Thầy thuốc 83 tuổi và giấc mơ ca cao Việt

Quốc Hải Thứ ba, ngày 15/09/2015 13:30 PM (GMT+7)
Ở tuổi 83, bác sĩ - thầy thuốc ưu tú Đặng Tường Khâm vẫn đang điều hành công ty chuyên về sản xuất các sản phẩm từ cây ca cao như socola, rượu, sữa, bánh kẹo... với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Bình luận 0

Đáng chú ý, ông Khâm dù là tay ngang đến với ngành sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây ca cao nhưng lại là người Việt Nam đầu tiên sản xuất ra các sản phẩm rượu từ loại cây này và doanh nghiệp do ông điều hành cũng được Hiệp hội Ca cao quốc tế (ICCO) đánh giá là “mô hình kiểu mẫu” của ca cao Việt Nam.

Ý tưởng “làng công nghiệp” và 1.000ha ca cao

Xuất thân là bác sĩ - thầy thuốc ưu tú của Quân khu 7, sau khi về hưu, ông Đặng Tường Khâm chọn về “ở ẩn” ở vùng đất Tân Phú - huyện vùng xa của tỉnh Đồng Nai, giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng vì nơi đây khí hậu khá mát mẻ, ôn hòa. Thế nhưng, vốn là một người lính - đảng viên năng động nên ông không muốn tuổi già của mình trôi qua một cách lặng lẽ, vậy là ông quyết định sẽ bắt tay vào làm kinh tế dù nghề thầy thuốc  cũng giúp ông đủ dư dả để nuôi sống gia đình. “Tôi về hưu bằng hai bàn tay trắng, nghĩ mình là người lính mà không “chiến đấu” được trên mặt trận kinh tế được thì… vô dụng quá” - ông Khâm nhớ lại.

img

Ông Khâm bên cây ca cao cho quả nhiều màu được ông trồng từ những năm 1990. Ảnh: Quốc Hải

Và lĩnh vực ông chọn để “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế là cây ca cao. Ông kể: Khi còn là bác sĩ công tác tại Quân khu 7, lúc này ở vùng Đăk Lua (thuộc huyện Tân Phú, Đồng Nai) có liên kết với Liên Xô để trồng ca cao nên ông có nghiên cứu về loại cây này. Khi đó, ông  có ý tưởng tại sao cây ca cao chỉ lấy hạt mà không tận dụng các thành phần khác như nước, thịt quả… Nhưng lúc đó ý tưởng vẫn là ý tưởng. Sau khi về vùng đất này định cư, ông thấy cây ca cao và ý tưởng ban đầu xuất hiện trở lại. Ông quyết định sẽ bắt đầu từ đây.

Đã có hướng đi của mình, bác sĩ Đặng Trường Khâm bắt đầu bắt tay vào công việc dù ban đầu ông cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí phản đối từ phía gia đình. “Năm đó (2006) tôi vay mượn, cầm cố tài sản tích cóp sau nhiều năm làm nghề thầy thuốc… được khoảng 30 tỷ đồng. Tôi đầu tư cho nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng vay 50% giá trị cây giống. Ai cũng nghi ngờ vào khả năng thu hồi vốn...” - ông Khâm nhớ lại.

Tuy nhiên, vẫn quyết tâm làm, dự án “làng công nghiệp” cây ca cao của ông hình thành với khoảng 1.000ha ca cao phân bố ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng. “Khi đó tôi có ý tưởng “làng công nghiệp” là nghĩ đến việc thành lập làng trồng cây công nghiệp tập trung có chỉ đạo về nghiệp vụ, kỹ thuật. Thế nhưng khi trình bày ý tưởng này để xin chính sách thì nhiều ban ngành cũng không tin tưởng, vậy là tôi tự bỏ tiền túi làm. Bây giờ ý tưởng ban đầu đó cũng dần trở thành hiện thực khi nhiều vùng xuất hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đó thôi” - ông Khâm hào hứng.

Sau khi có được vùng nguyên liệu, ông bắt đầu tổ chức thu mua sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên, khó khăn đến dồn dập khi giá ca cao không ngừng giảm cùng với việc quản lý không xuể nên diện tích vùng nguyên liệu ngày càng thu hẹp. Đến năm 2010, giá sụt giảm đến đỉnh điểm nên diện tích “làng công nghiệp” ca cao mà ông đầu tư 50% giá trị cây giống chỉ còn lại 326ha.

Sống còn là lúc này, ông quyết tâm giữ lại diện tích này bằng nhiều quyết sách “táo bạo” như: Ký hợp đồng đảm bảo thu mua thấp nhất cho người nông dân với giá 4.000 đồng/kg quả (nếu giá thị trường tăng thì vẫn tăng cho người nông dân); bắt đầu nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ cây ca cao như rượu, kẹo, sữa… để tận dụng 100% các thành phần của trái ca cao như nước, thịt trái, vỏ…

Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Khâm phải tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vay  10 tỷ đồng để phục vụ công tác bao tiêu sản phẩm cho nông dân và phục vụ vào mục tiêu nghiên cứu, dây chuyền sản xuất các sản phẩm phụ từ “phế phẩm” của trái ca cao như vỏ, nước…

Những sản phẩm ca cao Made in Việt Nam

 "Tôi hy vọng ca cao Việt Nam sẽ dần nổi tiếng trên toàn thế giới với những sản phẩm được chế biến chất lượng cao, chứ không phải là quốc gia xuất thô hạt ca cao. Thế nhưng, trước hết để làm được điều đó thì người nông dân cũng phải sống được với loại cây này”.
Ông Đặng Tường Khâm

Vốn là một bác sĩ nên công tác nghiên cứu, chiết xuất các sản phẩm từ trái ca cao không làm khó được ông bác sĩ già. Thế nên, chỉ vài tháng nghiên cứu, những sản phẩm được sản xuất từ “phế phẩm” của trái ca cao đã ra đời như rượu vang, rượu nặng, xi-rô…

Vỏ của trái ca cao cũng được nghiên cứu làm phân bón. Ông bảo: Nếu chỉ lấy hạt và xuất thô thì ca cao mang lại giá trị rất thấp, nhưng nếu làm thành sản phẩm thì mang lại giá trị lại tăng hơn 60-100% so với xuất thô.

Để dẫn chứng mức lãi này, ông nói: Một tấn trái ca cao thì cho gần 1 tấn nước, đối với nhiều người thì đây là phế phẩm, nhưng mỗi 1kg nước tôi sản xuất được khoảng 20 chai rượu vang (750ml). Mỗi chai vang này đang được các thị trường du lịch (Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Phú Quốc…) tiêu thụ với giá 150.000 đồng/chai.

Tuy nhiên, theo ông Khâm, nếu sản xuất thành dược phẩm từ cây ca cao thì sẽ mang lại giá trị tăng khoảng 500-600%; còn  sản xuất được mỹ phẩm thì sẽ lợi hàng nghìn %. Ông cũng đang nghiên cứu sản xuất thử các sản phẩm này... Nhìn vào mắt người bác sĩ già, chúng tôi thấy được quyết tâm và mong ước của ông. Thế nhưng, như lời ông nói, chỉ sợ ông không còn nhiều thời gian để thực hiện ước mơ đó.

Hiện tại, công ty do bác sĩ Đặng Tường Khâm sáng lập  (Công ty Trọng Đức) đã là doanh nghiệp khá nổi tiếng trong và ngoài nước ở lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ trái ca cao với hàng loạt các sản phẩm như bột ca cao, sữa ca cao, rượu vang, rượu mạnh, bánh kẹo… Công việc của công ty cũng đã được ông giao lại cho người con trai là anh Đặng Tường Khanh, nhưng mọi công tác điều hành chỉ đạo liên quan đến quyết sách của công ty vẫn được ông tham mưu đều đặn.

Ông bảo: “Dù con tôi đã đủ khả năng điều hành tốt nhưng nó vẫn tôn trọng tôi nên vẫn thường hỏi ý kiến. Tôi cũng chẳng góp ý được gì nhiều nhưng vẫn thường nhắc nhở con, làm nông nghiệp nếu không mạnh dạn, chủ động thì sẽ khó thành công, đặc biệt phải chú trọng đến khâu chế biến” - ông Khâm tâm sự.

Được biết, hiện tại công ty của ông đã được UBND tỉnh Đồng Nai duyệt đề án xây dựng nhà máy chế biến ca cao với công suất khoảng 40 tấn hạt/tháng, đồng thời cũng được Agribank cam kết sẽ cho vay vốn để phát triển, đảm bảo vùng nguyên liệu. Dự kiến từ nay đến năm 2018, vùng nguyên liệu của công ty sẽ mở rộng lên khoảng 5.000ha với sản lượng hạt ca cao lên men khoảng 6.000 tấn và khoảng 2 triệu chai rượu ca cao mỗi năm.

“Tôi hy vọng ca cao Việt Nam sẽ dần nổi tiếng trên toàn thế giới với những sản phẩm được chế biến chất lượng cao, chứ không phải là quốc gia xuất thô hạt ca cao. Thế nhưng, trước hết để làm được điều đó thì người nông dân cũng phải sống được với loại cây này. Vì vậy, chúng tôi đảm bảo sẽ giữ giá cho người nông dân, đồng thời khoản tiền đầu tư 50% giá trị cây giống trước đây là người nông dân nợ công ty cũng được chúng tôi quyết định xóa hết” - ông Khâm chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem