Ba ba, rùa và nem, phở Việt... trên đất Thái

Tiểu Thái (Thế giới Tiếp thị) Thứ bảy, ngày 14/06/2014 10:00 AM (GMT+7)
Từ điển Bách khoa Việt Nam đã mắc sai lầm? Buổi cơ cầu, các doanh nhân thường được thầy phong thuỷ dặn kỹ: chớ ăn thịt rùa. Chủ nhà hàng đã kỵ ăn còn kỵ bán thịt rùa. Nhưng ba ba vẫn bán hà rầm.
Bình luận 0

Không thể không đến ngó nghiêng, chụp hình Sao Chaliang cho bằng được, khi thắng cảnh khoảng 130 – 180 triệu năm tuổi này giờ vẫn lung linh. Nằm trong rừng quốc gia Pha Taem, Sao Chaliang – những cột đá, nấm đá, hoa đá, tuỳ người gọi, có niên đại khoảng từ kỷ Phấn trắng (130 triệu năm tuổi) đến kỷ Khủng long (180 triệu năm tuổi).

Cao trên dưới 10m, những cột đá đỡ những phiến đá mỏng bên trên, cái thẳng đứng, cái nghiêng nghiêng… nhìn góc này giống những chiếc nấm, qua góc kia như những đoá hoa mãn khai… Mưa gió hơn trăm triệu năm đương nhiên sẽ bào mòn, nhưng sao từ những khối đá sa thạch giống nhau, ở cùng một nơi, lại bị mài mòn cái thành cột đỡ dưới, cái thành phiến nằm ngay trên?

Giả thuyết được nhiều người tin là vùng này ngày xưa chìm dưới biển sâu (vỏ sò hoá thạch được tìm thấy trong vùng), sự thay đổi, nhô lên khỏi mặt nước biển qua những thời gian khác nhau, những luồng chảy đã bào mòn những chiếc cột đá sau khi phần đá phiến đã nhô lên. Rồi gió, mưa… cùng thời gian tiếp tục phần việc của mình, để Sao Chaliang giờ là những hoa đá sừng sững đẹp giữa triền xanh Pha Taem.

Những bức hình đẹp của gia đình, bạn bè, cá nhân bên hoa đá Sao Chaliang luôn có trong những album gia đình ở Ubon, và nhất là ở Khong Chiam, xóm nhỏ hiền hoà ven bờ Cửu Long chỉ cách Sao Chaliang 11km.

Khong Chiam (hay Khong Jiam) là một miền đất đẹp thiên nhiên ưu ái tặng Ubon. Nằm ngay ngã ba sông, nơi dòng Mun đổ vào sông mẹ Cửu Long, Khong Chiam nổi tiếng vì bức tranh thuỷ mặc “dòng sông hai màu”. Về từ rừng rậm Khorat, dòng Mun hầu như quanh năm thăm thẳm màu chàm xanh núi rừng, nhưng Cửu Long thì không.

Mùa mưa, phù sa từ núi rừng, phụ lưu đổ xuống, Cửu Long vàng sánh phù sa nhận dòng Mun xanh trong tạo nên Mae Nam Song Si – dòng sông hai màu vàng xanh đẹp hiếm thấy. Mùa hè, mùa mưa nhiệt đới bắt đầu cũng là lúc người Thái đổ về Khong Chiam ngắm nhìn, lên đò ra giữa ngã ba sông hai màu để đắm trong cảnh sắc ấy hay sang tận bờ bên kia, dạo bước thăm thú những xóm bản Lào nghèo nhưng thấm đẫm tình, đong đầy phẩm vật núi rừng khẳm tay xách về tặng người thân nơi phố thị.

Với du khách “cuồng chân” vì không được lượn lờ những biển đảo đẹp miền Nam Thái, bãi cát vàng mịn ven dòng Cửu Long mùa chưa mưa còn xanh trong sẽ là một lựa chọn thú vị khác.

Chỉ hơn 20km từ Khong Jiam, rừng quốc gia Kaeng Tana là điểm đến yêu thích khác của Tam giác ngọc Ubon. Bao bọc bởi ba con sông Cửu Long, Mun và Lam Dom Noi, Kaeng Tana xanh mướt quanh năm mát mẻ, nhiều thác ghềnh suối khe thêm điểm nhấn nhá. Cái tên Tana, đọc chệch từ Tenia, một từ Khmer cổ nghĩa là “nguồn cá”, do triền sông đá sa thạch của dòng Mun ở đây có rất nhiều hang hốc lũ cá yêu thích rủ rê tụ tập.

Những ngày nắng và khi nước trong các hốc đá vẫn còn mấp mé miệng, hàng trăm hốc nước loang loáng phản chiếu chừng ấy những mặt trời nhỏ riêng lấp lánh, là một cảnh tượng lý thú khác của Kaeng Tana.

Ngoài “nhan sắc” tự nhiên, Kaeng Tana còn được tôn thêm nét duyên bởi chiếc cầu treo dài nhất Thái Lan, Saphan Khwan, bắc qua dòng Mun. Không to lớn hoành tráng, chiếc cầu treo nhỏ nhắn hun hút bắc từ bờ sông bên này, ngang qua đảo Don Tana giữa sông, rồi lại băng sông đi tiếp qua bờ bên kia. Do vậy, không chỉ đòng đưa treo trên sông xanh, có lúc cây cầu mất hút trong miền xanh ngắt của Don Tana…

Đẹp, và là “cầu treo dài nhất Thái Lan”, Saphan Khwan là điểm chụp hình khá thú vị của du khách, dù nói nào ngay ít người dám đi hết cây cầu khá chòng chành và cũng đã rụng rơi đây đó những thanh gỗ lát sàn cầu. Do bàn tay con người góp thêm nét duyên, xưa cũ nhưng vẫn rạng ngời là các di tích ngày vương triều Chân Lạp, rồi Khmer còn cát cứ miền này.

Không đền đài hoành tráng như Vat Phou ở láng giềng Pakse, Lào cách đó chừng 40km, những nét Khmer tinh xảo không thể lẫn, pha thêm những nét riêng của kiến trúc Lan Xạng (một trong những tiểu quốc Lào ngày trước) làm cho những pho tượng vài trăm năm tuổi ở Kaeng Tana có thêm những nét duyên lạ.

Tam giác ngọc Ubon nhiều danh lam thắng cảnh, không thể gói gọn trong vài câu chữ. Kể thêm có thể là ngôi Tàng kinh các bằng gỗ gần 200 năm tuổi nằm giữa hồ sen, súng ở chùa Thung Si Muang, Wat Nong Bua mô phỏng Đại Giác Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng lấp lánh vàng son, những đồi núi mênh mông hoa mùa xuân ở Dok Chang Noi, những thác bạc Soi Sawan, Huay Sai Yai giữa rừng xanh thẳm…

Hội hè, thì ngoài lễ hội nến còn có lễ rước hoa đăng, đua ghe trên sông vào cuối Mùa chay (khoảng tháng 10), lễ hội đón tia nắng đầu tiên của năm mới trên đất Thái ngày 1 tháng giêng ở Pha Taem… Cộng thêm cho Ubon là ẩm thực Isan nổi tiếng, nay còn được bổ sung thêm nem nướng, phở, giò chả, bánh mì kẹp thịt… quen thuộc của xứ Việt. Chợ Ubon ban ngày, chợ đêm ẩm thực sôi động hay những nhà hàng Thái, Việt… sẽ níu chân du khách khi lạc bước đến miền bình yên xanh đẹp này.

Tôi chia tay Ubon một sớm mai trong, trăng hạ huyền muộn màng còn tiếc nuối lơ lửng giữa cao xanh. Trên con đường ven sông Mun biêng biếc, thoảng hương sứ ngọt bâng khuâng trong gió sớm lành lạnh, ngân nga tiếng chuông chùa lãng đãng, bóng áo vàng chầm chậm bước cùng những tia nắng đầu ngày… tưởng như không gian, thời gian ngừng trôi. Chợt thấy đời bình yên và lòng bình yên!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem