Bản quyền âm nhạc trên internet, bài toán khó sắp tìm ra lời giải?
Bản quyền âm nhạc trên internet, bài toán khó sắp tìm ra lời giải?
Yến Linh
Thứ ba, ngày 22/02/2022 16:13 PM (GMT+7)
Xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng lần đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam có thể sẽ là lời giải cho bài toán trên của nền âm nhạc nước nhà.
Thời gian gần đây, câu chuyện vi phạm tác quyền trên internet đã trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trong làng nhạc Việt. Ý tưởng xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ quyền tác âm trên không gian mạng có thể sẽ là lời giải cho những khúc mắc đang tồn tại.
"Tấm chắn" bảo vệ bản quyền âm nhạc?
Ngày 22/02, tại Hà Nội, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã thay mặt các đồng sự phát biểu ra mắt Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM (gọi tắt là MCM). Anh khẳng định, đây là giải pháp bảo vệ và đánh dấu tác quyền trên từng bản nhạc, giúp tác giả có thể đo đếm chính xác số lượt sử dụng, theo dõi được việc phân phối sử dụng tác phẩm trên internet.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn phát biểu trong sự kiện. (Ảnh: NSXCC)
Phát biểu tại lễ ra mắt, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chia sẻ: "Sự kiện ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến là hoạt động mang nhiều ý nghĩa trong quá trình bảo vệ bản quyền tác âm nước nhà. Trong thời đại công nghệ số phát triển thì vấn đề bảo vệ bản quyền cũng rất sôi động đặc biệt câu chuyện bản quyền trong lĩnh vực số không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Chính vì sự thuận tiện trong môi trường số các tác giả có thể đưa tác phẩm đến với công chúng nhanh chóng rộng rãi hơn. Nhưng bản quyền nếu thực hiện được thì mới có thể khuyến khích các tác giả đầu tư sáng tác.
Trước đó, hiệp ước của tổ chức SHTT thế giới về bảo vệ bản quyền tác giả WCT cũng đã có hiệu lực tại Việt Nam. Với điều này, Việt Nam chính thức tham gia sân chơi bảo vệ bản quyền quốc tế. Ra mắt hệ sinh thái bảo vệ bản quyền là một trong những công cụ góp phần bảo vệ bản quyền.
Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn, nhất là bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Khi đồng bộ hệ thống luật pháp cùng với sự tham gia các hiệp ước quốc tế thì chuyện thực thi, minh bạch công khai trong khai thác bản quyền sẽ được thực hiện".
Bản quyền âm nhạc trực tuyến cần được minh bạch
Chia sẻ về động lực xây dựng hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến, nhạc sĩ Lê Minh Sơn trải lòng: "Cách đây 3 năm, khi ấp ủ ý tưởng xây dựng một hệ thống công nghệ số đồng bộ để bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến, minh bạch, tôn trọng và quyền lợi kinh tế là ba giá trị cốt lõi mà chúng tôi đặt ra và là giá trị xuyên suốt trong quá trình vận hành sau này.
Nhạc sĩ Giáng Son, người từng gặp nhiều rắc rối về vấn đề bản quyền phát biểu trong sự kiện. (Ảnh: NSX)
Chúng tôi nghiên cứu và phát triển hệ thống này xuất phát từ khát vọng giải quyết "nỗi đau" chung về vi phạm tác quyền trên internet. Từ lâu tôi ước muốn tất cả các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam phải được tôn trọng, được xin phép khi sử dụng.
Bản nhạc là đứa con tinh thần, là tài sản, là trí tuệ, là mồ hôi, là máu nên những tài sản vô giá này cần được bảo vệ, được trân trọng. Các nhạc sĩ cần được cung cấp thông tin đầy đủ về tác phẩm của mình được ai sử dụng, sử dụng ở đâu, sử dụng như thế nào. Nhạc sĩ cần được trả thù lao khi tác phẩm của mình được biểu diễn, được các bên khai thác kinh doanh. Đó chính là sự minh bạch trong sử dụng tác phẩm mà chúng ta đang hướng tới".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.