Báo cáo Kiểm điểm của BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khóa VII: Dấu ấn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
Báo cáo Kiểm điểm của BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khóa VII: Dấu ấn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
PV Dân Việt
Thứ hai, ngày 25/12/2023 11:22 AM (GMT+7)
Tại Đại hội, thay mặt đoàn Chủ tịch, đồng chí Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam đã trình bày tóm tắt báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội khoá VII báo cáo kiểm điểm trước Đại hội kết quả thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Tại Đại hội, thay mặt đoàn Chủ tịch, đồng chí Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trình bày tóm tắt báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Báo điện tử Dân Việt trân trọng đăng toàn văn báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam quyết định số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội là 119 đồng chí; tại Đại hội bầu đủ 119 đồng chí. Kỳ họp thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII đã bầu 21 đồng chí vào Ban Thường vụ và bầu đồng chí Chủ tịch, 05 đồng chí Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội. Trong nhiệm kỳ, có 49 đồng chí chuyển công tác và nghỉ hưu. Đến nay, Ban Chấp hành có 92 đồng chí (khuyết 27 đồng chí), Ban Thường vụ có 18 đồng chí (khuyết 03 đồng chí).
Thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội khoá VII báo cáo kiểm điểm trước Đại hội kết quả thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018 - 2023 như sau:
A. KIỂM ĐIỂM SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH
I. Ưu điểm
1. Về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ
1.1. Lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc toàn quốc lần thứ VII: Tổ chức quán triệt, xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII; chỉ đạo các tỉnh, thành Hội tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
1.2. Ban hành và lãnh đạo thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kết luận và các văn bản để lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân
- Ban hành 3 Nghị quyết số 04, 05, 06-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 về xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh. Tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện 3 nghị quyết gắn với thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 2045/QĐ-TTg, ngày 20/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ đạt nhiều kết quả thiết thực.
- Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật được chú trọng. Hằng năm, xây dựng và thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.
- Hoạt động tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khẳng định vị trí Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống chính trị.
- Chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
- Chỉ đạo các cấp Hội tổng kết Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017- 2022; qua đó, biểu dương hàng ngàn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu.
- Ban hành Nghị quyết số 10 ngày 27/7/2020 về Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 – 2025; chỉ đạo các cấp Hội tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện.
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 Trung ương tổ chức đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động số 08 ngày 24/6/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chỉ đạo các cấp Hội xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Ban hành Kết luận số 454 ngày 06/7/2022 về một số nhiệm vụ trọng tâm của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân trong thời gian tới và chỉ đạo các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm Hỗ trợ nông dân trong thời gian tới.
- Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều đối tác, ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế; Hội Nông dân Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội Nông dân Châu Á vì sự phát triển bền vững (AFA).
- Chỉ đạo tổ chức thành công Hội nghị nông dân điển hình tiên tiến các cấp, Đại hội thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ V.
2.3. Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp Hội tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII
Ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp và chỉ đạo đại hội cấp cơ sở, huyện, tỉnh và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Ban Chấp hành Trung ương Hội giao cho Ban Thường vụ Trung ương Hội hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể và chuẩn bị các công việc tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ VIII. Việc tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng, quy trình, quy định, nguyên tắc.
2. Về lề lối làm việc, phương pháp, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
Ban Chấp hành đã ban hành và thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc, chương trình hoạt động toàn khóa; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy năng lực, trí tuệ của từng Ủy viên Ban Chấp hành.
Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động.
Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực trong nghiên cứu vấn đề mới và đề xuất các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng công việc.
3. Về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống
Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, không vi phạm các điều đảng viên không được làm; luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống giản dị, trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật cao, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội; giữ vững và phát huy sự đoàn kết, thống nhất; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; gần gũi, sâu sát với hội viên nông dân, được cán bộ, hội viên, nông dân tin tưởng, tín nhiệm.
II. Hạn chế, khuyết điểm
1. Lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề khó khăn, vướng mắc cho hội viên, nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trong Chương trình công tác toàn khóa chưa quyết liệt, chưa nhân rộng và phát huy được hiệu quả những mô hình mới, giải pháp mới, cách làm sáng tạo. Còn 3 chỉ tiêu thành phần về báo nông thôn, ngoại ngữ, ngôn ngữ nước láng giềng chưa đạt so với Nghị quyết Đại hội VII đề ra.
3. Chưa có giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân.
4. Chỉ đạo hoạt động tham gia phản biện xã hội một số nội dung ở một số địa phương còn hình thức, chủ yếu mang tính tổng hợp ý kiến, thiếu tính phản biện. Công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội ở một số nơi hiệu quả chưa cao.
