|
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn |
Mỗi lần từ Hà Nội ngược lên Bắc Kạn, đi giữa con đường bên núi cao, bên vực sâu; chỗ này là rừng nguyên sinh đã thưa thớt, chỗ kia những nhà máy đóng cửa im ỉm, rồi chỗ kia nghe lình sình chuyện khai thác khoáng sản trái phép… như bất cứ ai, chúng tôi thoáng chút lo âu.
Rồi, những lo âu đó cũng đã được Bí thư Nguyễn Xuân Cường giải tỏa bằng những giây phút “trải lòng” đầy cởi mở. Định hướng phát triển kinh tế chủ yếu của Bắc Kạn nay đã được xác định rõ ràng là nông nghiệp, một hướng đi có lẽ là “đơn giản”, nhưng phù hợp với vùng đất này. Mà nói như ông Cường là hoàn toàn có thể thoát nghèo và giàu lên được.
Khẳng định vị thế của rừng
Thưa ông, những thông tin gần đây cho thấy, Bắc Kạn đang quyết tâm trồng rừng, bởi rừng chính là thế mạnh, có thể đem lại nguồn lợi lớn. Vì sao đến thời điểm này, Bắc Kạn mới đặt quyết tâm cao về vấn đề này như vậy?
- Bắc Kạn là tỉnh có đất đai rộng ở vùng Đông Bắc với diện tích khoảng 5.000 km2; trong đó 85% là rừng và đất rừng. Chúng tôi xem đây là tiềm năng, lợi thế lớn cần khai thác. Mặt khác, nhu cầu về gỗ trong nước cũng như thế giới ngày một tăng, mỗi năm tăng khoảng 10-15%, đặc biệt đối với gỗ công nghiệp (MDF) của Việt Nam là 1 triệu m3/năm, nhưng chúng ta chỉ chủ động được 10%. Đây là lợi thế cho những tỉnh có diện tích rừng lớn như Bắc Kạn.
Mục tiêu của Bắc Kạn là từ nay đến 2015 là phấn đấu trồng 60.000ha rừng, tức bình quân 1 năm trồng mới 12.000ha, gấp 3 lần bình quân những năm trước. Để giải quyết đầu ra, hiện chúng tôi đã xây dựng 1 nhà máy gỗ chế biến ván dăm MDF với công suất 100.000m3/năm và đang triển khai 3, 4 nhà máy chế biến gỗ với quy mô từ 5.000-10.000m3/năm.
Mục tiêu của chúng tôi cố gắng, đến năm 2015 đưa hệ số che phủ rừng của tỉnh lên 62 - 65%, góp phần với toàn quốc nâng tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42% vào năm 2015 và 45% vào năm 2020. Thu nhập bình quân trên đầu người ở Bắc Kạn vào năm 2015 có thể gấp đôi năm 2010, đạt khoảng 22-23 triệu đồng/năm.
Bài toán giống lúa thuần
Dù có diện tích lớn, nhưng diện tích sản xuất lương thực ở Bắc Kạn lại rất nhỏ. Làm sao để chúng ta giải được bài toán, vừa giúp dân yên tâm trồng rừng, vừa đảm bảo nguồn lương thực, thưa ông?
- Chúng tôi xác định lương thực là vấn đề quan trọng đối với Bắc Kạn. Hiện nước ta xuất khẩu gạo nhưng cân đối giữa các vùng là không đồng đều. Do đó, Bắc Kạn xác định bằng mọi giá phải cân đối được lương thực.
Hiện tỉnh có hai cây lương thực chủ yếu là lúa và ngô. Lúa hai vụ, chúng tôi có 20.000ha và sẽ đạt sản lượng khoảng 100.000-110.000 tấn thóc vào năm 2015. Như vậy, bình quân khoảng 300-320kg thóc/đầu người là đủ ăn. Với ngô, chúng tôi cố gắng sản xuất 20.000ha với sản lượng đạt khoảng 90.000-100.000 tấn ngô, chủ yếu dùng để chăn nuôi.
|
Nhiều nông dân Bắc Kạn có thu nhập cao nhờ cây dong riềng. |
Sản xuất nông nghiệp ở Bắc Kạn ngoài khó khăn do diện tích nhỏ, còn nhiều khó khăn khác như thủy lợi, vậy để đạt được mục tiêu trên, Bắc Kạn sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Đúng là Bắc Kạn rộng, nhưng diện tích trồng lúa lại ít, địa hình chia cắt, dốc tụ nên rất khó khăn về thuỷ lợi, diện tích ruộng hẹp khó khăn cho canh tác. Để khắc phục, trong 10 năm qua, Bắc Kạn xây dựng được hệ thống thuỷ lợi nhỏ với trên 400 công trình, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu canh tác.
Để thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, hiện tỉnh Bắc Kạn có một số chính sách hỗ trợ nông dân như: Hỗ trợ 100% về giống đối với các hộ dân trồng giống lúa siêu nguyên chủng. Với cây dong riềng, tỉnh hỗ trợ toàn bộ lãi suất mua phân bón trong 10 tháng. Tại các huyện nghèo áp dụng hình thức đầu tư 100% giống cây dong riềng hoặc vận động doanh nghiệp ứng giống cho bà con và thu lại sau thu hoạch.
Giải pháp thứ hai là từng bước nguyên chủng hoá giống lúa bằng giống lúa thuần. Giống lúa thuần có ưu điểm là, phù hợp với trình độ canh tác của bà con và cũng có thể chủ động được về giống. Hơn nữa, với giống lúa thuần có thể chọn được những giống có năng suất khá (khoảng 5-5,5 tấn/ha), nhưng chất lượng tốt. Đặc biệt, chúng tôi đang tập trung phục tráng giống lúa đặc sản là Bao Thai Chợ Đồn.
Được biết, kể từ khi lên nhận chức Bí thư ở Bắc Kạn, ông rất chú ý đến việc phát triển cây dong riềng. Vì sao Bắc Kạn lựa chọn loại cây này, thưa ông?
-Dong riềng đúng là cây được xác định là đột phá của tỉnh. Sở dĩ chúng tôi lựa chọn dong riềng, vì loại cây này cho năng suất rất cao, trung bình có thể đạt 80- 100 tấn/ha; trong điều kiện thâm canh có thể đạt được 150 – 200 tấn/ha. Thứ hai, cây dong riềng rất phù hợp với sinh thái, thổ nhưỡng của Bắc Kạn.
Giá bình quân hiện nay là khoảng 1,5 - 1,7 nghìn đồng/kg thì 1ha dong riềng giá trị khoảng 150 triệu đồng. Nếu chế biến được thành bột, chuỗi giá trị có thể tăng thêm 30%; nếu chế biến ra được miến, chuỗi giá trị có thể tăng thêm được 30% nữa. Chúng tôi muốn gắn việc trồng cây dong riềng với tiêu thụ. Năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 354ha; 2011 nâng lên 578ha và năm nay nâng lên 1.400ha. Để chế biến, toàn tỉnh hình thành 27 điểm chế biến miến để tiêu thụ hết sản lượng trồng được.
Về tiêu thụ, chúng tôi bán miến cho nhiều nơi, trong đó có cả TP.Hồ Chí Minh với giá khoảng 50-60 nghìn đồng/kg. Với xu thế ăn kiêng như hiện nay, cây dong riềng dù không nhiều chất dinh dưỡng nhưng là cây có thể làm giàu cho bà con.
Chưa vội khai thác khoáng sản
Nhắc đến Bắc Kạn, hầu hết mọi người đều nghĩ đến khoáng sản. Tại các huyện như Na Rì, Ngân Sơn…, nhiều nông dân chỉ muốn đi đãi vàng mà không muốn làm nông nghiệp. Vậy Bắc Kạn giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Năm 2015:Thu nhập đầu người sẽ đạt 22 triệu đồng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa X về nhiệm vụ, mục tiêu giai đoạn 2010 – 2015 xác định: Đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm. Tỷ trọng GDP của nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37%, công nghiệp-xây dựng cơ bản chiếm 29%, dịch vụ chiếm 34% cơ cấu kinh tế. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 165.000 tấn; diện tích trồng rừng đạt 12.000 ha/năm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 62%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 835 tỷ đồng; tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2010 - 2015 đạt 22.000 tỷ đồng.
- Trên bản đồ địa chất, Bắc Kạn có 166 điểm mỏ. Nhưng trữ lượng thực tế lại chưa thăm dò, xác định được. Những năm qua, đóng góp của phần khai khoáng các quặng sắt, chì kẽm và vàng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh là rất nhỏ. Tuy có bộ phận người dân khai thác vàng nhưng không đến mức ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, chúng tôi đang hạn chế tối đa việc khai thác vàng. Sau khi có điều tra, đánh giá đầy đủ về trữ lượng khoáng sản, chúng tôi sẽ tập trung khai thác.
Là một Bí thư Tỉnh uỷ trong thời kỳ công nghiệp hoá, ông có e ngại điều gì khi chèo lái con thuyền Bắc Kạn theo con đường nông nghiệp?
- Chúng tôi đang tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp như phát triển các nhà máy chế biến gỗ, chế biến miến dong... Đó là ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp với mục đích tăng chuỗi giá trị cho nông nghiệp. Còn về định hướng, cũng có người có ý kiến như vậy nhưng chúng tôi thấy rằng, dù định hướng có mới nhưng đúng thì vẫn cứ quyết tâm làm.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực- Lê Hân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.