Ai chịu trách nhiệm việc chậm giải ngân vốn Metro Bến Thành-Suối Tiên?

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 28/05/2019 15:06 PM (GMT+7)
"Việc chậm triển khai giải ngân các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội phê chuẩn có vướng mắc. Ví dụ, dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên được điều chỉnh từ mức A lên mức trọng điểm quốc gia. Quá trình chuyển như thế ai chịu trách nhiệm phê duyệt, UBND TP.HCM hay Chính phủ trình phê duyệt?”, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi.
Bình luận 0

img

Một góc Dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên

Dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên cùng một số dự án đường sắt đô thị khác đang là những dự án điển hình về đội vốn. Trong đó, Metro Bến Thành - Suối Tiên đã tăng tổng mức đầu tư từ 17.388 tỷ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 lên hơn 47.000 tỷ đồng.

Và dù Metro Bến Thành-Suối Tiên bắt đầu triển khai từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2018. Song sau hơn 10 năm triển khai, Metro Bến Thành-Suối Tiên mới hoàn thành 56% khối lượng thi công.

Còn nhớ, cuối năm 2018, ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam từng gửi thư cho Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, bày tỏ quan ngại việc chậm giải ngân dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh của dự án.

Ông Umeda cho rằng, dự án đã bị chậm phê duyệt quyết định đầu tư (điều chỉnh), dẫn tới không được phân bổ ngân sách từ tháng 10 năm trước. Do vậy, lãnh đạo thành phố cần tác động tới các cơ quan cấp trên để dự án được phê duyệt.

Từ việc TP.HCM từng cam kết sẽ tạm ứng để thanh toán bằng ngân sách của thành phố cho đến khi trung ương phân bổ, ông Umeda Kunio đề nghị thành phố sớm thực hiện thủ tục thanh toán cho các nhà thầu.

img

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Mới đây, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) diễn ra sáng 28/5, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đã giành ít phút phát biểu để tranh luận sau những ý kiến của các ĐBQH xung quanh mức phân loại nâng hạng đầu tư.

Theo ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, hiện đang tồn tại sự nhầm lẫn giữa quy mô dự án và tiến trình triển khai dự án.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi: "Qua quá trình giám sát của Ủy ban Kinh tế và Quốc hội, chúng ta thấy là việc chậm triển khai giải ngân các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội phê chuẩn có vướng mắc. Ví dụ, dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên được điều chỉnh từ mức A lên mức trọng điểm quốc gia. Quá trình chuyển như thế ai chịu trách nhiệm phê duyệt, UBND TP.HCM hay Chính phủ trình phê duyệt? Vướng là vướng ở chỗ này chứ không phải là vướng mức vốn là bao nhiêu”.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, trải qua 2 nhiệm kỳ Quốc hội mới duyệt được 2 dự án trọng điểm quốc gia. Song quá trình phê duyệt không có vướng mắc. Chính vì vậy, ông Kiên không đồng tình với các ý kiến cho rằng những vấn đề liên quan đến ngân sách là điểm nghẽn ngăn cản quá trình đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia.

"Nếu chúng ta đọc lại báo cáo Kiểm toán Nhà nước, quyết toán ngân sách năm 2017, chuyển nguồn của năm đấy lên tới hơn 300.000 tỷ thì đâu có phải là thiếu tiền hay tiền ít, vấn đề nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do luật”, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên nói.

Ông Kiên cũng đề cập tới việc Quốc hội khóa này nên duyệt vốn cho khóa sau hay duyệt vốn luôn cho hoạt động trong khóa này. Theo luật, hiện nay, trước 20/5, các cơ quan liên quan phải chuẩn bị xong dự án để trình Quốc hội phê duyệt. Nếu chưa có dự án để trình trước hạn chót, việc không được Quốc hội duyệt là đúng luật.

"Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ khóa XIV cảm ơn Quốc hội khóa XIV vì để các đồng chí thẩm quyền được duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020. Trong Báo cáo kinh tế xã hội cuối 2016, đầu 2017 nêu rõ do vấn đề chuyển tiếp nhân sự nên Chính phủ không bắt kịp nhịp độ chứ đâu phải do luật", ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Trước đó, một số ý kiến khác cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng là quá cao. Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ quan điểm: "Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ có thể không còn dự án nào trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý. Hơn nữa trình Quốc hội sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn; có ngay các chính sách đặc thù".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem