Trồng mít Thái siêu sớm bị hàng xóm kêu là làm biếng, ai ngờ ông nông dân An Giang lại trúng lớn
An Giang: Mang tiếng làm biếng đi trồng mít Thái ra toàn trái to bự, ai ngờ hái đến đâu thương lái mua hết sạch
Thứ năm, ngày 15/07/2021 18:35 PM (GMT+7)
Việc chuyển đổi cây trồng bước đầu mang lại nhiều thuận lợi, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất, điển hình là mô hình trồng cây mít Thái của gia đình chú Phạm Tấn Lộc (ngụ ấp Cà Na, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).
Đó là câu nói vui của chú Phạm Tấn Lộc khi nói về mô hình trồng cây mít Thái trên mảnh đất của gia đình.
Từ thực tiễn canh tác khoảng 3 năm, chú Lộc cho biết, mít Thái là loại cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc hay thu hoạch.
Đặc biệt, trồng mít Thái siêu sớm này phù hợp với vùng đất nhiễm phèn của địa phương.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn mít Thái rộng 5.000m2 đang trĩu quả, chú Lộc cho biết, so với nhiều loại cây trồng khác, mít Thái mau cho trái hơn, từ lúc trồng đến thu hoạch mất khoảng 18 tháng.
Loại mít này cho trái khá lớn, trọng lượng mỗi trái nặng từ 8-10kg, đặc biệt có những trái khoảng 20kg. “Để cây có sức và cho năng suất cao nên tỉa hết hoa, trái non trong vụ đầu tiên. Đến đợt cho trái tiếp theo, cây vẫn chưa đủ lớn nên mỗi cây chỉ chừa khoảng 3 trái. Những trái đầu cành, hay ở nhánh nhỏ nếu bỏ đi, chỉ giữ lại những trái ôm thân và gần gốc” - chú Lộc chia sẻ.
Về kinh nghiệm chăm sóc cây mít Thái, chú Lộc cho biết, chi phí để sử dụng cho việc bón phân và xịt thuốc bảo vệ thực vật hầu như không đáng kể.
Bình quân 20 ngày, chú Lộc tiến hành bón phân 1 lần. Lượng phân bón sử dụng khá thấp, khoảng 10kg/5.000m2. Cây mít Thái yêu cầu cao về nước tưới nhưng không chịu được ngập úng, nếu cây bị úng nước sẽ gây ra tình trạng xơ bị đen, ảnh hưởng đến chất lượng trái.
Tuy là cây có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt nhưng cần đề phòng bệnh nứt thân xì mủ, đây là bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến chết cây. Do đó, khi trồng cây mít Thái, người nông dân cần chịu khó thăm vườn thường xuyên để sớm phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, cần bao trái để hạn chế côn trùng gây hại cho trái mít, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc hóa học khác.
Ai ngờ trồng mít Thái lại “làm chơi” nhưng “ăn thiệt”
Cây mít Thái thời gian gần đây được nhiều nhà vườn và người tiêu dùng ưa chuộng, bởi trái mít Thái không những được dùng để ăn tươi mà còn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nước trái cây, sấy khô phục vụ nhu cầu xuất khẩu, nên hiện nay trái mít Thái đang là sản phẩm thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng.
Giá mặt hàng này thời gian qua luôn ở mức cao, do có đầu ra tương đối ổn định nên nông dân vô cùng phấn khởi.
Chú Lộc chia sẻ: “Giá mít Thái có thời điểm cao nhất khoảng 60.000 đồng/kg, thấp nhất cũng 17.000-18.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân thu được lợi nhuận”.
Dù giá cao nhưng mặt hàng này cũng biến động thất thường. Tuy nhiên, nhờ thu hoạch trái quanh năm nên người trồng không bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động của thị trường.
Hiện nay, thương lái sẽ đến vườn của chú Lộc để thu hoạch trái mít 1 lần/tuần, mỗi lần thu hoạch vài trăm kg. Nhờ vậy gia đình chú có được nguồn thu nhập ổn định.
Trước đây, kinh tế gia đình chú Phạm Tấn Lộc chủ yếu canh tác lúa, diện tích khoảng 6ha. Nhận thấy trồng lúa bấp bênh nên chú Lộc tìm loại cây trồng khác để thay thế.
Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy mô hình trồng cây mít Thái mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương nên chú quyết định trồng thí điểm trên diện tích 5.000m2, mật độ 130-150 cây/công.
Cây giống được mua trực tiếp tại các vựa giống cây trồng có uy tín ở Tiền Giang, nhờ vậy đã giúp cây sinh trưởng nhanh, phát triển đồng đều. Với 5.000m2 mít Thái, sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, gia đình chú Lộc thu về khoảng 30 triệu đồng.
Nhận thấy đây là mô hình có nhiều tiềm năng để phát triển, nên thời gian tới, chú Lộc sẽ nhân rộng mô hình trên toàn bộ diện tích đất canh tác nông nghiệp của gia đình.
Cây mít Thái là giống cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch nhanh, năng suất cao và đặc biệt là được thị trường ưa chuộng, nên đầu ra ổn định.
Đặc biệt, đây là loại cây trồng ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cho sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản phẩm sạch, an toàn. Do đó, phát triển mô hình trồng mít Thái đang là hướng đi mới, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, nông dân xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.