Quảng Nam ứng phó bão số 4 (Noru): Khẩn trương sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm

Trương Hồng Thứ hai, ngày 26/09/2022 08:47 AM (GMT+7)
Ứng phó với bão số 4 (Noru) sắp đổ bộ vào miền Trung, ngành nông nghiệp Quảng Nam yêu cầu các chủ nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương cần có các biện pháp đồng bộ triển khai xuyên suốt đến tận cơ sở. Các hộ nuôi thủy sản lồng bè tại cửa sông phải di dời lồng nuôi vào các sông, rạch neo đậu an toàn.
Bình luận 0

Sáng 26/9, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước sự đổ bộ của cơn bão bão số 4 (Noru), tỉnh này đã có kế hoạch tổ chức sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tập trung cho sơ tán dân ven biển đến nơi an toàn, tối thiểu nhà cấp 3 có sàn bê tông chắc chắn; những nới không đảm bảo an toàn thì không thực hiện sơ tán đến. 

Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 09h00 ngày 27/9, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Quảng Nam ứng phó bão Noru: Ngành nông nghiệp khẩn trương giúp dân - Ảnh 1.

Ứng phó bão số 4 (Noru), Quảng Nam yêu cầu công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 09h00 ngày 27/9, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung. Ảnh: T.H

Đối với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cần rà soát lực lượng, kế hoạch hiệp đồng, chủ động đề nghị Bộ Tư lệnh Quân Khu 5, các lực lượng của Trung ương đứng chân trên địa bàn tăng cường lực lượng về các địa bàn xung yếu trước khi bão đỗ bộ. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 00 giờ ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.

Quảng Nam ứng phó bão Noru: Ngành nông nghiệp khẩn trương giúp dân - Ảnh 2.

Người dân ven biển Quảng Nam cho cát vào bao để chẳng chống nhà cửa đón bão số 4 (Noru). Ảnh: T.H

"Bằng mọi biện pháp thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/9", lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.

Quảng Nam ứng phó bão Noru: Ngành nông nghiệp khẩn trương giúp dân - Ảnh 3.

Đưa tàu, thuyền lên cao tránh bão. Ảnh: T.H

Đối với ngành nông nghiệp, theo Sở NNPTNT Quảng Nam, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Hè Thu năm 2022. Hiện có 2.910 lồng, bè nuôi thủy sản, trong đó có 580 lồng thủy sản nước ngọt, chủ yếu nuôi trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và trên sông Tam Kỳ; 2.330 lồng thủy sản nước mặn/lợ tập trung nhiều ở các địa phương Núi Thành, Duy Xuyên, Hội An.

Diện tích nuôi trồng khoảng 650 ha (thủy sản nước mặn/lợ), chủ yếu nuôi trên cát lót bạt ven biển và lót bạt vùng cao triều, nuôi ven sông đã thu hoạch khoảng 85%, số còn lại vẫn đang tiếp tục thu để tránh bão.

Quảng Nam ứng phó bão Noru: Ngành nông nghiệp khẩn trương giúp dân - Ảnh 4.

Người dân Quảng Nam thu hoạch nông sản. Ảnh: T.H

"Tỉnh Quảng Nam có 73 hồ chứa thủy lợi, đến thời điểm hiện nay các hồ chứa thủy lợi đã tích nước đạt 40 - 50 % dung tích hữu ích thiết kế. Sở đã tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão và hướng dẫn các chủ đập, chủ đầu tư xây dựng đập xây dựng phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng với tình huống khẩn cấp", đại diện Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết.

Cũng theo Sở NNPTNT Quảng Nam, đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương cần có các biện pháp đồng bộ triển khai xuyên suốt đến tận cơ sở. Các hộ nuôi thủy sản lồng bè tại cửa sông phải di dời lồng nuôi vào các sông, rạch neo đậu an toàn. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè, sơ tán toàn bộ lao động trên lồng bè về nơi trú bão an toàn.

Quảng Nam ứng phó bão Noru: Ngành nông nghiệp khẩn trương giúp dân - Ảnh 5.

Tàu, thuyền lớn tìm nơi trú bão số 4 (Noru). Ảnh: T.H

Các hộ dân nuôi tôm, cá, đặc biệt là các ao nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh phải chủ động dự trữ thức ăn, vôi, hóa chất xử lý môi trường ao nuôi trong những ngày thời tiết xấu. Gia cố bờ bao, lưới chắn nhằm tránh triều cường lên, nước dâng làm vỡ bờ thất thoát vật nuôi. 

Chủ động chằng chống hệ thống điện, gia cố chòi canh, kho chứa vật tư cho an toàn, dự trữ nhiên liệu, máy nổ đảm bảo hệ thống quạt nước ao nuôi vận hành trong thời gian có bão nhằm hạn chế thiệt hại...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem