Bão số 9: Mưa bão triền miên, người dân lo nhà cửa hỏng nặng, không có tiền sửa chữa
Bão số 9: Mưa bão triền miên, người dân lo nhà cửa hỏng nặng, không có tiền sửa chữa
Diệu Bình
Thứ hai, ngày 26/10/2020 18:50 PM (GMT+7)
Chiều 26/10, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã gia cố nhà cửa. Họ lo nhà cửa hỏng nặng trong đợt mưa lũ vừa qua sẽ khó trụ vững nếu bão số 9 đổ bộ.
Tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng những ngày qua sau khi nước lũ rút cũng là lúc người dân bận rộn với công việc dọn dẹp lại nhà cửa, sửa chữa các vật dụng trong nhà. Mọi việc còn chưa xong, người dân nơi đây lại phải tiếp tục hứng chịu thiên tai khi cơn bão được dự đoán là "siêu bão" đang hình thành trên biển sẽ hướng về miền Trung những ngày sắp tới.
Nghe tin bão, anh Nguyễn Văn Thuận (trú xã Hòa Tiến, huyên Hoà Vang) đang vội vã cùng mọi người trong gia đình chèn chống nhà cửa.
"Nghe thông tin trên báo đài, cả nhà tôi đã gấp rút chèn chống nhà cửa, gia cố lại mọi đồ vật trong nhà. Đối với cơn bão được dự đoán là rất mạnh, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần trước, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, lương thực, thực phẩm để đề phòng trường hợp xấu xảy ra.
Năm nay thiên tai thật đáng sợ, những ngày Đà Nẵng mưa lớn, khu tôi sống cũng ngập nặng, dọn dẹp nhà cửa vừa xong thì bây giờ lại tiếp tục đón bão", anh Thuận nói.
Bà Nguyễn Thị Hà (trú phường Mân Trà, quận Sơn Trà) thuộc tổ dịch vụ kinh doanh số 5 biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) cũng đang cùng nhiều người khác tất bật đưa dù, bàn ghế… lên bờ để tránh bão.
"Bữa nay nghe mưa bão là sợ lắm. Nghe thông tin bão lớn nên chúng tôi gấp rút dọn dẹp, đưa các vật dụng lên bờ. Đợt mưa bão vừa rồi cũng đã hư rất hại rất nhiều, tôi lo đến ngủ không được, bây giờ mà hư hại thì cũng không có tiền để tu sửa. Dịch, bão, lụt… một thời gian dài chúng tôi không có khoản thu, hộ kinh doanh nào cũng trong tình trạng "đói". Khổ lắm con ơi…", bà Hà than thở.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Lúc 16h ngày 26/10, bão số 9 (Molave) cách đảo Song Tử Tây khoảng 500 km về phía đông đông bắc. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc này, bão có sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15. So với 6 giờ trước, cường độ bão mạnh lên một cấp.
Đêm nay và ngày mai, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h và tiếp tục mạnh lên. Chiều 27/10, tâm bão cách bờ biển Đà Nẵng - Phú Yên khoảng 400 km về phía đông, sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 16. Đây có thể là lúc cơn bão đạt cường độ cực đại.
Từ sáng đến trưa 28/10, bão giữ vận tốc hướng và di chuyển, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Thời điểm vào đất liền, bão có sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14.
16h cùng ngày, tâm bão nằm trên đất liền khu vực bắc Tây Nguyên. Sức gió giảm còn cấp 8, giật cấp 10.
Ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông, bao gồm vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa có mưa bão. Gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16. Sóng biển cao 8-10 m.
Từ chiều mai (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15. Sóng biển cao từ 6-8 m, biển động dữ dội.
Ảnh hưởng của hoàn lưu phía bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh, vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao 4-6 m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao 0,5-1,5 m. Các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có nguy cơ ngập úng.
Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa lớn. Tổng lượng phổ biến 200-400 mm, phía bắc Tây Nguyên mưa 100-200 mm/đợt.
Ngày 28-31/10, khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An mưa lớn với tổng lượng phổ biến 200-400. Riêng phía nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt lớn với tổng lượng phổ biến 500-700 mm/đợt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.