Đặc sản bạch tuộc sông ở Cần Giờ, tham gia chương trình OCOP TP.HCM

Quang Sung Thứ năm, ngày 03/11/2022 14:36 PM (GMT+7)
Bạch tuộc sông từ lâu đã được người dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) đánh bắt và chế biến thành nhiều món ăn ngon. Gần đây, HTX Cần Giờ Tương Lai quyết định đưa sản phẩm này tham gia chương trình OCOP thành phố.
Bình luận 0

Cần Giờ có vị trí địa lý thuận lợi, phía Bắc giáp huyện Nhà Bè, phía Nam giáp biển Đông, phía Đông giáp huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp huyện Cần Đước tỉnh Long An. Huyện Cần Giờ là cửa ngõ phía Nam của thành phố được bao bọc bởi mạng lưới sông chằng chịt với hệ thống sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp. Nơi đây có loài bạch tuộc sông sinh sống, được người dân sử dụng làm thực phẩm từ bao đời nay. Bạch tuộc sông được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện Cần Giờ, mà ít nơi nào có được.

Từ nuôi sống người dân, đến trở thành sản phẩm tham gia OCOP

Đối với người tiêu dùng, bạch tuộc là món ăn không còn xa lạ. Tuy nhiên lâu nay mọi người thường biết đến bạch tuộc sống ở biển, riêng bạch tuộc sống ở sông thì còn khá xa lạ với nhiều người.

Ở vùng biển Cần Giờ, hiện có hàng trăm ngư dân sống bằng nghề săn bạch tuộc, sống rải rác trong những dòng sông như Đồng Tranh, Lòng Tàu, Dinh Bà... hay thậm chí ở cả những con kênh, rạch.

Đặc sản bạch tuộc sông ở Cần Giờ, tham gia chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 1.

Thiên nhiên Cần Giờ chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao. Ngoài thích hợp cho du lịch, nó còn là nơi lý tưởng để các loài sinh vật trú ngụ. Trong đó có nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam, đặc biệt là bạch tuộc. Ảnh: V.T

Bạch tuộc dần trở thành đối tượng đánh bắt chủ lực của địa phương. Người dân Cần Giờ thu hoạch và sản xuất bạch tuộc sông, góp phần vào việc giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. Qua đó giúp tăng thêm thu nhập cho người dân, đồng thời phát triển nền kinh tế huyện nhà theo hướng nông nghiệp đô thị.

Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết, tại huyện Cần Giờ có hệ thống rừng ngập mặn, đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao. Trong đó có nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam, đặc biệt là bạch tuộc.

Với diện tích hơn 37 ngàn hecta cùng những cánh rừng bán ngập mặn rộng mênh mông, hàng trăm kênh, rạch chằng chịt nên Cần Giờ là vùng đất lý tưởng để loài bạch tuộc sinh sống. Bao năm qua, bạch tuộc sông là nguồn tài nguyên nuôi sống hàng trăm gia đình ngư dân nghèo trong vùng.

Tuy nhiên do địa hình quá rộng, nên muốn săn bắt được bạch tuộc sông cũng rất vất vả và tốn nhiều công sức, chỉ những ngư dân lành nghề mới làm được.

Đưa sản vật bao đời nay, trở thành thương hiệu OCOP

Nhận thấy tiềm năng và giá trị của bạch tuộc sông, HTX Cần Giờ Tương Lai đã quyết định đưa sản phẩm này vào doanh mục sản phẩm kinh doanh của HTX. Đồng thời xây dựng thương hiệu, nhãn mác, logo riêng cho sản phẩm này. Qua đó hình thành và phát triển, thương hiệu bạch tuộc sông đặc trưng của vùng đất Cần Giờ.

Tại HTX Cần Giờ Tương Lai, sản phẩm bạch tuộc sông được chế biến, đóng gói để cung cấp ra thị trường dưới dạng tươi. Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết, hiện nay HTX đã và đang kinh doanh mặt hàng bạch tuộc sông tươi đóng gói. Nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm này, HTX Cần Giờ Tương Lai đã làm hồ sơ gửi thành phố, chờ công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Đặc sản bạch tuộc sông ở Cần Giờ, tham gia chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 3.

Sản phẩm bạch tuộc sông của HTX Cần Giờ Tương Lai tham gia chương trình OCOP cấp thành phố. Ảnh: QS

Tại HTX Cần Giờ Tương Lai, bạch tuộc tươi được đánh bắt từ tự nhiên, sau đó sơ chế, đóng gói và giữ đông. Tất cả các bước, từ khâu thu mua tới thành phẩm, đều đảm bảo tuân thủ theo quy trình công nghệ đạt chuẩn HACCP. 

“Theo tìm hiểu, giá bán bạch tuộc còn sống ngay tại ghe của ngư dân vào khoảng  220.000 đồng/kg. Hôm nào khan hàng, giá tăng tới 250.000 – 300.000 đồng/kg. Tuy giá cao nhưng khách hàng vẫn chuộng. Vì chất lượng bạch tuộc ngư dân đánh bắt được bằng cách đặt lờ, vẫn cao hơn so với đánh bắt bằng các phương tiện khác như vậy, giã cào, lưới rùng”, ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai cho hay.

Bạch tuộc sông có trọng lượng không lớn, trung bình từ 9 đến 15 con/kg. Tại HTX Cần Giờ Tương Lai, bạch tuộc sông được thành từng gói có trọng lượng 500g/gói, sử dụng túi nhựa hút chân không hoặc khay xốp, bảo quản ở nhiệt độ từ 18 độ C. Hiện nay, giá bán của bạch tuộc sông tại HTX Cần Giờ Tương Lai giao động quanh khoảng 300.000 đồng/kg và có thể thay đổi theo thời giá.

Đặc sản bạch tuộc sông ở Cần Giờ, tham gia chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 4.

Ngoài bạch tuộc sông, HTX Cần Giờ Tương Lai còn kinh doanh các đặc sản khác như: cá dứa, khô cá chim một nắng, khô cá đù, tôm thẻ một nắng, tôm khô,... Ảnh: QS

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm bạch tuộc sông tươi tham gia chương trình OCOP, HTX Cần Giờ Tương Lai đã đầu tư nhiều trang thiết bị, hỗ trợ cho việc sản xuất như: kho trữ hàng, máy hút chân không, máy sấy khô, kho đông lạnh,...

Thời gian tới HTX Cần Giờ Tương Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó chú trọng nâng cấp nhà xưởng, máy móc và thiết bị sản xuất. HTX tiến hành thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo theo quy định.

“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện và phấn đấu nâng cấp các sản phẩm đã đạt chứng nhận 4 sao lên 5 sao. Đồng thời tiếp tục xây dựng chứng nhận OCOP cho các sản phẩm mới”, ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem