Hậu Giang – mảnh đất hữu tình của miền quê sông nước Cửu Long. Nơi đây trù phú cá tôm và những đặc sản của phù sa vun đắp. Chính vì thế mà cá thát lát rút xương tẩm gia vị và gỏi củ hũ khóm của mảnh đất này đã được vinh danh ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Những món ăn từ sản vật sông nước này có gì đặc biệt để được vinh danh?
Ẩm thực Hậu Giang: Cá thát lát tẩm gia vị - cách chế biến mới mẻ thơm ngon
Cá thát lát từ xưa đã được biết đến là một món ăn ngon giàu dinh dưỡng nhưng thông thường chỉ cạo thịt làm chả, cá thát lát rút xương tẩm gia vị là sản phẩm được tạo ra từ nguyên liệu quen thuộc nhưng cách chế biến lại hoàn toàn mới. Cá thát lát rút xương tẩm gia vị, chế biến ngon nhất là chiên giòn, thịt cá – da cá – xương vụn của cá đều được ăn hết nên nhiều dinh dưỡng và canxi hơn so với chỉ ăn thịt cá.
Nói về thịt cá thát lát, các chuyên gia ẩm thực cho hay thịt cá ăn có vị ngọt, tính bình, không độc và có tác dụng bổ huyết. Vì vậy, cá thát lát được xem là rất tốt đối với tất cả mọi người. Đặc biệt là những người ăn uống kém, suy nhược cơ thể.
Cá thát lát rút xương tẩm gia vị thịt có độ dai giòn tự nhiên. Đây là đặc sản hết sức tiện lợi vì đã được sơ chế và tẩm ướp gia vị đầy đủ. Chỉ cần chảo dầu nóng là thực khách có thể thưởng thức món cá thát lát rút xương chiên giòn hết sức thơm ngon. Thịt cá béo, dai chấm với chén tương ướt và ít rau thơm sẽ khiến cho bữa cơm gia đình thêm phần đậm đà hẳn lên.
Trong đó sẽ ngon hơn khi nướng vàng. Món ăn hấp dẫn nhờ có sự phối hợp tinh tế giữa cá và gia vị. Trong đó mùi vị chủ đạo là sả và ớt. Cá thát lát tẩm gia vị nướng ngon nhất là ăn kèm với rau sống, chấm nước mắm chua cay ngọt dịu. Rau sống phải là rau vườn như húng quế, ngò gai, cải trời, càng cua, khế chua, chuối chát mới đậm đà và quyến rũ.
Củ hũ khóm là phần đọt non của thân cây khóm (dứa). Để lấy được nó, người ta phải nhổ cả cây đang còn tươi tốt để lấy phần lõi. Chính vì hiếm có, khó tìm như vậy nên dù ở xứ khóm, nhiều bà con nhưng cũng chỉ được thưởng thức mỗi năm vài lần. Cũng chính vì lẽ đó, những món ngon từ củ hũ khóm thường được dùng riêng để thiết đãi khách đến chơi nhà.
Được xem là thứ rau sạch, nhưng để có củ hủ khóm cũng lắm công phu. Khóm sau khi thu hoạch thì người ta sẽ nhổ cây, bỏ lá, rễ rồi gọt xong thành củ hũ, rửa sạch, cho ra rổ, bào mỏng, ngâm nước muối và luộc sơ trước khi chế biến. Nghe giản đơn nhưng từng công đoạn phải đúng cách. Bởi nếu luộc thiếu hoặc quá lửa, củ hũ khóm sẽ đắng. Muốn củ hủ giòn trắng, thơm thì nhất định phải ngâm với nước đá sau khi bào xong.
Gỏi củ hũ khóm được trộn cùng khô cá hay cùng với tôm, thịt ba chỉ hoặc chỉ trộn với thịt gà. Món ăn này không đòi hỏi tay nghề chế biến quá cao, quan trọng là người làm phải nắm đủ các bước là thực hiện được.
Cây khóm khi nhổ về, người ta sẽ gọt bỏ hết phần cuống lá bên ngoài, chỉ chừa lại phần lõi bên trong. Phần lõi này được cắt thành miếng nhỏ với độ mỏng vừa phải. Sau đó, củ hủ khóm sẽ được đem ngâm trong một thau nước lạnh, bỏ thêm chút muối để bớt nhẫn, khi trộn gỏi sẽ ngon và thấm đều gia vị hơn. Sau đem luộc sơ qua nước sôi rồi mới vắt ráo để trộn gỏi.
Nếu trộn với thịt ba chỉ và tôm thì phải chọn thịt tươi ngon có đủ nạc mỡ đan xem. Với tôm, người ta thường chọn loại tôm đất nhỏ vừa ăn. Thịt heo thái chỉ, còn tôm thì bóc vỏ. Còn trộn với thịt gà thì phải là thịt gà mái tơ vừa mềm ngọt lại dai thơm.
Đem trộn củ hũ khóm với các nguyên liệu, thêm gia vị và rau thơm, đặc biệt phải có lạc rang giã nhuyễn rắc lên thì mới hài hoà trọn vị. Món gỏi giòn ngọt quyện với thịt thơm ngon, rau mùi nồng nàn và cái bùi bùi của lạc rang thêm miếng bánh phồng tôm giòn rộp nữa thì thật thơm ngon khó cưỡng. Món của hương đồng cỏ nội này là đặc sản chắc chắn đem lại những mic vị khó quên cho người thưởng thức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.