5. Phong trào nông dân và hoạt động Hội chưa đồng đều giữa các vùng miền, các địa phương, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
6. Chỉ đạo công tác hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể còn lúng túng. Hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân ở một số nơi còn yếu, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.
7. Một số Ủy viên Ban Chấp hành tham dự các kỳ họp của chưa đầy đủ. Vai trò lãnh đạo của một số ủy viên Ban Chấp hành nhất là ở cơ quan Trung ương Hội đối với địa phương, cơ sở chưa rõ nét.
B. VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA BAN THƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG HỘI
1. Trên cơ sở Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ xây dựng chương trình công tác hàng năm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức triển khai thực hiện.
2. Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, kết luận, đề án... trên các lĩnh vực để cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành nhằm đẩy mạnh công tác Hội và phong trào nông dân.
3. Căn cứ Quy chế, Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chỉ đạo chuẩn bị tốt nội dung 13 kỳ họp của Ban Chấp hành; Tổng kết, sơ kết 10 nghị quyết, chỉ thị, kết luận và chuyên đề quan trọng của Trung ương và của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội.
4. Chủ động đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thành công ba Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân. Mở rộng quan hệ với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương để tạo nguồn lực cho hoạt động Hội.
5. Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 516/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
6. Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tập trung hướng dẫn và chỉ đạo tốt đại hội chi Hội và đại hội cấp cơ sở, huyện, tỉnh nhiệm kỳ 2023-2028; tích cực chuẩn bị về mọi mặt tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
7. Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ theo thẩm quyền. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới, sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
8. Các đồng chí trong Thường trực và Ban Thường vụ đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp thiết thực với Ban Chấp hành đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân.
Tuy nhiên, Ban Thường vụ tự kiểm điểm thấy còn có thiếu sót, khuyết điểm, đó là:
1. Công tác sơ kết, tổng kết một số nghị quyết chưa kịp thời; triển khai xây dựng một số đề án còn chậm.
2. Trong công tác chỉ đạo, có việc chưa thực sự sâu sát, tiến độ còn chậm, hiệu quả chưa cao. Việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện một số chương trình, kết luận chưa được thường xuyên.
3. Công tác chỉ đạo, kiểm tra các cấp Hội trong thực hiện một số nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thường xuyên.
4. Một số Ủy viên Ban Thường vụ chưa sâu sát cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân ở các địa phương được phân công.
C. NGUYÊN NHÂN
1. Nguyên nhân của ưu điểm
- Chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước về công tác Hội; phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu khoa học và địa phương để tranh thủ và huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân và thực hiện các phong trào thi đua của Hội.
- Tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện đúng quy chế, chức năng, nhiệm vụ; linh hoạt, sáng tạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm.
- Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội sát với điều kiện thực tế, phù hợp với đặc thù của từng địa phương; gắn tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân.
- Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là người đứng đầu có năng lực, phẩm chất, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, trưởng thành qua thực tiễn, gắn bó với nông dân, sâu sát cơ sở là yếu tố quan trọng để phát triển tổ chức Hội.
2. Nguyên nhân của những hạn chế
- Tình hình ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường xuyên biến động nên có những khó khăn, hạn chế nhất định trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.
- Vai trò, trách nhiệm của một số Ủy viên tham gia vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành có mặt còn hạn chế; chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nghị quyết chưa thực sự chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt chưa sát thực tế.
- Một số Uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội chưa dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm bắt về tình hình, khó khăn, bất cập trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nên chưa kịp thời tháo gỡ một số vấn đề khó khăn, bất cập thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân.
- Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cán bộ Hội cấp tỉnh, cấp huyện; trình độ, năng lực và kinh nghiệm công tác của Ban Chấp hành, chưa đồng đều nên có khó khăn trong việc tổ chức và triển khai nhiệm vụ của Hội.
- Nhiệm kỳ qua, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh Covid-19 cùng những khó khăn của nền kinh tế đất nước, đã ảnh hưởng đến hoạt động Hội, hạn chế việc huy động các nguồn lực cho công tác Hội và phong trào nông dân và thực hiện một số chương trình, đề án còn khó khăn.
Trên đây là ưu điểm và những hạn chế, thiếu sót của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII nhiệm kỳ 2018 - 2023. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nghiêm túc kiểm điểm trước Đại hội và tiếp thu sự đóng góp ý kiến của Đại hội, chuyển giao lại Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khoá VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.