|
Chị Giang đan lờ cua. Ảnh: Hà Ngân |
Được mùa lọp tôm, cua
Hơn hai tháng qua, ông Trần Văn Gốc (ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội) đặt 80 cái lọp tôm trên sông Bình Di. Mỗi ngày, ông thu từ 1,5-2kg tôm càng xanh, bán được 140.000 đồng/kg. Ông Gốc phấn khởi: “Đặt lọp tôm trúng nhờ nước lũ về muộn, tôm cá không bị loãng theo nước lũ. Đoạn sông Bình Di chảy qua ấp Phú Mỹ 2km có đến 4-5 người đặt lọp tôm”.
Không chỉ nghề đặt lọp tôm trúng mùa, nghề đặt lờ cua cũng hốt bạc. Chị Thu Vân, đại lý thu mua cua ốc bến Tắc Trúc (xã Nhơn Hội, An Phú) cho biết: Mỗi ngày chị mua vào khoảng 4-5 tấn cua đồng của những người đặt lờ, số lượng tăng gấp rưỡi so với cùng thời điểm năm ngoái và giá cả cũng tăng gấp đôi.
Đặt lọp tôm trúng nhờ nước lũ về muộn, tôm cá không bị loãng theo con nước lũ. Đoạn sông Bình Di chảy qua ấp Phú Mỹ 2km có đến 4-5 người đặt lọp tôm.
Ông Trần Văn Gốc, ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội
Hiện thời, chị mua loại cua càng kình giá 11.000 đồng/kg, còn mua xô giá 5.000 đồng/kg, ốc lác giá 9.000 đồng/kg. Anh Đặng Văn Hải (ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội) đặt 250 cái lờ cua, mỗi ngày thu được 60kg (trong đó, có 10kg cua càng kình), bán 360.000 đồng. Theo chị Thu Vân, giá cua tăng nhờ các chợ đầu mối “ăn" hàng mạnh. Lái buôn từ thị xã Châu Đốc lên thu gom chở đi TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Thời điểm hút hàng, giá cua càng kình tăng lên 15.000 đồng/kg và ốc lác 12.000 đồng/kg.
Anh Trần Văn Nghĩa (chồng chị Thu Vân) bộc bạch: “Gia đình tôi làm nghề đặt lờ cua 16 năm nay, địa bàn đặt lờ dọc khu vực biên giới, có khi sang cả đất bạn Campuchia. Những năm 1997- 1998, vợ chồng tôi cùng nhiều bà con vùng biên giới sang đất bạn đặt lờ mang cua về biên giới Việt Nam bán.
Những lúc trúng đậm, chở đầy xuồng cua về, bị thương lái ép giá mua rẻ bèo. Bức xúc, vợ chồng tôi đứng ra thu gom cua của những người cùng làm nghề chở xuống chợ Châu Đốc bán”. Từ đó, gia đình anh Nghĩa trở thành đại lý thu mua cua, ốc lớn nhất ở khu vực biên giới Nhơn Hội.
Làng nghề phấn khởi
Xã Phú Hộ có trên 150 hộ chuyên sản xuất lọp lờ tôm, cua, cá, tép. Anh Trần Văn Gò (ấp Phú Nhơn), cho hay: Hơn 2/3 số hộ sản xuất lọp lờ để bán sang Campuchia, số ít làm để tự đặt tôm, cua, cá. Thời vụ đặt lọp tôm từ tháng 7 đến tháng 10 nên mùa sản xuất lọp bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8. Mỗi vụ, gia đình ông làm được 500 cái, mỗi cái bán 40.000 đồng, trừ chi phí, lãi 20.000 đồng.
Nghề đặt lờ cua kéo dài đến 9 tháng trong năm nên những người làm nghề sản xuất lờ có việc làm quanh năm. Chị Nguyễn Thị Giang (ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội) cho biết, mỗi tháng chị làm được 300 cái lờ cua, bán cho bà con địa phương 23.000 đồng/cái, trừ tiền mua vật liệu, lãi 15.000 đồng/cái.
Chị Thu Vân nói thêm, để đủ nguồn hàng cung ứng đều đặn cho chợ đầu mối, chị đầu tư vốn cho trên 100 hộ mua phương tiện, mồi và tiền mua lô. Nghề đặt lờ cua kéo dài từ tháng 5 đến tháng 2 âm lịch năm sau. Khi nước lũ rút, xuống lưng đìa đặt cũng được nhiều cua hơn thời điểm đồng lũ ngập sâu.
Ông Đoàn Thanh Việt - Chủ tịch UBND xã Phú Hội cho biết: Công tác xóa đói giảm nghèo đã giúp vốn cho nhiều hộ làng nghề sản xuất nhưng kinh tế chưa phát triển, bởi cách làm ăn nhỏ lẻ theo hộ cá thể. Sắp tới, xã sẽ có chương trình phát triển làng nghề sản xuất lọp tôm, cua, tép, cá… tiến tới thành lập tổ hợp tác sản xuất, có sự phân công lao động theo nhóm chuyên cung ứng vật liệu, sản xuất, tiêu thụ, giúp bà con tiếp cận vốn để làm ăn lớn.
Hà Ngân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.