Ấn tượng với di sản của cha ông

Thứ năm, ngày 21/11/2013 14:08 PM (GMT+7)
Đang diễn ra tại Làng Văn hóa các dân tộc VN tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” mang đến cho người xem nhiều thú vị về văn hóa các dân tộc.
Bình luận 0
Từ khắp miền hội tụ

Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” là chương trình do Bộ VHTTDL phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức nhân dịp 83 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam 18.11 và chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11. Bởi vậy ngoài mục đích giới thiệu những di sản văn hóa của các dân tộc, đây còn là dịp biểu thị tình đoàn kết của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, như anh em trong một nhà.

Biểu diễn cồng chiêng trong Tuần văn hóa di sản
Biểu diễn cồng chiêng trong Tuần văn hóa di sản

Gần 400 nghệ nhân, già làng, trưởng bản đến từ 16 cộng đồng dân tộc như Mông, Thái, Lự, Ê Đê, Gia Rai, Khmer, Pako, Nùng, Tày, Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm… đã có mặt tại Hà Nội, mang theo rất nhiều nét đẹp?văn hóa dân tộc mình.

Trong Triển lãm “Văn hóa truyền thống và trang phục các dân tộc Việt Nam” khai mạc vào sáng 19.11, người xem có thể chiêm ngưỡng 42 bộ trang phục, 50 sản phẩm dệt, thêu, 200 tài liệu hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam và từ đó có thêm nhiều kiến thức quý báu về văn hóa trang phục của các dân tộc. Bà Nguyễn Thị Ngân- Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: “Những hoa văn trang trí trên trang phục của các dân tộc không chỉ có ý nghĩa về mặt mỹ thuật mà nó còn chứa đựng một di sản văn hóa, nhân sinh quan và thế giới quan của tộc người đã đúc kết về vũ trụ”.

Chiều 19.11, chương trình giao lưu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam diễn ra thu hút được sự chú ý của rất nhiều khán giả. Một chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của tất cả các đoàn tham gia, với các phần trình diễn độc đáo như lễ kết nghĩa của cộng đồng Ê Đê và Mơ Nông, múa cắt lúa của người Khmer, hát then “Nàng ơi” của dân tộc Tày, chiêng goong mừng khách của dân tộc Gia Rai, biểu diễn múa cồng chiêng và hát trường ca của dân tộc Pakô…

Bác Trần Trung Tiến- một khán giả đến từ huyện Phúc Thọ (Hà Nội) trầm trồ: “Đúng là chỉ có những sự kiện văn hóa thế này thì chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến di sản văn hóa các dân tộc ta, từ miền núi đến miền xuôi, thật là phong phú và đặc sắc. Các thế hệ con cháu chúng ta phải nghiêng mình trước những gì mà cha ông truyền lại. Tôi rất vui khi được xem các nghệ nhân người Pakô đến từ Quảng Trị biểu diễn cồng chiêng, những âm thanh rất mộc mạc và hào hùng, thật khó diễn tả cảm xúc khi xem và nghe họ biểu diễn”.

Tận thấy sự tài hoa

Một trong những hoạt động đáng chú ý nhất trong tuần lễ lần này là trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên khai mạc vào sáng 18.11 và sẽ kéo dài đến hết ngày 24.11. Những bức tượng gỗ - một đặc sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã có mặt ở Hà Nội, không những thế, quá trình chế tác, hoàn thiện 180 bức tượng sẽ được các nghệ nhân người dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm trình diễn trước khán giả?cho thấy sự tài hoa trong tư duy và đôi tay họ.

Tuẫn lễ kéo dài từ ngày 18 đến 24.11 với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, tái hiện các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng các dân tộc như: Hội đua bò Bảy Núi; Lễ hội Ok Om Bok; Không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao phía Bắc; Lễ hội Căm Mường dân tộc Lự; Lễ hội Arieuping của dân tộc Tà Ôi; Nghi lễ Tết Xíp Xí của dân tộc Thái…

Những nhát rìu sắc lẻm đã sơ tác khúc gỗ thô ráp thành khuôn dáng những bức tượng, các nghệ nhân bắt đầu dùng các dụng cụ chuyên dụng để đẽo, gọt, khắc họa và một tác phẩm hoàn thiện đã bắt đầu hiện ra trong sự trầm trồ của những người chứng kiến.

Các bức tượng già làng, tượng người phụ nữ giã gạo, mẹ bế con, bà cõng cháu, dệt vải; người đàn ông đi săn, gia đình lên rẫy, người chơi nhạc cụ, lễ ăn trâu, lễ bỏ mả… cho thấy đề tài phong phú trong nghệ thuật điêu khắc của người Tây Nguyên. Những hình tượng thân thuộc trong đời sống đã được họ mang vào tác phẩm nghệ thuật, trau chuốt từng đường nét bằng cảm quan quen thuộc của những nghệ sĩ, tưởng như không cần phải sáng tạo mà chỉ mô tả hiện thực cuộc sống đã thành nghệ thuật.

Trong tuần văn hóa này, một sự kiện cũng rất được chờ đón nữa là lễ khánh thành quần thể chùa Khmer vào sáng 23.11 tới tại Làng Văn hóa các dân tộc. Quần thể chùa tọa lạc bên hồ nước trong xanh, được các nghệ nhân tài hoa người Khmer xây dựng trong suốt nhiều tháng nay đã hoàn thiện các bước cuối cùng để kịp cho lễ khánh thành. Hy vọng đây sẽ là một địa chỉ văn hóa độc đáo của người Khmer thu hút sự chú ý của khách tham quan mỗi khi đến với thủ đô Hà Nội.
Nguyệt Hồng (Nguyệt Hồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem