Ai đầu độc Yasser Arafat?

Thứ ba, ngày 04/12/2012 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm 27.11, lăng mộ cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat sẽ được đào lên, để lấy vài mẫu xương và quần áo của ông, nhằm tìm hiểu liệu có phải tình báo Israel (Mossad) đầu độc ông chết bằng chất phóng xạ polonium-210?
Bình luận 0

Các chuyên gia quốc tế của Pháp, Nga và Thụy Sỹ đã đến thành phố Ramallah ở Bờ Tây để lấy các mẫu đem về nước họ nghiên cứu nghi án Arafat bị đầu độc.

Các quan chức Palestine cho biết lăng mộ khổng lồ sẽ được mở, xác ông được đưa đến một bệnh viện, các chuyên gia sẽ chỉ mất vài giờ tiến hành công việc lấy mẫu, và trong cùng ngày sẽ tổ chức lễ chôn lại theo nghi thức quân sự trong cùng ngày, tại lăng mộ đặt ngay ở trụ sở Muqataa của ông. Họ nói có lẽ phải chờ vài tháng mới có thể công bố kết quả nghiên cứu.

Nhưng có lẽ việc đào mộ sẽ không làm sáng tỏ được bí ẩn. Chất phóng xạ polonium-210 mau phân hủy, và các chuyên gia lo lắng số mẫu còn lại (xương có thể đã thành bụi sau 8 năm) liệu có đủ để tiến hành các vụ thí nghiệm.

img
Vợ chồng TT Arafat

Khai quật để biết sự thật

Chất phóng xạ này rất hiếm trên thế giới, được vợ chồng bác học Marie và Pierre Curie tìm thấy năm 1898. Bà Marie Curie đặt là Polonium để tôn vinh quốc gia gốc của bà là Ba Lan.

Polonium màu bạc rất nguy hiểm, chỉ cần chưa tới 1 gram là đủ gây chết người. Nghiên cứu của Cục bảo vệ sức khỏe Anh năm 2007 nêu khi chất này hòa vào máu thì không thể ngăn chặn tính độc của nó, nạn nhân bị suy gan, thận, tủy xám.

Các triệu chứng trúng độc là nôn nửa, rụng tóc, da dẻ xanh tái, cổ họng phình, như đã xảy ra với Alexander Litvinenko, cựu điệp viên Liên Xô đào ngũ, bị đầu độc hồi năm 2006, sau khi uống một tách trà trong lúc dự một hội nghị ở London. 5 năm sau, không ai bị bắt. Ngành công tố Anh nói nghi can số 1 là cựu điệp viên LX Andrei Lugovoi nhưng Nga từ chối giao nộp nhân vật này.

Vụ đào mộ này thể theo yêu cầu của bà Suha Arafat 48 tuổi, vợ góa của vị lãnh tụ Phong trào giải phóng Palestine (PLO), sau một phát hiện của cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Viện Vật lý phóng xạ Lausanne (Thụy Sỹ). Họ khẳng định ông chết năm 2004 vì bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium-210.

Lãnh đạo viện nói tìm thấy nhiều dấu vết polonium trên quần áo, bàn chải đánh răng, và một vết nước tiểu trên quần lót của ông Arafat, cùng trên chiếc khăn rằn ông Arafat thường đội trên đầu. Họ cho rằng có thể trong tóc và máu của ông cũng có “lượng polonium đáng kể”.

Nhưng để xác minh giả thiết ông bị đầu độc bằng polonium, cần đào mộ và phân tích xác của ông. Vấn đề là phải thí nghiệm nhanh, do polonium chóng phân hủy hơn các chất phóng xạ khác ở xương và các mô mềm, nên nếu phải chờ lâu thì có thể sẽ không còn bằng chứng.

Nếu các cuộc xét nghiệm cho thấy xương của ông Arafat có dấu vết polonium cao, có thể kết luận ông đã bị đầu độc. Viện nói chỉ có 50% cơ hội lấy được mẫu.

Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin họ đã cung cấp cho viện trên các đồ dùng cá nhân của ông Arafat, do bà quả phụ Suha trao cho họ, để nghiên cứu các mẫu phân tử.

Số tư trang này do một bệnh viện quân sự ở Paris (Pháp, nơi ông được chữa trị) trao lại cho bà Suha sau khi ông chết. Bà đã yêu cầu mở mộ và xét nghiệm tử thi chồng bà, nhằm công bố toàn bộ sự thật cho thế giới Hồi giáo và Ả Rập biết. Bà nói bà biết chính quyền Palestine muốn khám phá vì sao ông Arafat chết và nay bà muốn giúp họ từ các kết quả xét nghiệm.

Bà cũng đạt được yêu cầu Pháp mở cuộc điều tra nghi án giết người, trong khi Palestine mời các chuyên gia Nga. TT Palestine Mahmud Abbas- người kế nhiệm ông Arafat- đã chấp thuận việc khai quật thi thể Arafat để điều tra. Trước đó, Palestine lưỡng lự rồi mới đồng ý đào mộ, một phần vì tính nhạy cảm văn hóa và tôn giáo. Từ tháng 11, khu lăng mộ được vây bạt xanh, các con đường dẫn vào khu vực này bị cấm lưu thông, do Palestine không muốn cho giới truyền thông chụp ảnh công việc đào mộ.

Arafat vướng “bệnh lạ”

img
Trong lăng mộ Arafat

Ông Arafat từng là lãnh đạo PLO, đấu tranh với Israel gần 40 năm để đòi Palestine trở thành quốc gia độc lập. Năm 1993, thỏa ước Oslo ra đời, Palestine trở thành khu tự trị ở Bờ Tây và Dải Gaza. Năm sau, ông đoạt giải Nobel Hòa bình cùng cựu Thủ tướng Rabin của Israel. Nhưng trong các năm sau đó, những cuộc thương lượng với Israel thất bại, Palestine chưa thể độc lập.

Trong hai năm rưỡi trước khi chết, Arafat bị giam lỏng ở văn phòng, xe tăng Israel san bằng khu Muqata trong cuộc nổi dậy thứ hai của Palestine (từ năm 2000 - 2005) và ông ngại nếu sơ tán qua chỗ khác, quân Israel có thể ám sát ông. Nỗi lo của ông không phải không có cơ sở: năm 2003, Phó thủ tướng Ehud Olmert của Israel nói: “Trục xuất chắc chắn là một trong các giải pháp. Giết cũng là một giải pháp”.

Cuộc sống ở Muqata rất khó có sức khỏe tốt: không đủ oxy, nước sạch cho tổng cộng 270 người nằm sát nhau ngủ như “hộp cá mòi”, theo lời kể của Tawfiq Tirawi, Chủ tịch Ủy ban điều tra cái chết của ông Arafat. Tirawi nói “sếp” có giường dã chiến trong căn phòng nhỏ không cửa sổ, nhưng ông thích ngủ chung với anh em. Họ còn phải nhịn đói nhiều ngày vì quân lính Israel “nhẩn nha” trước khi cho người đem thức ăn, nước uống… vào “thăm nuôi”.

Thức ăn ít nhưng bổ dưỡng: cá, gà, mật ong, rau trái. Nhưng ngày 12.10.2004, ông Arafat vướng “bệnh lạ”, bị nôn mửa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy cấp, sốt cao và giảm bạch cầu. Những vệt đỏ nổi trên má ông và ông sút cân nhanh chóng. Ông cần được điều trị tử tế, các trợ lý đề nghị và được Israel duyệt: cứ đưa ông đi chữa bệnh, họ cho phép ông quay trở lại.

Ngày 29.10, ông được đưa lên trực thăng tới một sân bay rồi đến bệnh viện quân y Percy ở ngoại ô Paris (Pháp) chữa trị, nhưng các bác sĩ Pháp không thể tìm ra bệnh gì. Gần một tháng sau khi sang Pháp, ông Arafat bị hôn mê sâu và qua đời ngày 11.11.2004, hưởng thọ 75 tuổi.

Không có cuộc khám nghiệm tử thi nào được tiến hành do bà Suhat yêu cầu, xác ông được đưa về Palestine chôn cất ở Ramallah, nơi mà trước khi qua Pháp, ông còn nói với các trợ lý: “Ta sẽ trở lại”.

“Tay trong” giết Arafat?

img
Tổng thống Arafat bệnh hoạn lên trực thăng qua Pháp

Cái chết của ông Arafat được cho là do một cơn đột quỵ tim do bị vón cục máu, nhưng tình trạng bệnh tật trong những tuần cuối đời của ông không được làm sáng tỏ. Các quan chức Pháp viện luật riêng tư để từ chối công bố nguyên nhân cái chết và bệnh tình của ông. Vì thế có nhiều tin đồn và giải thích về nguyên nhân cái chết.

Các quan chức Palestine nói kẻ thù Israel đầu độc, nhưng không có chứng cứ. Tirawi nói với báo Guardian (Anh): hai cư dân Muqata chết không rõ nguyên nhân sau cái chết của ông Arafat, và ông cho rằng nếu “sếp” bị đầu độc, hẳn có nội gián, vì điệp viên Mossad không thể biết ông Arafat được dọn ăn món gì: “Có ngày chúng tôi nhận 100 con gà. Nếu ai đó tẩm polonium hay chất độc nào đó vào thức ăn của ông, thì người đó phải là người Palestine. Có thể có kẻ tay trong”.

Israel phủ nhận Mossad khử ông Arafat dù họ xem ông là một trở ngại cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông, nhưng Mossad luôn chủ trương không phủ nhận cũng không thừa nhận các vụ ám sát. Cuộc điều tra của Palestine hồi năm 2005 đã không có kết luận rõ ràng, loại trừ khả năng ông bị ung thư, bị xơ gan, nhiễm HIV gây bệnh AIDS hoặc bị đầu độc. Cuộc điều tra 9 tháng của kênh Al Jazeera cũng khẳng định ông hoàn toàn khỏe mạnh cho đến khi đột ngột lâm bệnh.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem