Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam: 5 năm hoạt động lỗ hơn 4.300 tỷ đồng, doanh thu tăng mạnh

Quang Dân Thứ sáu, ngày 02/07/2021 07:08 AM (GMT+7)
Sau 5 năm bước chân vào Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã lỗ luỹ kế lên đến hơn 4.300 tỷ đồng trong khi doanh thu tăng mạnh từ 159 tỷ đồng (năm 2016) lên 2.692 tỷ đồng (năm 2020). Ngoài ra, công ty này còn tăng vốn điều lệ khủng và liên tục thu mua các công ty bảo hiểm khác.
Bình luận 0

Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam lớn nhất tính theo vốn điều lệ

Thành lập vào năm 2013, FWD Công ty Bảo hiểm Nhân thọ thuộc Tập đoàn Đầu tư Pacific Century Group hiện đang hoạt động kinh doanh tại 10 thị trường gồm Đặc khu Hồng Kông, Đặc khu Ma Cao, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia và Campuchia.

Năm 2016, FWD hoàn tất thương vụ mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern (Việt Nam) và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam). Cũng trong năm 2016, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn chủ sở hữu từ 1.080 tỷ đồng lên 1.395 tỷ đồng.

Sau 6 lần tăng vốn, tính đến cuối năm 2020, số vốn điều lệ của Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam là 15.174 tỷ đồng, trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam tính theo vốn điều lệ. Tỷ lệ biên khả năng thanh toán vượt mức yêu cầu của luật định, đạt 404%.

FWD Việt Nam: Doanh thu, tài sản liên tục tăng mạnh nhưng lỗ lũy kế hơn 4.300 đồng và dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế? - Ảnh 1.

Quá trình tăng vốn điều lệ Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam. Nguồn: BCTC FWD Việt Nam

Đồng thời, trong năm 2020, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất thị trường với phí bảo hiểm khai thác mới tăng 85%, đạt hơn 1.703 tỷ đồng và chính thức phục vụ hơn 381 ngàn khách hàng. Công ty cũng đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu tài chính do chủ sở hữu đặt ra cho năm 2020.

Trước đó, hồi tháng 4/2020, FWD cũng đã thông báo đã nhận được sự chấp thuận theo luật định cho việc mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif ("VCLI"), công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam ("Vietcombank") và BNP Paribas Cardif.

Phát biểu về sự kiện này, ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng Giám đốc Tập đoàn FWD cho biết: "Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm tăng trưởng nhanh nhất tại Châu Á và chúng tôi vui mừng mở rộng sự hiện diện của mình tại đây thông qua giao dịch quan trọng này. Chỉ trong vòng một vài năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam, FWD đã khẳng định mình là một thương hiệu trẻ, năng động, và khác biệt. Việc mua lại này là minh chứng vững chắc cho niềm tin của chúng tôi vào sự tăng trưởng và tiềm năng dài hạn của thị trường Việt Nam."

FWD Việt Nam: Doanh thu, tài sản liên tục tăng mạnh nhưng lỗ lũy kế hơn 4.300 đồng và dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế? - Ảnh 2.

Quy mô tài sản FWD Việt Nam được mở rộng theo từng năm. Nguồn: FWD Việt Nam

Đi kèm với sự phát triển về quy mô và thị trường nói trên, sau 5 năm có mặt tại Việt Nam, doanh thu của Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã tăng lên 17 lần, đạt gần 2.692 tỷ đồng so với 159 tỷ đồng năm 2016. Quy mô tổng tài sản cũng nhảy vọt từ hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2016 lên 13.867 tỷ đồng năm 2020.

Càng kinh doanh càng lỗ

Trái ngược với doanh thu, các khoản chi phí tăng cao khiến Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam càng kinh doanh càng lỗ. Tính đến ngày 31/12/2020, lỗ lũy kế Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam lên đến hơn 4.300 tỷ đồng.

FWD Việt Nam: Doanh thu, tài sản liên tục tăng mạnh nhưng lỗ lũy kế hơn 4.300 đồng và dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế? - Ảnh 3.

Doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam liên tục âm. Nguồn: BCTC FWD Việt Nam

Cụ thể, báo cáo tài chính Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam năm 2016 ghi nhận doanh tổng doanh thu đạt 189 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2015.

Đi kèm với sự tăng trưởng về doanh thu, chi phí hoạt động tài chính Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam tăng 5,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 57 và 56 tỷ đồng..

Sau khi khấu trừ các loại chi phí, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam báo lỗ ròng 120 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 58 tỷ đồng so với 1 năm trước đó. Thời điểm này, lỗ lũy kế của doanh nghiệp là 548 tỷ đồng.

Tính tại ngày 31/12/2016, tổng tài sản Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đạt 1.036 tỷ đồng, tăng 263 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả cũng tăng từ 121 tỷ đồng lên 189 tỷ đồng.

FWD Việt Nam: Doanh thu, tài sản liên tục tăng mạnh nhưng lỗ lũy kế hơn 4.300 đồng và dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế? - Ảnh 4.

Nguồn: BCTC FWD Việt Nam

Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, năm 2018 tổng doanh thu Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã vượt mức 828 tỷ đồng, tăng 5 lần so với thời điểm 2016 nhưng vẫn tiếp tục âm nặng 760 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt mức 1.852 tỷ đồng.

Trong đó, một số chỉ tiêu chi phí tăng nhảy vọt như chi phí bán hàng; chi phí quản lý doanh nghiệp; tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam hơn 1.876 tỷ đồng. Nợ phải trả 917 tỷ đồng.

Gần đây nhất, báo cáo tài chính năm 2020 của Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu 2.691 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với doanh thu năm 2019 (1.416 tỷ đồng), 3,25 lần năm 2018 (828 tỷ đồng) và 17 lần năm 2016 (158 tỷ đồng).

FWD Việt Nam: Doanh thu, tài sản liên tục tăng mạnh nhưng lỗ lũy kế hơn 4.300 đồng và dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế? - Ảnh 5.

Các khoản chi phí của Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam "phình to" qua các năm. Nguồn: FWD Việt Nam.

Tương tự, tổng chi phí Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam cũng "phình to" đạt hơn 4.394 tỷ đồng, tăng mạnh đến 2.222 tỷ đồng với 1 năm trước đó.

Đáng kể, chi phí bán hàng tăng tới 1.230 tỷ đồng, lên 2.051 tỷ đồng trong năm 2020; chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 846 tỷ đồng, tăng 287 tỷ đồng..

Kết quả Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam báo lỗ ròng 1.702 tỷ đồng, cao hơn 948 tỷ đồng với khoản lỗ sau thuế năm 2019. Thời điểm này, lỗ lũy kễ Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã đạt mức hơn 4.300 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam nhảy vọt lên 13.866 tỷ đồng, cao hơn 11.200 tỷ đồng với thời điểm đầu năm. Mức tăng này chủ yếu đến từ khoản mục tài sản dài hạn.

Nợ phải trả của Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam còn hơn 3.000 tỷ đồng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem