Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Bước đi chiến lược và hiệu quả ở Bắc Kạn

Chiến Hoàng Thứ bảy, ngày 30/12/2023 20:00 PM (GMT+7)
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn triển khai đào tạo nghề được cho hơn 9000 lao động khu vực nông thôn; khảo sát bổ sung thêm 16 nghề mới theo nhu cầu, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Bình luận 0

`

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bắc Kạn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động. Clip: Chiến Hoàng

Khó khăn công tác đào tạo nghề

Để hoàn thành mục tiêu năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% - 2,5% (giảm hơn 2000 hộ nghèo), UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo triển khai 7 dự án, với tổng kế hoạch vốn trên 236 tỷ đồng, trong đó có Dự án 4 - phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Quá trình thực hiện, tỉnh Bắc Kạn cũng đã gặp không ít khó khăn.

Bắc Kạn: Trao cơ hội việc làm cho 75% dân số thông qua công tác đào tạo nghề - Ảnh 2.

Ông Trịnh Tiến Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn trao đổi về công tác nghề của tỉnh. Ảnh: Chiến Hoàng

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Trịnh Tiến Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, năm 2023 là năm thứ hai tỉnh Bắc Kạn triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các Chương trình mục tiêu Quốc gia, cụ thể là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới. Theo ông Long, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia này đều có hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

"Quá trình triển khai, tỉnh Bắc Kạn cũng gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể là công tác tuyển sinh. Công tác tuyển sinh gặp khó do ít người đăng ký theo học, dẫn đến việc nhiều địa phương giải ngân nguồn vốn không đạt.

Bắc Kạn: Trao cơ hội việc làm cho 75% dân số thông qua công tác đào tạo nghề - Ảnh 3.

Khai giảng lớp đào tạo nuôi và trị bệnh cho thủy cầm, trồng và chăm sóc cây rau cho lao động nông thôn tại xã Tân Tú, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Tiếp đó là khó khăn trong công tác tổ chức đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu tập trung tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ở huyện. Các trung tâm này giáo viên tham gia giảng dạy nghề còn ít, một số đơn vị giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh ngoài tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp tại Bắc Kạn chủ yếu là đào tạo lưu động và cũng gặp khó khăn tương tự", ông Long cho biết thêm.

Cũng theo ông Long, Ngoài ra còn một số khó khăn khác như các văn bản hướng dẫn của các cấp ngành, đặc biệt là các thông tư quy định về công tác giáo dục thường xuyên nhiều nội dung còn chưa rõ ràng, chưa kịp thời nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề cho lao động tại Bắc Kạn trong thời gian qua.

Tuy còn gặp khó trong công tác đào tạo nghề nghiệp nhưng tỉnh Bắc Kạn đã từng bước khắc phục thông qua nỗ lực tuyên truyền, vận động, khảo sát nhu cầu của người dân để mở những ngành nghề phù hợp để thu hút học viên.

"Riêng trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn tổ chức được trên 9000 chỉ tiêu lao động nông thôn với 15 nghề được triển khai đào tạo. Qua khảo sát nhu cầu từ cơ sở, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho tỉnh xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật thêm 16 nghề mới. Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục trình UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho 16 nghề mới này.

Các ngành nghề đã tổ chức đào tạo trong năm qua, tôi cho rằng đa sát với thực tế nhu cầu của bà con. Chúng tôi tin với những ngành nghề cũ và 16 ngành nghề mới sẽ đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề nghiệp cho lao động khu vực nông thôn, việc đào tạo theo nhu cầu này sẽ làm tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 tại Bắc Kạn", Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn thông tin.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội việc làm

Tại huyện Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn, năm 2023 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã thực hiện được 41 lớp đào tạo nghề, với 1.435 học viên tham gia. Trong đó, 10 lớp thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về "Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn" thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; 31 lớp thuộc Tiểu dự án 3 - Dự án 5 về "Phát triển GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bắc Kạn: Trao cơ hội việc làm cho 75% dân số thông qua công tác đào tạo nghề - Ảnh 4.

Các học viên chăm chú lắng nghe giảng viên truyền thụ kiến thức tại lớp đào tạo nuôi và trị bệnh cho thủy cầm, trồng và chăm sóc cây rau cho lao động nông thôn tại xã Tân Tú, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Các lớp học nghề đều dựa trên nhu cầu đăng ký của người dân và phù hợp với điều kiện sản xuất của mỗi địa phương, như: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm; chế biến món ăn...

Ông Hứa Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Đồn nhận định, để công tác giáo dục, đào tạo nghề đạt hiệu quả cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và định hướng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với nhu cầu thực tế.

"Chương trình giảng dạy, giáo trình đào tạo của chúng tôi thường xuyên được đổi mới, phù hợp với thực tế sản xuất của người học và thị trường lao động. Nhờ đó mà sau các khóa học, học viên có thể áp dụng vào sản xuất ngay tại gia đình hoặc xin việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất", ông Chấn cho hay.

Là một trong những huyện làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Bạch Thông hằng năm đều phân bổ nguồn vốn cho công tác đào tạo nghề. Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề với hơn 1.000 người tham dự; phát 8.700 phiếu khảo sát nhu cầu học nghề, kết quả có trên 1.200 người đăng ký học nghề dưới 3 tháng. Cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức được 34 lớp.

Việc đào tạo nghề nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua luôn chú trọng các hoạt động tư vấn nghề nghiệp. Quá trình triển khai đào tạo, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tăng cường tổ chức thực hành cho học viên, nhờ đó mà hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt.

Bắc Kạn: Trao cơ hội việc làm cho 75% dân số thông qua công tác đào tạo nghề - Ảnh 5.

Một buổi thực hành về trồng và chăm sóc cây rau tại xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Được biết, toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 19 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 1 trường cao đẳng, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 3 doanh nghiệp và 3 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Là học viên của lớp học về sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi tại huyện Chợ Đồn, chị Nguyễn Thị Trang, xã Quảng Bạch (huyện Chợ Đồn) chia sẻ, kiến thức học được ở lớp rất bổ ích. Qua lớp học, chúng tôi được trang bị kiến thức, kỹ thuật về sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, phòng trừ một số loại bệnh thường gặp và áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất của gia đình.

Còn chị Lý Thị Hải, tổ 12, phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn cho hay, qua lớp trồng, chăm sóc rau, chúng tôi được phổ biến, trang bị thêm các kỹ năng về cách chăm sóc, phân loại rau để trồng đúng kỹ thuật, quy trình chăm sóc, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

"Nhà tôi làm vườn, trước đó rau ngót nhà tôi chết không rõ nguyên nhân, giảng viên lớp học đã đến tận vườn lật đất, xác định do vi khuẩn làm rễ không phát triển được và hướng dẫn cách trị bệnh. Giờ vườn rau nhà tôi đã ổn định, tươi tốt. Tôi thấy những buổi thực hành tại vườn như thế thực sự rất hiệu quả. Lớp học đã đáp ứng được nhu cầu của những học viên như chúng tôi", chị Hải nói.

Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện chiếm 75% dân số. Ðể người dân có sinh kế bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Thực tế cho thấy, công tác giáo dục nghề nghiệp đã làm thay đổi nhận thức, cải thiện kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm nhiều người lao động. Người lao động qua đào tạo đã vận dụng, phát huy hiệu quả kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem