Nhiều người bất ngờ khi biết quê gốc nhà Trần ở nơi này
Nhiều người bất ngờ khi biết quê gốc nhà Trần ở nơi này
lichsu.dongtrieu.edu
Chủ nhật, ngày 09/04/2023 05:00 AM (GMT+7)
Theo duy danh định nghĩa thì Đông Triều có nghĩa là "triều đình phía đông", An Sinh vốn là quê gốc của nhà Trần. Đây là một trong những vùng ẩn tích chứa nhiều các di sản văn hoá đặc sắc của thời Lý- Trần tại tỉnh Quảng Ninh.
Đông Triều (Quảng Ninh)- Mảnh đất và con người đã gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nơi này là vùng đất cổ có tên gọi là An Sinh hay Yên Sinh, đến đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) được đổi tên thành Đông Triều.
Theo duy danh định nghĩa thì Đông Triều có nghĩa là “triều đình phía đông”, An Sinh vốn là quê gốc của nhà Trần. Đây là một trong những vùng ẩn tích chứa nhiều các di sản văn hoá đặc sắc của thời Lý- Trần.
Kết quả nghiên cứu khoa học gần đây đã khẳng định: nếu xét về quê hương, nhà Trần có ba nơi, thứ nhất là Dương trạch ở xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương (nay TX Đông Triều thuộc Quảng Ninh); thứ hai là Dương trạch ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định); thứ ba là Âm phần ở xã Thái Đường huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Trong ba nơi này, nơi quan trọng nhất là An Sinh (Đông Triều) vì ở đây có Thái miếu, mà dân gian quen gọi là đền Thái.
Các nhà nghiên cứu cùng xác định: Kinh đô Thăng Long và Thiên Trường Nam Định là hai trung tâm chính trị, còn Đông Triều là một trung tâm văn hóa đặc sắc của nhà Trần.
Chiếc hộp hoa sen bằng vàng này thuộc thời nhà Trần, lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam, cổ vật được phát hiện tại khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều bao gồm hệ thống đền thờ, lăng miếu các vua Trần
Đền thờ lăng miếu các vua Trần toạ lạc trên mảnh đất có non bình thuỷ tụ, diện tích khoảng 15km2 từ núi Đạm Thuỷ xã Thủy An tới núi Ngoạ Vân thuộc xã An Sinh, (Đông Triều). Đây là khu di tích có giá trị tiêu biểu về văn hoá nghệ thuật.
Ngày 28 tháng 4 năm 1962, Bộ Văn hoá đã ra Quyết định số 313 xếp hạng khu di tích đền thờ lăng miếu các vua Trần là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Đền An Sinh
Năm 1381, để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp phá, triều đình đã cho chuyển các lăng mộ ở Quắc Hương Thái Đường, Kiến Xương về An Sinh, Đông Triều.
Theo bia ký và lệnh chỉ của đền An Sinh thì vào các thời Lê, Nguyễn, dân xã An Sinh là “dân hộ nhi tạo lệ (được trừ mọi khoản tô thuế phu dịch để phụng sự lăng tẩm) gồm Trần triều ngũ vị hoàng đế tại điện An Sinh và các chùa Ngoạ Vân, Tư Phúc”.
Đền An Sinh được xây mới tại TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Điện An Sinh đã trải qua nhiều lần tôn tạo và xây dựng lại, song đầu thế kỷ XX điện cũng chỉ còn là phế tích. Năm 1997, UBND huyện Đông Triều đã kêu gọi công đức của khách thập phương, khởi công xây dựng lại một ngôi đền mới trên khu vực đất của điện An Sinh để thờ tám vị vua Trần gọi là đền An Sinh.
Năm 2000 đền An Sinh được hoàn thành với kiến trúc chữ công gồm tiền đường, trung đường và hậu cung. Sân đền trồng tám cây vạn tuế tượng trưng cho sự vĩnh hằng của tám vị hoàng đế triều Trần được thờ ở đây và 175 cây hoa sữa vừa cho bóng mát, vừa cho hoa thơm mang ý nghĩa tôn vinh thời trị vì của triều Trần. Trước sân đền có hai cây bồ đề của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tự tay trồng khi về thăm đền với nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”.
Trong khuôn viên đền, năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, cựu học sinh miền Nam đã dựng bia ghi dấu Trường học sinh miền Nam số 1 Đông Triều bằng đá granite được đưa từ Tây Sơn tỉnh Bình Định ra.
Đền Thái
Đền Thái nằm trên một ngọn đồi thấp có tên là Đồi Đình thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Đền được xây dựng từ thời Trần và là nơi thờ ba vị vua đầu tiên của triều Trần là Trần Thái Tổ (Trần Thừa- Bố của Trần Thái Tông, được vua Trần Thái Tông tôn lên làm Thượng Hoàng), Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.
Di tích đền Thái được xây vào khoảng đầu thế kỷ 13, sau khi Trần Thái Tông lấy vùng đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (thuộc tỉnh Quảng Ninh) ban cho anh là Trần Liễu làm đất thang mộc.
Từ Tiên miếu (nơi thờ tổ tiên), sang đầu thế kỷ 14, nơi đây dần trở thành Thái miếu (nơi thờ cúng của cả hoàng tộc), bởi Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, nên khi các vua Trần mất đi, bài vị được thờ ở quê hương. Càng về sau, quy mô kiến trúc của công trình càng được mở rộng hơn.
Đền Thái sẽ được phỏng dựng lại trên nền cũ của kiến trúc gốc. Ảnh: Nguyễn Văn Anh (Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành)
Trải qua thời gian dài bị thiên nhiên và chiến tranh huỷ hoại, tàn phá, đền chỉ còn là phế tích. Năm 1993, nhân dân trong vùng xây dựng lại ngôi đền nhỏ như ngày nay và đặt tên chữ là Đại Vương đền, tên thường gọi là đền Thái.
Lăng Tư Phúc
Lăng Tư Phúc là nơi đặt lăng tẩm và miếu thờ của ba vị vua: Trần Thái Tông (1218- 1277), Trần Thánh Tông (1240- 1290) và Trần Giản Hoàng (1361- 1388). Theo tài liệu “Trần triều thánh tổ các xứ đại đồ” thì lăng Tư Phúc có tường bao ngoài phía Tây Bắc dài 18 trượng (59,4m), nằm liền kề với tường bao ngoài dài 32 trượng (105,6m) của điện An Sinh; (theo sơ đồ thì lăng Tư Phúc nằm ở phía Tây Bắc của điện An Sinh).
Lăng Tư Phúc gồm có ba lăng, một lăng phía trong dài 6 trượng (19,8m), rộng 3 trượng (9,9m), nền cao 1,3m. Một lăng ở giữa dài 2,3 trượng (7,6m), rộng 1 trượng (3,3m), nền cao 0,4m. Một lăng phía ngoài dài 6 trượng (19,8m), rộng hơn 2 trượng (6,6m), nền cao hơn 2 thước (0,7m).
Thái Lăng
Thái Lăng (hay còn gọi là lăng Đồng Thái) toạ lạc tại khu đồi Trán Quỷ (nay là lòng hồ Trại Lốc), thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Ở đây gồm có công trình lăng tẩm và miếu thờ được xây dựng năm 1320, đây là nơi an táng linh cữu vua Trần Anh Tông (1276- 1320) và là nơi phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái Hậu (1332).
Kiến trúc khu vực trung tâm của Thái Lăng. Ảnh tài liệu khảo cổ: Nguyễn Văn Anh (Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành)
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Ngày 16 tháng 3 năm 1320, Thượng Hoàng Anh Tông băng tại cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, rước linh cữu vào Tường Phù, quàn tại cung Thánh Từ... Ngày 12 tháng 12 năm 1320 táng Thượng Hoàng vào Thái Lăng ở Yên Sinh”.
Mục Lăng
Mục Lăng (hay còn gọi là lăng Đồng Mục) toạ lạc tại chân đồi Khe Gạch (phía trước Thái Lăng và gần đền Thái), thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh gồm công trình lăng tẩm và miếu thờ, được xây dựng năm 1357, là nơi an táng linh cữu của vua Trần Minh Tông (1300- 1357).
“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “mùa xuân tháng 2, ngày 19, Thượng Hoàng băng ở cung Bảo Nguyên, miếu hiệu là Minh Tông”, “mùa đông tháng 11, ngày 11, tàng Minh Tông ở Mục Lăng”.
Ngải Sơn Lăng
Ngải Sơn Lăng (hay còn gọi là lăng Ngải Sơn) toạ lạc tại xóm Trại Lốc 2, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, gồm có công trình lăng tẩm và miếu thờ, được xây dựng năm 1381, nơi an táng linh cữu vua Trần Hiến Tông (1319- 1341).
Ngải Sơn Lăng nơi an táng linh cữu vua Trần Hiến Tông (1319- 1341).
“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Năm 1341, mùa hạ tháng 6, ngày 11, vua băng ở chính tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương, miếu hiệu là Hiến Tông...
Năm 1344, mùa thu tháng 8, ngày 15, an táng Hiến Tông vào An Lăng ở Kiến Xương... Năm 1381, tháng 6 rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Tháo Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”.
Phụ Sơn Lăng
Phụ Sơn Lăng hay còn gọi là lăng Phụ Sơn ở xóm Mới, thôn Bãi Dài, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh gồm công trình lăng tẩm và miếu thờ, được xây dựng năm 1369, nơi an táng linh cữu của vua Trần Dụ Tông.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì “mùa hạ, tháng 5, ngày 25 vua băng ở chính tẩm, miếu hiệu Dụ Tông... Mùa đông, tháng 11, táng Dụ Tông ở Phụ Lăng (xã An Sinh, huyện Đông Triều)”.
Nguyên Lăng
Nguyên Lăng toạ lạc trên một gò đất cao nằm ở thung lũng Khe Nghệ (núi Đốc Trại), xóm Bãi Đá, xã An Sinh, huyện Đông Triều gồm công trình lăng tẩm và miếu thờ, được xây dựng năm 1364, là nơi án táng linh cữu của vua Trần Nghệ Tông.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì: “Năm 1394, tháng 12, ngày 15, Thượng Hoàng băng, táng vào Nguyên Lăng ở Yên Sinh, miếu hiệu là Nghệ Tông, tên hiệu là Quang Nghiêm Anh Triết Hoàng đế”.
Đồng Hỷ Lăng
Đồng Hỷ Lăng hay còn gọi là lăng Đồng Hỷ toạ lạc ở núi Ngọc Thanh, thôn Đạm Thuỷ, xã Thuỷ An, huyện Đông Triều gồm công trình lăng tẩm và miếu thờ, được xây dựng năm 1377, là nơi an táng vua Trần Duệ Tông (1337- 1377). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì “tháng 9 năm 1377 chiêu hồn (của Duệ Tông) chôn ở Hỷ Lăng, miếu hiệu là Duệ Tông”.
Ngoài ra ở khu vực núi Ngọc Thanh còn có lăng mộ của vua Trần Thuận Tông, tên huý là Ngung, con út của Nghệ Tông, sinh tháng 10 năm 1378, lên ngôi năm 10 tuổi, ở ngôi hơn 9 năm, xuất gia theo đạo giáo hơn một năm thì bị hại, thọ 22 tuổi.
Hệ thống chùa
Chùa Ngoạ Vân:
Chùa Ngoạ Vân nằm trên núi Bảo Đài (còn tên gọi khác là núi Vây Rồng), thuộc dãy núi vòng cung Đông Triều, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều.
Am Ngọa Vân, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Cụm di tích chùa Ngoạ Vân thuộc dãy núi chạy từ Yên Tử sang, ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, dựa lưng vào vách núi, ở một địa thế đẹp trên cả phương diện cảnh quan và phương diện phong thuỷ, có tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thuỷ, vị trí chùa phải gọi là đắc địa.
Chùa Ngoạ Vân xưa là am Ngoạ Vân, nơi Trần Nhân Tông đã từng tu hành và viên tịch, trở thành sư tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái đã để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tôn giáo Việt Nam.
Chùa Ngoạ Vân là một di tích kiến trúc tôn giáo được xây dựng từ thế kỷ 13, đây là một di tích rất có giá trị, có mối quan hệ chặt chẽ với khu di tích và danh thắng Yên Tử, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp tu hành của vị thiền sư Trần Nhân Tông.
Con đường để du khách hành hương lên chùa Ngọa Vân được bắt đầu từ hồ Trại Lốc. Từ cách đây hơn 700 năm và cho đến mãi về sau sẽ chẳng có gì thay đổi-đó vẫn là con đường Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chỉ dạy.
Chùa Hồ Thiên
Chùa Hồ Thiên nằm ở phía Nam của núi Phật Sơn (thuộc dãy núi Yên Tử) xa xưa thuộc Phú Ninh, tổng Thuỷ Sơn, nay thuộc xã Bình Khê, TX Đông Triều. Chùa được xây dựng vào thời Trần, theo tài liệu cũ thì đây chính là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Vào thế kỷ thứ 14, khi Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình lớn nhỏ khác nhau, quy mô đồ sộ như chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp... để làm nơi truyền kinh giảng đạo. Đến thời Lê chùa đổ nát và đã được triều đình đứng ra trùng tu.
Nền chùa Hồ Thiên phát lộ đó là kết quả giai đoạn đầu trùng tu chùa
Chùa Quỳnh Lâm
Nằm ở trung tâm xã Tràng An, TX Đông Triều. Chùa toạ lạc trên ngọn đồi thoai thoải, theo tài liệu thư tịch cổ gọi là núi Tiên Du. Núi Tiên Du nằm trong hệ thống triền đồi chạy từ núi Yên Tử, Ngoạ Vân xuống đồng bằng...
Vườn Tháp chùa Quỳnh Lâm
Chùa được xây dựng ở thế đất “đầu gối sơn, chân đạp thuỷ”, dân gian vẫn gọi là thế “rồng chầu, hổ phục”. Bốn góc chùa có bốn gồ đất cao được gọi là “bốn mắt rồng”. Trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng cho tới ngày nay chùa vẫn được nhiều người ngưỡng mộ.
Chùa được xây dựng từ đời Lý nhưng đến đời Trần mới được mở rộng và đầu tư lớn thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các vị tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều đã về tu ở chùa. Ngày nay chùa đã được xây dựng lại, là nơi thu hút các tăng ni, phật tử và khách thập phương về lễ Phật và vãn cảnh chùa.
Chùa Tuyết
Chùa Tuyết có tên chữ là “Trung Tiết tự”, là ngôi chùa thứ ba nằm trong khu di tích kiến trúc Phật giáo đời Trần.
Chùa nằm rất gần với khu đền An Sinh, được xây dựng vào thời Trần, ngoài việc thờ Phật, chùa còn thờ cả hai vị thánh ở đời Trần là Đặng Tảo và Lê Chung- hai vị cận thần tin cẩn của vua Trần Anh Tông. Theo sử cũ, khi vua Trần Anh Tông mất, nhà Trần đã đưa linh cữu về táng ở Thái Lăng thuộc An Sinh thì hai vị cận thần này cũng chuyển cả gia đình về đây để trông coi phần mộ của vua, dựng chùa để thờ phật và ở đây cho đến cuối đời.
Xưa kia chùa có quy mô khá lớn, được xây dựng ở khu đất bằng phẳng, thoáng đãng, xung quanh có cây cối cổ thụ bao bọc nhưng trong kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá huỷ nghiêm trọng. Vào thập kỷ 90, chùa được xây dựng lại trên nền cũ nhưng quy mô nhỏ hơn và kiến trúc điêu khắc không còn cổ kính như cũ nữa.
Toàn bộ hệ thống các di tích cùng tạo lên không gian văn hóa tiêu biểu đặc sắc của quần thể Khu di tích nhà Trần tại quê gốc Đông Triều kéo dài sang Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử. Đó sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội của Đông Triều theo mô hình “kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.
Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể bảo tồn. Trong tương lai gần sẽ trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.