Bán cà phê sang châu Âu, vì sao cặp vợ Việt chồng Tây này phải tỉ mỉ chọn từng quả chín?

Văn Long Chủ nhật, ngày 30/01/2022 06:15 AM (GMT+7)
Bằng tình yêu và sự đam mê, anh Marian Takac (35 tuổi, quốc tịch Slovakia) và chị Krajăn Lim (25 tuổi, dân tộc Lạch, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã làm cà phê sạch rồi xuất bán sang đất nước Đức ở trời Âu.
Bình luận 0

Cặp vợ Việt chồng Tây tỉ mỉ chọn từng quả chín, bán cà phê sang châu Âu

Đến gặp vợ chồng Krajăn Lim khi hai người vẫn đang cặm cụi kiểm tra những mẻ cà phê đang phơi trong ngôi nhà kính có nhiệt độ đến 40 độ C. Phóng viên Dân Việt cảm nhận được sự vất vả của cặp vợ chồng trẻ này khi quyết định làm cà phê sạch bằng cách thủ công.

Làm cà phê sạch bằng cách nhặt từng hạt nhân, hai vợ chồng trẻ bán sang tận Châu Âu - Ảnh 1.

Lim và Marian kiểm tra độ ẩm của mẻ cà phê đang phơi trong nhà kính của gia đình. Ảnh: Văn Long.

"Đây là những hạt cà phê được công nhân lựa nhặt 100% quả chín để rồi tách vỏ riêng, nhân riêng. Sau đó, đưa lên giàn phơi trong nhà kính đến khi đạt độ ẩm nhất định rồi mới gom lại rồi tiếp tục sơ chế để đóng gói, xuất bán ra thị trường. Cách làm thủ công này khá vất vả, tốn thời gian nhưng vì đam mê và chồng em rất tâm huyết nên em mới làm cùng với anh ấy được đến bây giờ", chị Lim bốc nắm nhân cà phê trong tay chia sẻ.

Làm cà phê sạch bằng cách nhặt từng hạt nhân, hai vợ chồng trẻ bán sang tận Châu Âu - Ảnh 2.

Nhờ tình yêu và đam mê mà Lim và Marian đã quyết tâm giữ được cách làm cà phê sạch truyền thống của mình. Ảnh: Văn Long.

Lim là cô gái được sinh ra và lớn lên trong gia đình người Lạch thuần nông tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Lúc đi học, cô gái này chỉ tốt nghiệp cấp 3 sau đó nghỉ học. Thế nhưng, sở thích của chị là học, xem phim, nghe nhạc tiếng Anh.

Vì vậy, cô gái này đã lên các trang web để học và giao tiếp tiếng Anh với người bản địa. Tại đây, Lim đã gặp chàng trai Marian Takac đang đi du lịch tại TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). 

Qua quá trình trao đổi, nói chuyện, hai người đã có tình cảm với nhau. Đó cũng chính là lý do mà anh Marian Takac đã quyết định thực hiện các thủ tục để định cư tại Việt Nam.

Làm cà phê sạch bằng cách nhặt từng hạt nhân, hai vợ chồng trẻ bán sang tận Châu Âu - Ảnh 3.

Quy trình làm cà phê sạch của cặp vợ chồng người Lạch và Slovakia được thực hiện hoàn toàn thủ công. Ảnh: Văn Long.

"Ngày ở Slovakia thì anh ấy không uống cà phê. Cho đến khi gặp em và ở Nha Trang thì anh ấy mới uống thử cà phê rồi thấy thích. Thế nhưng mỗi quán thì tỷ lệ trộn và cách pha lại khác nhau. Cộng với đó, tại tỉnh Đăk Nông lại phát hiện ra cơ sở sản xuất cà phê trộn ruột pin con Ó.

Chính vì vậy, chồng em mới muốn tìm ra một nơi để uống và học làm cà phê sạch. Ban đầu, cả hai đều sống và làm việc tại Nha Trang. Tại đó, chúng em ngày thì đi làm, tối thì học cách pha, rang xay cà phê sạch. Năm 2018 thì chúng em tổ chức đám cưới và quyết định về Lạc Dương để làm cà phê sạch. Đây cũng là vùng đất mà cà phê Arabica phát triển tốt và cho chất lượng cao, vị cà phê ngon", cô gái người Lạch nhớ lại.

Làm cà phê sạch bằng cách nhặt từng hạt nhân, hai vợ chồng trẻ bán sang tận Châu Âu - Ảnh 4.

Marian trình diễn cách pha cà phê của mình. Ảnh: Văn Long.

Bán cà phê sạch sang trời Âu

Cũng trong năm Krajăn Lim và Marian Takac cưới nhau thì họ đã thuyết phục được gia đình thu hoạch bằng cách lựa chọn 100% quả cà phê chín. Cà phê tươi sau khi thu hoạch thì tiếp tục được tuyển chọn bằng cách rửa sạch, vớt bỏ những quả nổi trên nước và bắt đầu sơ chế.

Làm cà phê sạch bằng cách nhặt từng hạt nhân, hai vợ chồng trẻ bán sang tận Châu Âu - Ảnh 5.

Những quả cà phê chín 100% được lựa chọn và phơi trong nhà kính. Ảnh: Văn Long.

Anh Marian Takac cho biết, cà phê Arabica được sơ chế bằng ba phương pháp là: Sơ chế mật ong (honey), sơ chế ướt (wash) và phơi tự nhiên (natural). 

Toàn bộ cà phê sau khi sơ chế sẽ được phơi trong nhà kính có các cửa di động và giàn phơi để đảm bảo cà phê được sạch sẽ nhất. 

Thời gian để hoàn thành một quy trình từ khi dthu hoạch đến khi thành phẩm sẽ phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Trong khi đó, nhiệt độ tốt nhất để phơi cà phê trong nhà kính là từ 30-50 độ C.

Làm cà phê sạch bằng cách nhặt từng hạt nhân, hai vợ chồng trẻ bán sang tận Châu Âu - Ảnh 6.

Anh Marian thu gom những mẻ cà phê đã khô và đạt độ ẩm để cho vào bao ni lông bảo quản. Ảnh: Văn Long.

Hiện tại, ngoài 5.000m2 trồng cà phê Arabica thì vợ chồng Krajăn Lim còn liên kết với 20 hộ dân để sản xuất cà phê sạch. Với 20 hộ dân, diện tích khoảng 20ha được cơ sở của Krajăn Lim thu mua với giá cao hơn thị trường. 

Tuy nhiên, các hộ dân phải trồng theo phương pháp hữu cơ, hạn chế sử dụng chất hóa học khi chăm sóc ở mức cao nhất. Chính vì vậy, chất lượng cà phê dưới chân núi Langbiang của Krajăn Lim và Marian Takac đã được thị trường chấp nhận và tiêu thụ đều đặn.

Làm cà phê sạch bằng cách nhặt từng hạt nhân, hai vợ chồng trẻ bán sang tận Châu Âu - Ảnh 7.

Cà phê khô sẽ được đóng bao và đưa vào kho bảo quản đến khi xuất bán ra thị trường. Ảnh: Văn Long.

Trong năm 2020, Lim và Marian đã sản xuất được 8 tấn cà phê thành phẩm. Trong đó, 6 tấn được xuất bán đi Đức và Slovakia. Trong năm nay, sản lượng cà phê sẽ được duy trì nhưng Marian sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Làm cà phê sạch bằng cách nhặt từng hạt nhân, hai vợ chồng trẻ bán sang tận Châu Âu - Ảnh 8.

Trà cà phê được làm từ vỏ cà phê chín đỏ 100% nên có giá thành khá đắt, vị chua nhạt. Ảnh: Văn Long.

Ngoài cà phê nhân thì Marian còn sản xuất trà từ vỏ của quả cà phê. Vỏ của hạt cà phê Arabica được chọn lựa là 100% chín đỏ, không bị dập nát. Sau đó, vỏ cà phê được sấy liên tục 48 giờ để không bị nấm mốc rồi đem phơi nắng đến khi vỏ cà phê chuyển sang màu nâu để đóng gói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem