Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Trên chuyến xe "vét" ngày cạn chạp

Nguyễn Xuân Phương Thứ năm, ngày 11/02/2021 11:37 AM (GMT+7)
Chiều 29 Tết, xe khách từ TP.HCM về các tỉnh bắc Trung bộ lăn bánh. Có lẽ đây là một trong những chuyến xe "vét" cuối năm. Người nào người nấy cũng mong kịp về nhà cho kịp đón Tết sau một năm xa quê phiêu bạt mưu sinh xứ người...
Bình luận 0
Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Trên chuyến xe "vét" ngày cạn chạp - Ảnh 1.

Những người con xa xứ chấp nhận ngồi ghế súp, ngồi ở lối đi để được kịp về nhà đón Tết cùng gia đình.

 Xe khách 45 chỗ kín người, người buôn gánh bán bưng ở thành phố, người làm công nhân ở Đồng Nai, người phụ hồ ở Bình Phước... Mỗi người quê ở mỗi nơi khác nhau, người ở Thanh Hóa, người ở Quảng Bình. Có người ở các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi... Nhưng tất cả, đều là những người con miền Trung thật thà, chân chất. Và họ cùng có niềm mong mỏi, niềm khao khát, là sớm trở về nhà đón Tết, đoàn viên.

Có cánh tay vẫy vẫy dưới đường. Bên cạnh là mớ giỏ xách, đồ đạc lỉnh kỉnh... Tài xế hỏi ý kiến mọi người, có đồng ý cho nhận khách thêm không? Chẳng ai bảo ai, tất cả cùng đồng ý. Cho họ lên xe đi bác tài ơi. Họ cũng như tụi tui, cũng muốn về quê ăn Tết, được về quây quần cùng người thân trong những bữa cơm yêu thương. Nay đâu còn nhiều xe. Không có xe về, trễ Tết, tội họ lắm. 

Có giọng khác chen ngang. Ừ, đúng đó. Thêm người, chật một xí, cũng không sao.

Và rồi, suốt dọc đường từ bến xe miền Đông tới huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), thêm gần chục người may mắn được lên chuyến xe "vét" này để về quê ăn Tết. 

Người phụ nữ trung niên, quê ở Hà Tĩnh, vừa leo lên xe, vồn vã. Tui vui quá, tui tưởng Tết này ở lại thành phố rồi. Định không về vì dịch, nghe phong thanh ở trong này về quê phải cách ly tập trung nên hủy mua vé, hoãn dự định về quê. Rốt cuộc nghe lại, chỉ có người từ vùng dịch trở về mới phải cách ly, nên tôi tìm mua lại vé xe về nhưng không có. Giờ đón được xe này, tôi mừng quá. Vậy là mai 30 tháng Chạp, tôi đã kịp tới nhà ăn Tết rồi. 

Có chú kia đáp lại. Tui cũng vậy chị ơi, đáng lẽ tui về ngày 22 âm lịch. Mua vé luôn rồi mà tui cũng bỏ vé, dự định ở lại Sài Gòn vì sợ cách ly 21 ngày sẽ ảnh hưởng đến công việc sau Tết. Nhưng mấy nay thấy nơi tui sống và làm việc không phải là điểm dịch hay ổ dịch, không phải là nơi bị phong tỏa nên tui quyết định phải về. Vì Tết là lời réo gọi những người đi xa về bên gia đình, nên phải về quê ăn Tết. 

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Trên chuyến xe "vét" ngày cạn chạp - Ảnh 2.

Chuyến xe về quê ăn Tết có cả "Bằng Kiều".

"Chu choa, sướng thiệt, mình đi xe về mà được đi chung với Hoài Linh, Trường Giang, Bằng Kiều, Lệ Quyên luôn". Người đàn ông trạc U50 giọng rặt Quảng Ngãi vừa nói vừa cười. Cả xe nhao nhao tán thành, đúng thiệt. Tiếng cười rộn rã khắp xe. 

Thật ra, đó là cách ví von khi trên xe mở những chương trình hài, ca nhạc. Tôi chợt nhận ra, những người đồng hương miền Trung, dù đang ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng thích tếu táo, cà rỡn, cũng muốn nhìn nhận mọi thứ bằng lăng kính lạc quan.

Thế nên, dù cho trên xe, có người phải ngồi ghế súp, phải nằm vất vưởng ở lối đi, phải ngủ giấc ngủ vật vờ trên sàn xe... thì họ cũng tươi cười, cũng tự an ủi, mệt một chút cũng không sao. Tất cả chỉ vì một lẽ, họ nghĩ đến không lâu nữa, sẽ được về nhà, được ăn Tết với những người thương yêu.

"Năm nay công ty cháu nợ lương cô ơi. Đã chẳng có thưởng mà còn lại nợ lương hai tháng cuối năm. Nên năm nay về, trơ trọi. Nhưng cũng về quê ăn Tết, vì có niềm hạnh phúc nào bằng được ăn Tết ở nhà mình đúng không cô. Qua Tết rồi tính tiếp, chắc xin tiền mẹ mua vé xe vô. Với lại, anh chị cháu làm công nhân ngoài Hải Dương, năm nay không về quê ăn Tết được vì kẹt dịch Covid - 19. Nếu thêm cháu không về, thì Tết này cha mẹ sẽ rất buồn, nhà sẽ rất trống vắng, quạnh hiu".

"Cô cũng vậy thôi, năm ngoái cô làm công ty may. Đầu năm nay, khi dịch bắt đầu bùng phát và hoành hành, công ty không có hàng, nên giảm biên chế. Cô thất nghiệp cả hai tháng. Hồi giữa năm, cô xin vô làm công nhân công ty thủy hải sản. Lương ba cọc ba đồng, chắt bóp lắm mà chẳng đủ tiền nhà trọ với tiền ăn. Nên Tết này chẳng sắm sửa mua được gì về quê cả. Hôm qua mượn được gần một triệu, mua được hai bộ đồ mới cho hai đứa con, với mua cho chồng được đôi dép, còn lại đủ trả tiền xe về. Cả năm tha hương cầu thực, nên được về ăn Tết với chồng với con là cô vui lắm rồi. Hôm qua gọi, báo nay lên xe về, ba cha con ở quê nghe xong phấn khởi lắm".

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Trên chuyến xe "vét" ngày cạn chạp - Ảnh 3.

Như A Khao, người dân tộc Xê Đăng, ngồi gần tôi, quê ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Cái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu nên A Khao chẳng nề hà bất kỳ công việc nào, từ phụ rửa xe, khuân trái cây ở chợ, làm công nhân nước đá. Nhưng thời Covid-19, những công việc liên tục bị đình trệ, không ổn định. Có lúc thậm chí rơi vào bế tắc, bĩ cực. Mấy tháng cuối năm, A Khao làm công nhân cho xí nghiệp may giày ở Bình Dương. Dù tằn tiện, nhưng với mức lương thời dịch giã, cũng chẳng đủ để xoay sở cuộc sống, cứ luôn hụt trước, thiếu sau. Đầu tháng Chạp, A Khao định không về quê, vì ly hương vào Nam mưu sinh kiếm sống, chẳng thể tết về với bàn tay trắng. Nhưng nghĩ lại, 28 Tết, A Khao mượn đỡ tiền của đồng nghiệp để về quê. Vì A Khao nhớ mẹ, nhớ cha. Vì A Khao muốn được đón giao thừa, ăn Tết cùng cha, cùng mẹ. Quà Tết A Khao mang về nhà sau một năm mưu sinh vất vả, chỉ là bịch hạt dưa và cuốn lịch 2021 vừa mua vội ở gần bến xe. 

Tôi nghe, mà khóe mắt cứ cay xè, ướt đẫm. Tôi bất giác nhận ra, hình như, trong tâm can mỗi người trên chuyến xe này, cả tôi, đều có một điểm chung, đó là đều muốn được trở về quê ăn Tết. 

Xe đến Đức Phổ (Quảng Ngãi), người đàn ông xuống xe. Vừa tay xách nách mang, quảy mớ đồ đạc, ông nói: "Tui sắp xuống xe rồi, chào hết mọi người trên nghen, chúc mọi người ăn Tết vui vẻ. Nãy tui đưa số điện thoại rồi đó, nhớ lưu để sau này liên lạc nghen". Những lời chúc Tết, tạm biệt ông liên tục được vang lên. Những lời hẹn hứa qua Tết gặp lại đâu đó ở Sài Gòn lại rộn ràng trên xe khách.

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Trên chuyến xe "vét" ngày cạn chạp - Ảnh 4.

Tác giả (chấm đỏ) trên chuyến xe ngày cạn Chạp và A Khao đang nhìn xa xăm.

Người phụ nữ móc trong lớp túi áo được ghim kỹ lưỡng, lấy 200 ngàn cho A Khao. Bảo "Cô không có nhiều, coi như là lì xì Tết, chúc năm sau cháu sẽ có công việc ổn định, lương cao hơn. Sông có khúc, người có lúc, đừng có rầu buồn nữa. Như dịch Covid-19, dù đang hoành hành, nhưng không lâu nữa đâu, cô có niềm tin là sẽ ngăn chặn được dịch. Rồi nhịp sống ngày cũ sẽ trở lại bình thường. Nên cháu cứ cố gắng, dẫu có gió giông nhưng phải suy nghĩ tích cực để vượt qua những trĩu nặng của cuộc đời. Rồi mọi thứ sẽ ổn định, cuộc sống cháu sẽ đỡ vất vả, sẽ đủ đầy hơn".

Khoảnh khắc đó, A Khao cầm tờ tiền trong tay mà chực trào nước mắt. Còn tôi, tôi nhận ra, tình người thơm thảo luôn hiện diện ở bất kỳ đâu trong cuộc sống này. 

Chú kia ở Thanh Hóa, thoáng nghe tới Covid - 19, liền bật dậy nhắc nhở. "Nói gì thì nói, mọi người đừng có chủ quan. Phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, người thân và cộng đồng. Chúng ta ở xa về quê ăn Tết, nên tự giác và nghiêm túc khai báo y tế trung thực và thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế". 

Có ai đó hỏi vặn, chớ ông biết 5K là gì không? Chú cười, tui thuộc nằm lòng. Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế. Chú vừa trả lời vừa cười ha hả... 

Tôi chào tạm biệt mọi người khi vòng xe đã lăn bánh tới quê. Tôi nhận lại nhiều lời chúc Tết ý nghĩa từ những người chỉ vừa mới quen trên chuyến xe "vét" ngày cạn Chạp. 

Tôi mong sao, những cô chú, anh chị ở những nơi xa nhất mà xe đến, như Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình... cũng kịp trở về nhà trước giây phút giao thừa. Để ước mơ được đón Tết cùng gia đình được trọn vẹn. 

Còn tôi, tôi sắp đặt chân về với nơi mình thương, với những người tôi yêu thương nhất. Tôi cất tạm những âu lo của một năm bộn bề vì Covid - 19. Ngày mai, đã là Tết thật rồi! 

Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi "Ăn Tết thời Covid" gồm:

1 Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

2 Giải Nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

3 Giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

5 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

Thể thức cuộc thi viết:

- Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email thoisu@danviet.vn (hoặc số điện thoại: 0903.222411 để hỏi thêm chi tiết) trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10/2 (tức 29 Tết) tới hết ngày 20/2 (tức mồng 9 Tết Nguyên đán Tân Sửu). Các bài viết thuộc thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

- Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng (trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất).

- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Và sau đây, xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài dự thi đầu tiên của cuộc thi viết "Ăn Tết thời Covid".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem