Và chỉ vài năm sau, cây sung nơi bờ ao nhà gặp đất tốt nên lớn nhanh “như thổi”, vươn cành, trổ quả sai lúc lỉu. Nó đã cung cấp cho nội những “đĩa mồi” đậm đà hương vị quê nhà. Thưởng thức vị chát của trái sung, vị cay nồng của ớt, vị men say của rượu… đã tạo thành món “khoái khẩu” ngấm vào máu thịt nội có lẽ kể từ những tháng năm đó, giờ khó mà dứt bỏ.
Không những hái để uống rượu, trái sung còn được nội chấm ruốc mắm ăn với cơm. Tôi còn nhớ, những chùm sung trái to, đẹp, tròn trịa, “múp” thì được nội cưng dưỡng, để dành hái bán Tết. Vì phong tục ở quê tôi (và có lẽ ở nhiều vùng, miền khác trên cả nước) khi Tết đến, Xuân về đều có mâm ngũ quả để chưng trên bàn thờ gia tiên, hoặc dâng cúng giữa trời suốt 3 ngày Tết.
Bên cạnh các loại quả cho đủ “cầu vừa đủ xài” (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài), thì người dân quê tôi rất coi trọng trái sung. Sung là biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy, no ấm. Cứ mỗi dịp sắp Tết là tôi rủ mấy đứa bạn cùng xóm đi hái sung về cho nội bán.
Cái rổ nội tôi bưng ra chợ bán chỉ vỏn vẹn ít nải chuối mật, mấy trái đu đủ hái ở vườn nhà, vài chùm sung còn tươi xanh do tôi đi trèo hái ở triền sông hoặc ở ngoài nghĩa trang của làng. Nhưng đó là niềm vui, là “nguồn sống” của cả gia đình tôi trong những ngày đầu năm.
Nay cuộc sống ở quê nhà cũng đủ đầy, sung túc, trẻ con ở quê tôi không còn đi hái sung để ăn. Tuy nhiên, cây sung nơi bờ ao nhà nội vẫn còn “phát huy tác dụng”. Bởi vài năm trở lại đây, phong trào chơi cây sung cảnh, dạng bonsai nên người thành phố đã tìm về quê mua trái sung để bán cho nhà hàng, cành sung để ghép kiểng, có người còn định “đốn” vả cây sung to với giá tiền “khủng”.
Trong tiềm thức, tôi vẫn muốn nội lưu giữ mãi cây sung nơi bờ ao nhà năm xưa, vì đó là hình ảnh đẹp, gắn liền với tuổi thơ đầy mộng mơ, lãng mạn của tôi thuở ấy…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.