Bám sát nông thôn, chàng trai 8X Phạm Văn Tam - ông chủ hãng điện tử Việt thành triệu phú USD

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 26/10/2018 08:02 AM (GMT+7)
Luôn trung thành khai thác thị trường điện tử vùng nông thôn, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của hàng triệu nông dân, chàng trai 8X Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện tử Asanzo, mỗi năm thu hoạch hàng nghìn tỷ đồng.
Bình luận 0

img

Ông chủ 8X Phạm Văn Tam (áo trắng bìa phải) đang giới thiệu quy trình sản xuất tivi "made in VietNam" với Đoàn Công tác T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)

Dù chỉ mới là năm thứ 5 hoạt động của hãng điện tử “made in VietNam” mang thương hiệu Asanzo nhưng ông chủ 8X Phạm Văn Tam (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện tử Asanzo), lại rất đỗi tự hào: “Thị phần hàng điện tử của Asanzo tại Việt Nam hiện nay chỉ đứng thứ 3, sau hai ‘ông lớn’ điện tử quốc tế là Samsung và Sony. Chúng tôi tin rằng, với đà phát triển như hiện tại, cùng với sự tin yêu của bà con nông dân ở khắp các miền quê Việt Nam thì thị phần sắp tới của Asanzo sẽ tăng thêm rất nhiều...”.

"Nông thôn đang nuôi tôi"

Đang tất bật với kế hoạch đẩy mạnh thị trường tiêu thị sản phẩm điện tử về vùng nông thôn dịp tết Nguyên đán 2019, nhưng khi nghe tin có Đoàn công tác T.Ư Hội Nông dân Việt Nam ghé thăm nhà máy sản xuất tivi “made in VietNam” của mình, “ông chủ” 8X của Hãng điện tử Asanzo Phạm Văn Tam quyết định gác hết công việc, hủy các cuộc hẹn với các đối tác, chỉ vì một lý do đơn giản: “Nông thôn Việt Nam đang nuôi tôi, nuôi thương hiệu tivi thuần Việt, nên tôi rất chờ đợi các cuộc gặp gỡ thế này để mong làm được điều gì đó tri ân người nông dân khắp cả nước”.

img

Ông chủ 8X Phạm Văn Tam chia sẻ những khó khăn từ ngày khởi nghiệp đến nay của Asanzo với ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam 

Cách nói chuyện cởi mở, nhẹ nhàng nhưng đầy quyết tâm, CEO Asanzo Phạm Văn Tam đã có những chia sẻ với ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam về những ước mơ, những quyết tâm và cả... tham vọng sẽ mang thương hiệu Asanzo sánh vai với các “ông lớn” điện tử hàng đầu thế giới như Samsung, Sony...

Sinh năm 1980 tại Quảng Ninh, sau khi học hết phổ thông, chàng trai 8X Phạm Văn Tam quyết định không học đại học mà khăn gói vào TP.HCM lập nghiệp. Vốn có duyên với chiếc tivi từ năm 11 tuổi, cùng với đam mê máy móc đã thôi thúc Phạm Văn Tam quyết tâm tạo ra chiếc tivi mang thương hiệu Việt, tự xây đế chế cho riêng mình.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm hàng chục năm lăn lộn bán linh kiện ở chợ Nhật Tảo (khu chợ bán đồ điện tử ở TP.HCM), cùng với những lần vấp ngã đau đớn trên thương trường đã giúp anh Tam nhận ra “muốn thành công thì phải hiểu được thị trường muốn gì?”.

Nghĩ là làm, chàng trai trẻ Phạm Văn Tam quyết định khăn gói đi khắp các miền quê cả nước, từ Quảng Ninh miền địa đầu của Tổ quốc đến mũi Cà Mau, tất cả chỉ để tìm hiểu nhu cầu và khả năng của người tiêu dùng. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu của người nông dân, anh Tam quyết định địa phương hóa sản phẩm điện tử của mình theo yêu cầu của từng vùng miền.

“Lấy ví dụ, ở các vùng sông nước như Cà Mau, Kiên Giang... nhiều người dân đều sử dụng ghe thuyền để đi lại và cư trú như một ngôi nhà trên sông nước, do điện vẫn chưa phủ sóng hết và nhiều thiết bị chạy bằng ắc quy, không gian rộng lớn nên loa phải to nghe mới... “đã”. Asanzo đã tận dụng  những đặc điểm này để giới thiệu dòng tivi chạy bình ắc quy đáp ứng tất cả các yêu cầu của bà con nên rất được người dân địa phương yêu thích”, anh Tam kể.

Đi các vùng miền khác, ông chủ 8X của Asanzo nhận ra người Việt rất thích hát karaoke. Vì vậy, sản phẩm tivi của hãng được tích hợp luôn phần mềm Karaoke Offline với 12.000 bài hát, giúp người tiêu dùng thoả mãn đam mê ca hát... mọi lúc mọi nơi.

img

Ông Thào Xuân Sùng hỏi thăm một công nhân sản xuất tivi. Theo CEO Asanzo Phạm Văn Tam: 99,9% công nhân của Asanzo là con em nhà nông khắp cả nước...

Nhờ hiểu hết nhu cầu của người tiêu dùng khắp các vùng nông thôn Việt Nam, sản phẩm điện tử mang thương hiệu Asanzo (tivi đồ gia dụng, điện thoại...) vươn rộng ra khắp các vùng quê.

Theo anh Tam, hiện khoảng 70% doanh số tivi của tập đoàn đến từ khu vực nông thôn, cùng với các mặt hàng điện tử khác đã giúp Asanzo vươn lên giữ vị trí thứ 3 trên thị trường đồ điện tử tại Việt Nam, mang về doanh thu trên 4.600 tỷ đồng (năm 2017) và dự kiến năm 2018 này sẽ đạt con số khoảng 5.000 tỷ đồng.

"Vì sao cháu lại chọn thị trường nông thôn để cạnh tranh với các hãng điện tử lớn?" - ông Thào Xuân Sùng nhẹ nhàng hỏi. CEO Asanzo Phạm Văn Tam chia sẻ: “Đối với những tập đoàn lớn, thị trường nông thôn chỉ là miếng bánh nhỏ nhưng đối với một doanh nghiệp nhỏ thì là lớn. Hơn nữa, nếu khai thác đúng thị trường này sẽ ngày càng nở to ra hơn. Thực tế đã chứng minh, Asanzo với chiến lược và sản phẩm đánh ứng tiêu chuẩn tốt, đẹp, rẻ nên đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng khắp các vùng quê của cả nước”.

Chiến lược “ăn, ngủ” với thị trường nông thôn

Doanh số ước tính năm 2018 đạt tới gần 5.000 tỷ đồng, điểm bán hàng và bảo hành sản phẩm tăng lên tới con số 15.000, 6 nhà máy với 2.000 công nhân viên - một thành quả quá sức bất ngờ với một doanh nghiệp chỉ mới được... 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế dưới sự điều hành của một ông chủ 8X luôn luôn có tư duy muốn đột phá, có thể thấy được thành quả này không phải là đến từ sự may mắn.

Chẳng hạn, với lần ra mắt TV OLED đầu tiên, Asanzo đã giới thiệu FPT Play, ứng dụng tích hợp cho phép người xem truy cập hơn 150 kênh truyền hình trong nước và quốc tế, để theo dõi Ngoại hạng Anh mùa giải 2017-2018 và đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người nông dân khắp các vùng quê. Hoặc, với các sản phẩm ĐTĐĐ, Asanzo cũng thiết kế các mẫu sản phẩm mới với đầy đủ tính năng của một smartphone hiện đại nhưng giá thành chỉ 1,5-2 triệu đồng...

“Sắp tới, Asanzo sẽ ra mắt tủ lạnh tiết kiệm điện cho nông thôn. Đây là cách phục vụ và cũng là chiến lược lâu nay của công ty là mang lại tiện ích lớn nhất cho người nông dân, giúp nông dân tiếp cận công nghệ mới nhất nhưng đồng thời cũng tránh nỗi lo về tốn kém chi phí của người dân”, anh Tam chia sẻ.

img

"Định hướng của Asanzo phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tôi rất vui mừng vì cuối cùng chúng ta cũng có một thương hiệu điện tử "made in VietNam " để tự hào", ông Thào Xuân Sùng bày tỏ.

Cũng theo anh Tam, việc phát triển hệ thống bán hàng và bảo hành tới 15.000 điểm là một chủ trương mà Asanzo chú trọng để giảm chi phí đi lại của người nông dân, giúp họ dễ tiếp cận với sản phẩm, đồng thời tạo cho người dân nông thôn tin tưởng về một chế độ bảo hành tận tình...

"Khó khăn lớn nhất của Asanzo hiện nay là gì?" - ông Thào Xuân Sùng hỏi. CEO Asanzo cho biết, hiện nay linh kiện sản xuất màn hình của Asanzo được mua lại từ Samsung nhưng do luật quy định nên chúng tôi không nhập được sản phẩm từ nhà máy Samsung tại Bắc Ninh mà phải nhập từ Hồng Kông, vì vậy chi phí bị đẩy lên cao. 

"Nếu được nhập trực tiếp thì giá thành sản phẩm đến tay người nông dân sẽ rẻ hơn nữa. Ngoài ra, Asanzo cũng đang xin chính sách mở một khu công nghiệp tập trung chuyên sản xuất hàng điện tử nhưng chưa được vì tuổi đời còn... non trẻ”, Tam thật thà nói.

Ghi nhận những ý kiến và chia sẻ của CEO Asanzo, ông Thào Xuân Sùng đánh giá cao những đóng góp tích cực của doanh nghiệp trong việc sản xuất ra các sản phẩm điện tử, đồ gia dụng chất lượng cao, mức giá phù hợp với túi tiền của người nông dân còn khó khăn về điều kiện kinh tế.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng cũng cho biết, sẽ tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng kết nối để Asanzo của chàng trai 8X Phạm Văn Tam có thể mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng điện tử “made in VietNam” vươn lên tầm thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem