Bản hợp đồng lịch sử và những sai sót chết người

Chủ nhật, ngày 22/09/2013 06:20 AM (GMT+7)
Từ đỉnh cao của thành công, phút chốc ông Nguyễn Hữu Khai bị bắt. Đã tốn nhiều giấy mực để phân tích về thất bại của Bảo Long và cá nhân ông Khai. Ai đúng, ai sai trong vụ “ân oán” Bảo Long và Bảo Sơn?
Bình luận 0
Người yêu quý thì cho rằng ông Khai bị lừa, bị mắc bẫy. Người ghen ghét thì lại cho rằng ông Khai là người lừa đảo, “đội lốt lương y” thậm chí là vùi dập thẳng tay bằng chữ nghĩa hằn học khi con người ta rơi vào cảnh khốn cùng. Vậy ai đúng, ai sai trong vụ “ân oán” giữa Bảo Long và Bảo Sơn?

Cái bắt tay nhìn ra thế giới

Gánh trên vai món nợ khổng lồ dù được rất nhiều bằng hữu giúp đỡ cho ông Nguyễn Hữu Khai vay tiền, người 2 tỷ, người 4 tỷ… mục đích để giúp đỡ Bảo Long vượt qua khó khăn. Nhưng số tiền lãi quá cao nên số tiền vay được từ bạn bè chỉ như muối bỏ bể.
Ông Khai có thực sự là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?
Ông Khai có thực sự là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?
Đúng vào thời điểm ông Khai khó khăn nhất thì ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (Công ty Bảo Sơn) xuất hiện. Thực ra ông Khai và ông Sơn quen nhau trước đó 20 năm. Nhưng khi trả lời báo chí thì ông Sơn có cho biết là hai người không phải là thân thiết mà chỉ là ở mức… chào hỏi xã giao (!?).

Sau một thời gian gặp lại, ông Khai đã 2 lần xin vay tiền ông Sơn để trả những khoản nợ mấy chục tỷ với lãi suất cắt cổ, khoảng 20%/ tháng, và ông Sơn đã cho vay. Chính bản thân ông Khai cũng nhầm tưởng rằng việc ông Sơn cho vay tiền là ân nhân cứu mình. Ông Sơn cũng nói với báo giới rằng cho vay đúng bằng lãi suất ngân hàng. Nhưng bản chất của việc ông Sơn bỏ tiền cho vay là có ý đồ và những điều khoản trong hợp đồng vay vốn đã nói lên điều này.

Tại hợp đồng vay vốn trả nợ vay ngân hàng 80 tỷ đồng ngày 12.5.2011, lãi suất 1,75%/ tháng, nhưng phải thế chấp rất nhiều diện tích đất và tài sản ở Sìn Hồ (Lai Châu), Hóc Môn (TP.HCM) với tổng số 10.938,4m2 đất và hạn trả trong vòng 1 năm. Trong hợp đồng vay vốn 30 tỷ thì hạn cho vay chỉ trong vòng 2 tháng phải trả. Và cả hai hợp đồng này, nếu quá hạn thì đều chịu lãi suất “khủng” lên tới 150%.

Tiếp sau đó, khi ông Khai đã thú thật là còn nợ đến 286 tỷ, lãi hằng tháng 11 tỷ và nói muốn bán toàn bộ vốn cổ phần, tài sản doanh nghiệp, bản quyền thương hiệu cho ông Sơn. Và ông Sơn cũng không ngần ngại xuất tiền ra mua. Vậy ý đồ của ông Sơn trong thương vụ này là gì?
Ông Nguyễn Trường Sơn - ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn
Ông Nguyễn Trường Sơn - ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn
Mục đích của ông Sơn chính là nhằm vào Bệnh viện Đa khoa Bảo Long và Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long. Những ý đồ này đều được ông Sơn phát biểu rõ trong buổi kỷ niệm 55 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam do Tập đoàn Y dược Bảo Long tổ chức và trong buổi nói chuyện với ông Nguyễn Quốc Triệu khi đó là Bộ trưởng Y tế tới thăm tập đoàn này.

Tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.2010) ông Sơn nói: “Đầu tư vào Bảo Long bằng cách đặt Tập đoàn Bảo Long trong Tập đoàn Bảo Sơn và Bảo Sơn có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số nợ cho Bảo Long để Bảo Long yên tâm sản xuất”. Mục đích của ông Sơn chính là xây dựng một bệnh viện quốc tế và trường học quốc tế dựa trên những cái mà Bảo Long có sẵn. Ý đồ này thực ra đã được Bảo Sơn nhen nhóm từ rất lâu nhưng chưa thể thực hiện được.

Vì sao ông Sơn lại muốn xây dựng một bệnh viện quốc tế? Ông Sơn ước tính rằng: “1 năm theo các nhà chuyên môn thì Việt Nam mất khoảng 4 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh. Vậy không có lý do gì mà chúng ta lại không có một bệnh viện quốc tế tại đây”. Tuy nhiên, để thành lập 1 bệnh viện thì Bảo Sơn phải có số vốn ban đầu là 20 tỷ USD. Đây là số tiền không nhỏ chút nào và Bảo Sơn rất khó thực hiện. Trong khi đó, nếu nâng cấp từ Bệnh viện Bảo Long thì Bảo Sơn sẽ “nhẹ gánh” hơn rất nhiều.

Một hướng mục đích nữa của ông Sơn là: “Đầu tư xưởng chế biến dược của Bảo Long thành một xưởng đạt tiêu chuẩn GMP (Thực hành tốt sản xuất thuốc), bởi vì hiện nay không có GMP thì chúng ta không thể xuất khẩu được thuốc ra nước ngoài”.

Về Trường trung cấp Bảo Long, ông Sơn cũng nói rất rõ mục đích của mình là phát triển Trường trung cấp Y dược thành trường đào tạo chuyên ngành vừa phục vụ cho tập đoàn, vừa phục vụ cho xã hội. Và ông Sơn cũng chia sẻ trong buổi gặp ông Nguyễn Quốc Triệu: “Chúng tôi có sang Nhật đàm phán, ở Nhật điều dưỡng viên đang nhập từ Philippines. Chúng tôi mong muốn thuê chuyên gia nước ngoài có thể đào tạo một đội ngũ có thể xuất khẩu sang Nhật làm điều dưỡng viên”.

Ý tưởng về một trường quốc tế, ông Sơn cũng có tham vọng rất lớn là thu hút tất cả học sinh có ý định đi học tập ở nước ngoài sẽ được đáp ứng ngay trong nước. Để thực hiện ý tưởng này, Bảo Sơn đã làm việc với trường của Mỹ ở Thái Lan, thỏa thuận với họ chuyển toàn bộ đầu tư sang trường của Bảo Long để trở thành trường phổ thông đào tạo từ lớp 1 cho đến hết phổ thông trung học theo chuẩn quốc tế.
Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long
Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long
Đó là tất cả những ý đồ của Bảo Sơn khi tuyên bố đầu tư cho Bảo Long. Trước khi đưa ra ý đồ này, giữa ông Nguyễn Trường Sơn và ông Nguyễn Hữu Khai đã có những thỏa thuận, những cái bắt tay hợp tác rất chặt. Thời điểm đó, ông Khai thực sự coi ông Sơn là ân nhân của mình. Còn ông Nguyễn Trường Sơn thì đã nhìn thấy rõ sự xuống dốc không phanh của Bảo Long và những cái mà Tập đoàn Bảo Sơn nhắm tới không bao lâu sẽ nằm gọn trong tầm tay.

Có người cho rằng, Bảo Sơn đầu tư vào Bảo Long là một canh bạc nhưng thực chất tất cả đều nằm trong tính toán kỹ lưỡng của ông Nguyễn Trường Sơn với ý đồ và mục đích như đã nêu trên.

Sự thực điều đó không phải là tương lai xa, khi thỏa thuận bắt tay hợp tác chưa lâu ông Khai đã không ngần ngại chuyển nhượng tài sản, vốn cổ phần, bản quyền thương hiệu của 3 đơn vị là Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long và Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long cho Bảo Sơn.

Ngày 3.3.2011, tại trụ sở của Bảo Long (xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội), ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo Sơn và ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo Long và các cổ đông đã ký bản hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm số 01/CNVCP&TS/BL-BS.

Theo đó, ông Nguyễn Hữu Khai với 60,33% vốn góp, bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Khai) với 24,66% vốn góp, ông Nguyễn Hữu Sinh (em ông Khai) với 5% vốn góp cùng các cổ đông khác đã đi đến thống nhất: Bảo Long đồng ý chuyển nhượng cho Bảo Sơn và các cổ đông 100% vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm của các đơn vị trên.

Sai lầm nghiêm trọng và tranh chấp kiểu “ao làng”

Sau khi bản hợp đồng chuyển nhượng được ký kết cũng là lúc “ân nhân” trở thành “kẻ thù”. Rất nhiều những rắc rối nảy sinh sau bản chuyển nhượng hết sức nực cười này.
Bản Hợp đồng chuyển nhượng gây tranh cãi
Bản Hợp đồng chuyển nhượng gây tranh cãi
Theo Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS được ký giữa hai bên thì cả hai cùng thỏa thuận giá chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông có giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản trên đất, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả các công trình ngầm, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp… (trừ máy phát điện vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Khai), cây cối hoa màu, bản quyền thương hiệu sản phẩm. Tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng, bao gồm: Giá trị toàn bộ diện tích đất 53.382,7m2 là 164 tỷ đồng và giá trị công trình xây dựng trên đất là 63,5 tỷ đồng.

Rõ ràng nếu cộng hai khoản trên với nhau thì ra đúng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ. Và càng rõ ràng hơn ở chỗ trong giá trị chuyển nhượng chưa có giá trị của cổ phần và bản quyền thương hiệu sản phẩm. Mà giá trị thương hiệu sản phẩm phải có bản định giá từng sản phẩm, hẳn nhiên không phải mớ rau, con cá mà bán qua được. Đây là một lỗi chết người vì câu chữ trong bản hợp đồng ký tắt. Chắc hẳn ông Sơn, ông Khai đều hiểu được điều này?

Một sai lầm nghiêm trọng nữa là ký hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần, tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng lại chỉ có ông Sơn và ông Khai ký tắt với nhau. Ký chuyển nhượng kiểu đi đêm, không hề có mặt của người làm chứng và cả phóng viên báo chí. Hơn nữa, hợp đồng với nhiều điều khoản sơ sài, thiếu chặt chẽ. Điều này khiến nhiều người hết sức ngạc nhiên vì hai ông chủ của hai thương hiệu tập đoàn lớn lại làm một việc rất ư là… trẻ con.

Khi trả lời báo chí, ông chủ Bảo Sơn cho rằng, ông Khai sợ bán dự án sẽ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên việc đóng thuế còn do thỏa thuận giữa 2 bên và chính người mua cũng phải chịu khoản thuế không nhỏ chứ không phải riêng người bán.

Và sai lầm nhất của ông Sơn và ông Khai chính là “nhầm lẫn” giữa công ty tư nhân và công ty cổ phần. Việc ông Khai bán 100% vốn cổ phần cho ông Sơn nhưng lại không có cuộc họp đại hội cổ đông nào, không có sự thể hiện là các cổ đông đồng ý bán cổ phần. Trên thực tế ngoài ông Khai, bà Hằng, ông Sinh thì còn các cổ đông khác góp vốn khác của cả 3 đơn vị có vốn chuyển nhượng. Nếu các cổ đông này đều cho rằng chưa nhận được tiền thì ông Sơn chính là người phải trả số tiền trên.

Bảo Long đã từng chấp nhận ra đi?

Trên thực tế là sau khi chuyển nhượng vốn cổ phần, tài sản, bản quyền thương hiệu sản phẩm của các đơn vị thì ông Khai đã chuyển một phần trụ sở tại Sơn Tây về địa điểm thuê ở An Khánh (Hoài Đức) và đường Khuất Duy Tiến. Nhưng nguyên nhân vì sao ông Khai lại quay trở lại? Chính vì những câu chữ chết người và sự vội vàng thâu tóm Bảo Long của ông Sơn khiến trong bản hợp đồng chuyển nhượng nảy sinh mâu thuẫn.

Ông Khai chỉ chờ khi ông Sơn thanh toán toàn bộ số tiền cổ đông và thương hiệu sẽ ra đi làm lại từ đầu. Ngược lại phía Bảo Sơn lại cho rằng số tiền 227,5 tỷ là tổng giá trị hợp đồng và họ đã làm tròn nghĩa vụ thanh toán. Xảy ra chuyện rắc rối này chính là từ câu chữ trong hợp đồng chuyển nhượng khiến sự vô lý của cả hai bên đều trở nên có lý.

Ông Khai đã chấp nhận ra đi nhưng vẫn quay trở lại còn do sự quá vội vàng, nóng ruột của ông Nguyễn Trường Sơn. Trong lần phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 55 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông Sơn nói như đinh đóng cột rằng: “Tập đoàn Bảo Long vẫn cứ phát triển thế này, vẫn là thương hiệu của Bảo Long không thay đổi tên gì cả” và ông Sơn cũng nói: “Chúng ta vẫn làm việc như thế này, anh Khai vẫn làm tổng giám đốc”.

Tuy nhiên sau khi có được bản hợp đồng chuyển nhượng trong tay, ông Sơn đã quá vội vàng và quên ngay những gì mình đã cam kết bằng việc ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long với ông Nguyễn Hữu Khai khi vừa bổ nhiệm được 5 ngày đồng thời thay thế những vị trí quan trọng của tập đoàn Bảo Long bằng người của Bảo Sơn. Và hơn thế, ông Sơn cũng vội vã đi đăng ký đổi tên Bệnh viện Đa khoa Bảo Long thành Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn. Việc làm này đã không được sự đồng tình của Bộ Y tế.

