Cuộc sống chân thực của người Việt nơi trời Âu
Phóng tác từ truyện ngắn “Máu của tuyết”, 36 tập phim “Hai phía chân trời” cũng lại chính do nhà văn Trần Hoài Văn biên kịch. Câu chuyện bắt đầu với mối quan hệ của Minh (luật sư, do Xuân Bắc đóng), Lê (doanh nhân, do NSƯT Mạnh Cường đóng) và những người bạn cùng chung sức xuất bản tờ báo “Trái tim Việt” với mục đích cung cấp các thông tin giúp đỡ đồng hương hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách quê người và tư vấn những kiến thức về luật pháp để giúp bà con người Việt sống và lao động hợp pháp.
|
"Hai phía chân trời" đặc biệt quy tụ được dàn diễn viên tài sắc và nổi tiếng trên màn ảnh |
Trong quá trình làm việc của đội biên tập, nhóm bạn đã phát hiện ra tay bút nghiệp dư Vinh, một người sống rất có nghĩa khí nhưng có số phận long đong. Vinh (một lưu học sinh ở lại lao động, do Lê Vũ Long đóng) đã được Minh, Lê giúp đỡ vượt qua nhiều thử thách, gian khó. Cũng bằng tấm lòng và sự chia sẻ với những thân phận người Việt sống xa quê hương, nhóm bạn Lê, Minh và sau này có thêm Vinh đã giúp đỡ một người phụ nữ Việt có số phận éo le là Tình (do NSƯT Lê Vy đóng).
Bộ phim truyền hình “Hai phía chân trời” do Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, được phát sóng trong khung giờ phim Việt, lúc 20h05 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1, bắt đầu từ ngày 8.11.2012.
Tình bỏ lại gia đình, chồng con ở quê nhà, vay mượn tiền để cùng con gái vượt biên sang châu Âu với hy vọng kiếm tiền đổi đời. Nhưng thay vì tìm thấy một cuộc sống tốt đẹp hơn, Tình đã phải sống trong sự đau khổ, ân hận vì cái chết của đứa con gái và sự mặc cảm tội lỗi với chồng con ở quê nhà. Bên cạnh đó là hàng loạt số phận khác nhau, thậm chí những bi kịch khủng khiếp xảy ra với người Việt sống xa xứ khi họ phải đối mặt với rất nhiều thử thách để lao động kiếm sống và tích cóp gửi về nước.
|
Vinh (Lê Vũ Long đóng) có mối tình sâu sắc với Natasha (Tatiana Evonuk đóng) |
Vượt lên trên tất cả những cay đắng, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, đông đảo người Việt đang sống ở nước ngoài luôn biết yêu thương và giúp đỡ nhau, trân trọng gìn giữ những giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc. Cũng chính sự nhân ái, biết chia sẻ lúc khó khăn mà những người Việt luôn coi trọng đã tác động đến những người bản xứ, mở ra nhiều sợi dây tình cảm, những rung động trái tim để tạo nên một bức tranh đa sắc về tình người.
“Hai phía chân trời” có giá trị như món quà tinh thần ý nghĩa cho gần 4,5 triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và giúp những người trong nước phần nào chia sẻ và hình dung được những lam lũ, vất vả của những người Việt xa xứ.
Phim truyền hình đầu tiên quay chủ yếu tại nước ngoài
Sau thời gian gần 4 năm chuẩn bị (từ 2009 đến 2012) với nhiều lần đi khảo sát thực tế, tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng người Việt tại một số nước châu Âu như: Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan và những lần đi tiền trạm sản xuất, bắt đầu từ cuối tháng 3.2012, đoàn làm phim của VFC với hơn 40 thành viên và toàn bộ thiết bị sản xuất được mang từ Việt Nam đã đến Cộng hòa Séc để chính thức khởi quay bộ phim.
|
Thời tiết khắc nghiệt là một thử thách lớn mà đoàn làm phim phải vượt qua |
“Hai phía chân trời” do NSƯT Trần Quốc Trọng và Vũ Trường Khoa làm đạo diễn. Phim được quay chủ yếu tại Cộng hòa Séc, lấy bối cảnh chính là khu chợ người Việt tại Praha (Trung tâm thương mại SAPA - Praha). Với mục tiêu tận dụng tối đa thời gian quay tại châu Âu, đoàn phim đã chia làm hai nhóm sản xuất và quay liên tục tại nhiều địa điểm khác nhau ở Cộng hòa Séc, từ vùng biên giới, nông thôn đến trung tâm thành phố Praha và một số thành phố khác - nơi có đông đảo người Việt sinh sống và làm việc.
Đây có thể coi là dự án tâm điểm của VFC trong năm 2012 và cũng là dự án khởi điểm cho hướng đầu tư mới của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vào mảng phim truyền hình. Đây là sự đầu tư mạnh mẽ cả về nội dung và chất lượng hình ảnh. Được biết, sẽ còn nhiều dự án phim truyền hình có quy mô tương tự như “Hai phía chân trời” dự kiến được VTV thực hiện trong thời gian tới.
Khánh Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.