ đồng, Nợ bán VAMC 40.000 tỷ đồng, Nợ đã xử lý rủi ro 46.700 tỷ đồng.

Với kết quả trên, hiện tỷ lệ nợ xấu của Agribank đã về dưới 2%, sớm hơn lộ trình 1 năm.

Xin cơ chế đặc thù bổ sung vốn và kêu khó cổ phần hóa

Bên cạnh những kết quả có được, theo Phó Tổng giám đốc Agribank, vấn đề cấp bổ sung vốn điều lệ và cổ phần hóa là 2 mục tiêu quan trọng mà Agribank sẽ khó có thể thực hiện nếu không có sự hỗ trợ tích cực của các bộ ngành và Chính phủ.

Ông Phạm Toàn Vượng phân tích, Agribank hiện là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, trong 5 năm qua quy mô về tổng tài sản tăng trên 2 lần so với năm 2015 nhưng chưa được ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ. Hiện nay vốn điều lệ Agribank 30.518 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm 4 NHTM nhà nước (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) dẫn đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tiệm cận mức tối thiểu theo quy định của NHNN.

Mặc dù Agribank đã chủ động phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp II, tuy nhiên theo quy định thì chỉ được tính tối đa 50% vốn tự có. “Do vậy, nếu không được cấp vốn bổ sung, Agribank sẽ không thể cung cấp vốn cho nền kinh tế vào kể từ quý II/2020 mặc dù nhà băng này có nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế và khả năng nguồn của Agribank hoàn toàn có thể đáp ứng”, ông Vượng phân tích.

img

Agribank không thể cung cấp vốn cho nền kinh tế từ quý II/2020 nếu không tăng  được vốn

Đối với vấn đề cổ phần hóa, ngày 15/8/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, theo đó Agribank phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp vào năm 2020.

Tuy nhiên, ông Phạm Toàn Vượng cho rằng, do sự khác biệt về quy mô tài sản, mạng lưới, con người cũng như thực tế về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất của Agribank hiện nay thì việc thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa là hết sức khó khăn.

Từ những thực tế trên, Agribank kiến nghị, Chính phủ và NHNN sớm xem xét cấp bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước cho Agribank theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và lộ trình đã báo cáo NHNN.

Đặc biệt, trong 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42, kết quả xử lý thu hồi nợ xấu là rất lớn nên trong trường hợp chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ cho phép Agribank để lại một phần số tiền thu từ nợ xấu đã xử lý rủi ro (phần vượt kế hoạch lợi nhuận hàng năm), phần lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để tăng vốn điều lệ.

Đồng thời, phê duyệt phương án xử lý tài chính đặc thù đối với Agribank khi xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa.

Được biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem