Báo động ngộ độc tập thể, “chết chùm” vì ăn nấm mọc hoang

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 12/02/2017 06:25 AM (GMT+7)
Từ tháng 3 đến tháng 5 thường là “mùa ngộ độc nấm” với việc nhiều người - đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số bị ngộ độc, tỷ lệ tử vong lớn. Các chuyên gia y tế cảnh báo, đồng bào không nên ăn bất cứ loại nấm mọc hoang dại nào để tránh ngộ độc.
Bình luận 0

Chỉ ra sau nhà là thấy nấm mọc trắng xoá

TS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai), từng nghiên cứu về tình hình ngộ độc nấm tại Việt Nam những năm gần đây, chia sẻ, ông không thể quên được ca ngộ độc nấm tại gia đình người Mông ở xã Quang Vinh (Trà Lĩnh, Cao Bằng) khiến cả nhà 9 người mắc, 8 người tử vong vào năm 2004.

img

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trần Minh

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: Nếu chẳng may sau ăn nấm hoang và xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy người dân nên gây nôn (móc họng) để đào thải hết nấm đã ăn trong dạ dày. Sau đó nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Khi đi nhớ kiếm mẫu nấm đã ăn để bác sĩ kịp thời nhận biết. Khi các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy hết thì cũng không nên chủ quan cho rằng đã hết ngộ độc. Đối với các trường hợp có triệu chứng ngộ độc muộn (6 giờ sau ăn trở lên) thì có khả năng bệnh nhân bị ngộ độc rất nặng, do đó nên đưa thẳng lên bệnh viện tuyến tỉnh để có phương tiệu điều trị hồi sức tích cực.

“Nấm thường được lấy về chế biến cho cả nhà, cả họ ăn, do đó các ca ngộ độc thường 5-7 người  mắc, thậm chí vài chục người. Tỷ lệ tử vong cũng rất cao, rất nhiều gia đình gần chục người nhưng chết quá nửa, thậm chí chết gần hết vì ngộ độc nấm” – TS Dũng cho biết. Năm 2014, tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) cũng xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm khiến cả nhà 5 người đều bị ngộ độc, 4 người tử vong.

Tháng 4.2016, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân (trú tại xã Bình An, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) bị ngộ độc nấm. Anh này cùng 4 người bạn khác đã hái nấm về nấu ăn, đến đêm cả 5 người đều bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, phải đi viện cấp cứu. Rất may cả 5 người đều qua khỏi.

Theo TS Dũng, tình trạng ăn phải nấm độc diễn ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hoà Bình, Lai Châu, Kon Tum, Nghệ An... Người bị ngộ độc thường là đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở vùng núi cao. Mùa thường hay xảy ra ngộ độc vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, khi mưa xuống, nấm mọc nhiều.

“Người dân sống sát đồi, núi, nên chỉ cần đi ra sau nhà là thấy nấm mọc trắng xoá. Các loài nấm này thường có mùi thơm, vị ngọt nên rất thu hút sự để ý và cả khẩu vị của người dân. Ngoài ra, trong quá trình đi thực địa, chúng tôi thấy các gia đình bị ngộ độc nấm thường rất nghèo. Do khó khăn nên người dân càng dễ hái nấm về ăn, chủ quan cho rằng đã phân biệt được nấm độc và nấm ăn được” – TS Dũng nhận định.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2003 - 2011, tại một số tỉnh miền Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai đã có 142 vụ ngộ độc thực vật, đa số là nấm độc, khiến 241 người mắc, 66 người tử vong. Riêng về ngộ độc nấm, ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đã có 90 vụ khiến 340 người mắc, trong đó 55 người tử vong. Từ năm 2010 - 2015 Hòa Bình xảy ra 5 vụ ngộ độc do ăn nấm làm 68 người mắc, trong đó có 3 người tử vong.

TS Dũng cũng cho biết, theo khảo sát của ông và đồng nghiệp, ở Cao Bằng từ năm 2003 -2009 đã có 29 vụ ngộ độc nấm, khiến 81 người mắc, 17 người tử vong. Dân tộc có nhiều người ngộ độc nấm nhất là Nùng, sau đó đến Tày, Mông, Dao. Tại địa bàn này cũng có 13 loài nấm độc mà người dân hay nhầm lẫn lấy về để ăn.

Khó phân biệt nấm độc

img

Một số loài nấm độc tán trắng kịch độc. Ảnh: BSCC

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, triệu chứng của ngộ độc nấm thường là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, hoa mắt, khó thở, đau đầu, tím tái. Đối với các loài nấm có độc tính không cao thì bệnh nhân chỉ đau bụng, tiêu chảy, nếu được điều trị hết triệu chứng thì sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Các nấm có độc tố nhẹ này cũng thường phát tác sau ăn 15-30 phút.

“Tuy nhiên, ở một số loài nấm có amatoxin - chất độc đầu bảng, như nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón… thường xuất hiện triệu chứng ngộ độc rất muộn, sau 6 giờ, 12 giờ, thậm chí có người ăn nấm đến ngày hôm sau mới có triệu chứng ngộ độc. Độc tố amatoxin có trong nấm cực độc, gây tổn thương gan, rối loạn đông máu, hôn mê gan, bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh vì suy đa phủ tạng” – TS Dũng cho biết.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, đáng sợ nhất là với các loại nấm có triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy muộn nhưng sau đó lại tự cầm nên bệnh nhân và ngay cả các bác sĩ cũng đã cho rằng “hết ngộ độc”. Tuy nhiên sau đó người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: Vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), và cuối cùng là tử vong. “Do đó, nếu bị ngộ độc nấm, người dân nên cầm theo nấm đã ăn để bác sĩ nhận biết, đánh giá được mức độ ngộ độc và có cách xử trí kịp thời”- bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

TS Dũng cũng cho biết, người dân không nên “ăn thử” xem có ngộ độc hay không vì đối với các loại nấm có độc tố amatoxin thì chỉ ăn 1-2 cọng nấm là có thể bị ngộ độc.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem