Bạc Liêu có "mỏ vàng lộ thiên" là nuôi chim yến mà dân đang tính khai thác làm giàu?
Bạc Liêu có "mỏ vàng lộ thiên" gì mà đang tính khai thác làm giàu?
Thứ tư, ngày 19/04/2023 10:52 AM (GMT+7)
Có thể nói, nuôi chim yến được xem là nghề khai thác “mỏ vàng lộ thiên” ở nhiều nơi có biển trên toàn quốc. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngành nuôi yến ở Bạc Liêu phát triển mạnh, với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.
Thực tiễn cho thấy, nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh lâu nay phát triển chủ yếu là do người dân tự phát xây dựng theo cách cơi nới trên tầng lầu nhà ở, hoặc tự chuyển công năng từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến.
Trong đó, nhà nuôi chim yến tập trung chủ yếu tại các khu đô thị, khu dân cư (chiếm trên 90%), kể cả nơi ở, nơi nuôi yến cùng tồn tại trong một căn nhà. Việc dẫn dụ chim yến bằng cách sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến đến trú ngụ và làm tổ trong nhà yến.
Tính đến nay, Bạc Liêu có 1.530 nhà yến và sản lượng tổ yến cung cấp ra thị trường 1.200kg/tháng, với giá từ 16 - 20 triệu đồng/kg, mang lại tổng giá trị trên 21 tỷ đồng/năm.
Qua đó cho thấy, hiệu quả mang lại từ nuôi chim yến là rất cao và kéo theo các cơ sở đăng ký sơ chế, chế biến sản phẩm từ tổ yến được cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng lên. Đồng thời, các cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến cũng phát triển mạnh như: Yến sào Bạc Liêu, Yến sào Mai… với chất lượng rất cao và đã được chứng nhận sản phẩm OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và cấp khu vực.
Thời gian gần đây, yến sào được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nuôi chim yến tỉnh Bạc Liêu.
Với diện tích đất nông nghiệp chiếm 223.180ha (gần 83,7% diện tích tự nhiên) và 15.704ha đất chưa sử dụng sẽ là vùng thức ăn rất tốt cho việc gây nuôi chim yến.
Mặt khác, do đặc điểm vùng thức ăn chim yến của tỉnh chủ yếu là đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng cây lâu năm, đất rừng; ngoài ra còn có bờ biển dài 56km trải dài từ Nhà Mát (TP Bạc Liêu) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) cũng là điều kiện thiên nhiên rất ưu đãi để phát triển nghề nuôi chim yến.
Chim yến được gây nuôi tại TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: T.A
Cần xây dựng chuỗi sản phẩm từ tổ yến
Để nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển và giúp người dân làm giàu, Bạc Liêu cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng, có các tiêu chuẩn nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học.
Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về nhà yến và tổ yến. Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính đúng theo quy định pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó không làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh.
Bên cạnh đó, có các giải pháp về khoa học - công nghệ liên quan tới phòng trừ dịch bệnh; công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến; bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế, nhất là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của các cá nhân, đơn vị về thành quả nghiên cứu khoa học phát triển ngành, nghề nuôi chim yến.
Song song đó, sản phẩm từ yến phải được tổ chức chứng nhận đầy đủ quy trình để đánh giá chất lượng các sản phẩm từ yến và tiêu chuẩn hóa yến sào của địa phương. Phải đầu tư xây dựng chuỗi sản phẩm có giá trị, có nhãn hiệu tập thể để phát huy toàn bộ giá trị sản phẩm từ yến. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn của các sản phẩm từ yến.
Song song đó, địa phương nên nghiên cứu xây dựng câu chuyện về yến sào Bạc Liêu để tạo ấn tượng với người sử dụng, cũng như quảng bá các sản phẩm từ yến của tỉnh đến các địa phương khác.
Cụ thể hóa các quy định pháp luật về nghề nuôi chim yến, đem đến nhiều chiến lược mới và đột phá nhằm thúc đẩy thương mại, kinh doanh nhà yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến. Tìm ra các giải pháp liên kết giao thương giữa các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cùng ngành nghề trong cả nước để cùng nhau khai thác hiệu quả “mỏ vàng lộ thiên” này…
Hy vọng các cơ sở nuôi chim yến, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Bạc Liêu sẽ tìm kiếm hướng đi mới hiệu quả hơn. Đồng thời, có những chiến lược mới và đột phá nhằm thúc đẩy thương mại, kinh doanh nhà yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến, góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.
Quy hoạch vùng nuôi chim yến
Để phát triển nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh mang tính bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như hạn chế tiếng ồn do thiết bị âm thanh dẫn dụ chim yến gây ra, tránh ảnh hưởng tới các hộ dân sinh sống xung quanh, ngày 15/7/2022, HĐND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết 01 về việc quy định vùng nuôi chim yến với những nội dung rất cụ thể như sau:
Vùng, khu vực nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là vùng, khu vực nằm ngoài vùng, khu vực không được nuôi chim yến quy định tại Điều 3 Nghị quyết này. Vùng, khu vực được nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến và phải thực hiện đúng quy định tại khoản 2, Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
Đối với các tổ chức, cá nhân có nhà yến đã hoạt động trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, nhưng không đáp ứng quy định về vùng nuôi chim yến tại Điều 2 Nghị quyết này thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới; nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh; đồng thời, phải thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 13 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
Qua đó cho thấy, Nghị quyết của HĐND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành quy định rất cụ thể về vùng nuôi chim yến trên từng địa bàn của địa phương. Theo đó, các nhà yến sẽ được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn quy định, mở ra nhiều khu vực nuôi yến mới (đặc biệt là các khu vực gần ven biển); xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh để đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.