Bác sĩ ám ảnh vì những ca tai nạn giao thông do rượu

Diệu Linh Thứ năm, ngày 09/01/2020 06:00 AM (GMT+7)
TS Đỗ Mạnh Hùng - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ, những thanh niên trẻ bị chấn thương nặng, cả gia đình tan nát, tiếng khóc của mẹ, của vợ những người bị tai nạn giao thông do rượu khiến anh luôn ám ảnh.
Bình luận 0

Số ca tai nạn giao thông do rượu giảm "tí xíu"

Tại Phòng Hồi sức cấp cứu 1 (Bệnh viện Việt Đức) ngày 8/1, phóng viên ghi nhận số ca nhập viện do tai nạn giao thông khá ít. Trong phòng chỉ có bệnh nhân L.V.H (39 tuổi, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã nhập viện ngày 7/1 vì tai nạn giao thông sau khi uống rượu.

Theo TS - bác sĩ Lê Nguyên Vũ - Trưởng kíp trực cấp cứu 1 (Bệnh viện Việt Đức), bệnh nhân H bị đa chấn thương, chấn thương sọ não, gãy phức tạp vùng hàm mặt, gãy tay, tụ máu não...

img

Bệnh nhân H phải điều trị 3-6 tháng mới tạm ổn. Ảnh D.L

“Về bệnh nhân này, người nhà cho biết, anh này thường xuyên uống rượu. Ngày 7/1, anh này uống rượu với nhóm bạn, khi ra về đã “đối đầu” trực tiếp với một ô tô và bị tai nạn nặng. Tiên lượng bệnh nhân này chấn thương rất phức tạp nên có thể sẽ phải điều trị 3-6 tháng mới tạm ổn, khó mà có thể sớm lao động trở lại. Đây là một ca chấn thương khá điển hình của những người uống rượu say tham gia giao thông, không làm chủ được tốc độ”, TS Vũ nhận định.

Còn theo TS Đỗ Mạnh Hùng, theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, từ ngày 1-6/1/2019, bệnh viện ghi nhận 324 ca tai nạn giao thông, trong đó có 49 ca xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu. Còn tính từ ngày 1-6/1/2020 (sau khi Nghị định 100 về xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn có hiệu lực), số ca tai nạn giao thông nhập viện là 305 ca, trong đó có 46 ca xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu, giảm rất ít so với cùng kỳ năm 2019.

“Như vậy, tính theo số liệu, số ca tai nạn giao thông sau khi uống rượu giảm rất ít, nhưng cũng phải khẳng định rằng con số này chưa thể khẳng định được sự thay đổi gì sau khi Nghị định 100 có hiệu lực. Nguyên nhân là do Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện tuyến cuối, không chỉ “đón” các ca tai nạn giao thông ở vùng lân cận, mà còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng ở các tỉnh gửi về.

Ngoài ra, do di chuyển xa và cũng đã được cấp cứu ở tuyến dưới, sau 1-2 ngày mới chuyển lên Bệnh viện Việt Đức nên cồn đã “xả” hết, khó đánh giá là có phải tai nạn do rượu hay không. Muốn đánh giá sự tác động của Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100, cần phải có thời gian dài hơn, nhiều số liệu, ở nhiều địa phương và sự phân tích sâu hơn”, TS Hùng chia sẻ.

img

Rượu khiến nhiều bệnh nhân hối hận khôn nguôi. Ảnh D.L

TS Hùng còn cung cấp một số liệu đáng báo động về tình hình tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia. Đó là năm 2018, bệnh viện ghi nhận 513 trường hợp bệnh nhân bị tai nạn có nồng độ cồn trong máu. Nhưng chỉ trong 11 tháng năm 2019 (từ tháng 1 đến tháng 11), Bệnh viện Việt Đức ghi nhận 1.055 ca tai nạn cấp cứu có nồng độ cồn trong máu, gấp đôi so với năm 2018.

Có thể nhận thấy, nếu không có chế tài xử phạt mạnh mẽ để “ghìm cương” các bợm nhậu, tình hình uống rượu say rồi tham gia giao thông gây tai nạn cho mình và người khác sẽ ngày càng gia tăng.

Ám ảnh nỗi đau 

Theo TS Hùng, các ca tai nạn giao thông luôn rải rác hàng ngày và đặc biệt gia tăng vào những ngày lễ, tết như Tết Dương, Tết Nguyên đán, đợt Nghỉ 30/4 - 1/5, mùng 2/9... Nếu tháng không có ngày “cao điểm” thì chỉ khoảng 80 ca tai nạn giao thông xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu, nhưng tháng có lễ tết thì lên đến 120-130 ca tai nạn giao thông mà bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu. Ngoài ra, còn rất nhiều ca không được xét nghiệm nồng độ cồn hoặc bia rượu đã bay hết.

img

TS Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ: "Tôi thực sự ám ảnh về những ca tai nạn giao thông do rượu".

TS Hùng chia sẻ, những bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong tình trạng say xỉn không hiếm gặp trong bệnh viện. Có người máu me đầy người, mê man bất tỉnh mà miệng thở toàn mùi rượu nên bác sĩ cũng khó mà xác định họ hôn mê là do chấn thương sọ não hay do rượu. Có bệnh nhân gãy nát chân tay, một bên hô đau, một bên nôn thốc nôn tháo vì rượu. Hay có người trong tình trạng phấn khích, la hét, chửi mắng các bác sĩ đang chăm lo cho họ.

“Những trường hợp này đều gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình cấp cứu, chẩn đoán thương tích. Nhiều khi chúng tôi phải dựa vào kinh nghiệm điều trị để chẩn đoán, đồng thời buộc phải cho họ làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác hơn.

img

Những ca tai nạn giao thông mang lại gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân và gia đình.

“Cho dù đã nhiều năm làm cấp cứu, mổ xẻ, nhưng chứng kiến những tai nạn giao thông do rượu, chúng tôi vẫn cảm thấy ám ảnh, bức bối. Nhiều trường hợp là những thanh niên trẻ mới 18-20 tuổi nhập viện là chúng tôi không kịp cấp cứu gì, đưa thẳng họ vào phòng mổ, nhưng cũng không cứu được vì chấn thương quá nặng. Bác sĩ bất lực, không thể giành giật cuộc đời tươi trẻ của họ từ tay thần chết. Lại có trường hợp chồng say chở vợ con bị tai nạn giao thông, vợ con chết, chồng bị thương tật nặng.

Có khi tôi chỉ đi ngang qua phòng cấp cứu, nghe tiếng gào khóc thương tâm, uất nghẹn của mẹ, của vợ người bị tai nạn giao thông cũng thấy ám ảnh. Những khi đó, tôi chỉ ước những người uống rượu bia có thể ghìm lại cơn hưng phấn, uống ít đi hoặc đã uống thì đừng tham gia giao thông..., như vậy đã có thể tránh được bao nhiêu nỗi đau”, TS Hùng day dứt.

“Lạm dụng rượu bia có ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, thận, hệ tiêu hóa, tim phổi..., là tác nhân gây nên nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có nhiều loại ung thư. Rượu cũng khiến người lái xe gặp nguy hiểm do ảnh hưởng đến nhận thức, tầm nhìn, giảm phán đoán, phản xạ, trực tiếp ảnh hưởng đến tiểu não, dẫn đến việc phối hợp chân, tay, mắt đều rất chậm chạp. Khi đó, người uống rượu tham gia giao thông có nguy cơ gây tai nạn rất cao. Còn nếu uống rượu bia thì sau 8-12 giờ, mới nên lái xe”

 TS Đỗ Mạnh Hùng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem