Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản yêu cầu các địa phương chấm dứt lưu thông thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm sau khi đoàn kiểm tra phát hiện chất Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, TP.HCM.
Sử dụng thực phẩm có chất tạo nạc ảnh hưởng đến sức khỏe
Trước tình hình này, người tiêu dùng rất hoang mang, lo lắng: Liệu chất cấm này có ảnh hưởng đến sức khỏe? Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Thanh tra Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế.
Thưa ông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phát hiện chất cấm trong chăn nuôi tại một số địa phương. Là cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã nắm được thông tin ở một số địa phương có sử dụng chất cấm trong trong chăn nuôi. Các cơ quan chức năng phát hiện chất cấm trong chăn nuôi song với tỷ lệ nhỏ và tập trung chủ yếu ở phía Nam.
Trong sự việc này, phân công trách nhiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý, giám sát. Do đó, trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên thanh tra, rà soát trước. Khi nào cần sự phối hợp, Bộ này sẽ đề nghị các bộ, ngành khác tham gia trong đó có ngành y tế.
Ông có thể nói rõ hơn về những chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất Sabutamol?
Theo tôi, ngành nông nghiệp, các địa phương phải chấn chỉnh, dứt điểm tình trạng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chất cấm trong chăn nuôi không có nghĩa là cấm trong ngành khác. Chẳng hạn: Ngành y tế buộc phải dùng chất Salbutamol cho công tác chữa bệnh. Chất này được dùng cho người với liều lượng thấp và chỉ định nghiêm ngặt của thầy thuốc. Theo đó, chất Salbutamol có tác dụng giãn cơ trơn phế quản, cơ tử cung, cơ trơn mạch máu… giúp chữa các bệnh về hen phế quản, chống nguy cơ sinh non của sản phụ…
Trên thực tế, có nhiều chất cấm đối với thức ăn chăn nuôi, thực phẩm nhưng lại rất cần trong khám chữa bệnh. Chẳng hạn, chất hàn the bị cấm trong thực phẩm nhưng vẫn được sử dụng trong mỹ phẩm.
Sử dụng thực phẩm chứa chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Có cách nào phân biệt thực phẩm nhiễm chất cấm không, thưa ông?
Chất Sabutamol là chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Các chất này bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này.
Chất cấm trong chăn nuôi có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trọng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ trong các mô cơ ở vật nuôi. Đây cũng là những chất không thể tiêu hủy được trong cơ thể vật nuôi.
Nếu người sử dụng thức ăn có những chất cấm này thì ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, gây ngộ độc thực phẩm. Chất độc tích tụ trong gan, các bệnh ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương…, thậm chí tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư.
Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách tỉnh táo lựa chọn thực phẩm. Thịt có sử dụng chất cấm thường nở nang, da có độ căng khác thường, trương mỏng do ứ nước bên trong, lượng nạc nhiều…
Vậy, với những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi nhiễm chất cấm, ngành y tế sẽ xử lý như thế nào?
Chỉ khi nào những sản phẩm gia cầm, chăn nuôi thành sản phẩm như xúc xích, sản phẩm đóng gói… ngành y tế mới thanh tra kiểm tra về nguồn gốc, điều kiện công bố sản phẩm.
Khi một sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều công đoạn. Trong trường hợp này, chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi, chưa thành sản phẩm nên ngành nông nghiệp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ.
Bộ Y tế chỉ xử lý khi có đoàn thanh tra liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương. Trong đó, Bộ Y tế làm trưởng đoàn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.