Sau sự việc này, ông Khai nhận ra mục đích việc Bảo Sơn gật đầu hợp tác với Bảo Long. Chính vì lý do này mà ông Khai đã quay trở lại gây sức ép và khiến mâu thuẫn thêm căng thẳng.

Không bị bắt ông Khai sẽ trả hết nợ?

Vì những tranh chấp trên nên trong một thời gian dài hai bên đều “vác” đơn đi kiện cáo nhau. Ngày 21.10.2011, ông Nguyễn Trường Sơn đã gửi đơn khởi kiện vụ án tranh chấp thương mại đến TAND TP.Hà Nội yêu cầu tòa án giải quyết buộc ông Nguyễn Hữu Khai thực hiện các thỏa thuận trong bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2011/HĐCN-BL ngày 26.4.2011 và hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm số 01/CNCP&TS/BL-BS ngày 3.3.2011.

Nhận đơn khởi kiện vụ án tranh chấp thương mại, TAND TP.Hà Nội cũng nhận thấy nhiều điểm hết sức vô lý, mâu thuẫn trong bản Hợp đồng chuyển nhượng này và yêu cầu 2 bên giải quyết tranh chấp bằng việc thương lượng.

Đến ngày 5.4.2012, ông Nguyễn Trường Sơn lại có đơn gửi tòa án yêu cầu rút đơn khởi kiện và được Tòa án TP.Hà Nội chấp nhận ra quyết định đình chỉ vụ án. Ông Sơn cho rằng rút đơn kiện để củng cố thêm tài liệu nhưng thực chất ông Sơn biết nếu khởi kiện ra tòa bởi vụ án tranh chấp thương mại thì ông Sơn cũng khó giành được phần thắng.

Đang từ một vụ tranh chấp thương mại, ông Sơn lại làm đơn kiện gửi Cơ quan An ninh kinh tế, Công an TP.Hà Nội kiện ông Khai hành vi “Sử dụng trái phép tài sản”. Việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đã khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi. Trong vụ việc này không hẳn là phía ông Nguyễn Hữu Khai không có lỗi.
Tập đoàn Y dược Bảo Long ở Sơn Tây
Tập đoàn Y dược Bảo Long ở Sơn Tây
Trong cuộc sống ông Khai đã tâm niệm “tận cùng của võ là văn” nhưng vì sự nóng giận nhất thời ông Khai đã đẩy sự việc ra ngoài tầm kiểm soát. Ông Khai cũng đã dùng những lời lẽ không mấy hay ho để trả đũa ông Sơn. Thậm chí, ông Sơn còn nhận được nhiều tin nhắn dọa nạt từ phía đối phương. Nhưng có một chi tiết mà ít người biết đó là nếu bị bắt chậm chục ngày thì ông Khai sẽ trả toàn bộ số nợ cho Bảo Sơn và có thể lấy lại toàn bộ tài sản của mình.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, thì một đơn vị của Nga đã đề xuất mua bản quyền thương hiệu 3 sản phẩm thuốc của Bảo Long. Bước đầu, họ sẽ chuyển cho Bảo Long từ 10 - 30 triệu USD để ông Khai trả hết nợ sau đó sẽ tiến hành hợp tác. Mục đích của đối tác Nga là sẽ sản xuất sản phẩm thuốc này bán ra châu Âu.

Khi nhận được khoản tiền này, ông Khai sẽ thanh toán toàn bộ những vướng mắc với Bảo Sơn và lấy lại những thứ đã từng thuộc về Bảo Long. Thế nhưng, phía Bảo Sơn đã nhanh chân hơn một bước. Ngày 16.6, ông Nguyễn Hữu Khai, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đông Nam Dược Bảo Long đã bị bắt và di lý ra Hà Nội tạm giam 3 tháng để phục vụ công tác điều tra.

Trong vụ việc này, phía Bảo Long, Bảo Sơn mất gì và được gì? Bản thân ông Khai được gì, mất gì? Trách nhiệm không chỉ thuộc về Bảo Long hay Bảo Sơn. Cho đến thời điểm này, cũng chưa có một cơ quan nhà nước nào có quyết định chính thức cho rằng bản hợp đồng chuyển nhượng được ký giữa Bảo Long và Bảo Sơn là đúng hay sai. Cũng không thể nói ông Nguyễn Trường Sơn thủ đoạn hay ông Nguyễn Hữu Khai lừa lọc. Tất cả chờ vào sự phán quyết công tâm của pháp luật.
Thái Tùng (Dòng Đời) (Thái Tùng (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem