Bảo tàng nông nghiệp - có tri thức và quyết tâm sẽ làm được

Thứ sáu, ngày 20/07/2012 09:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Nguyễn Hữu Ngôn - Tổng Biên tập kiêm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hoá, từng viết đơn đề nghị Bộ NNPTNT xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp. Phóng viên NTNN trò chuyện với ông Ngôn về đề xuất này.
Bình luận 0

Thưa ông, xuất phát từ đâu mà ông làm đơn đề xuất Bộ NNPTNT xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp (BTNN)?

- Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tôi hiểu rằng: Người nông dân chính là chủ nhân của quê hương, họ đã làm nên vẻ đẹp thanh bình và trù phú của làng quê. Chính họ làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Họ là lực lượng chủ lực tạo nên giá trị vật chất, giá trị tinh thần to lớn khẳng định VN là quốc gia có truyền thống nông nghiệp - nền văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp VN… Vì thế mà nông dân cũng như nông nghiệp VN xứng đáng có bảo tàng riêng, có chỗ đứng riêng, tương xứng với những gì họ đóng góp cho kho tàng tri thức nhân loại.

img
Ông Trần Phú Sơn (Vân Hồ II, Hà Nội) trong bảo tàng nông cụ của mình.

Tôi được biết VN đã có tới 138 bảo tàng và cứ băn khoăn, thắc mắc, trăn trở vì sao chúng ta là quốc gia nông nghiệp có tới hơn 70% là nông dân, sản phẩm chủ yếu là nông nghiệp, ai ai cũng thụ hưởng văn minh nông nghiệp cớ sao lại không có BTNN? Lúc này, chúng ta đang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tôi nghĩ đặt vấn đề này ra dẫu có muộn nhưng đúng lúc và tôi nghĩ vai trò, trách nhiệm của Bộ NNPTNT là rất lớn.

Theo ông, để xây dựng BTNN, phải bắt đầu từ đâu?

- Theo tôi, vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng có chủ trương từ cấp vĩ mô để bắt tay ngay vào xây dựng đề án, quy hoạch địa điểm hệ thống, mạng lưới, tổ chức quản lý, đào tạo nhân lực, bố trí nhân sự, tổ chức sưu tầm, phân tích, tổ chức đánh giá, hội thảo khoa học bàn định phương pháp, cách thức, nhìn nhận giá trị văn minh vật chất đó xem những gì là cần thiết, cấp bách đưa vào bảo tàng trước và sau theo trình tự.

Phải có điều kiện vật chất cần và đủ để triển khai thực hiện: Đó là nguồn vốn, là địa điểm, phương tiện… Phải có tổ chức, có bộ máy bảo tàng, có đơn vị chịu trách nhiệm, có đơn vị chỉ đạo chuyên môn và cần nhất là có đội ngũ nhân lực am tường về tam nông, có năng lực nhiệt huyết và trách nhiệm.

Ông mong muốn sẽ có gì trưng bày trong BTNN?

- Phương thức trưng bày BTNN VN có thể triển khai theo hai nội dung lớn: Văn minh vật chất nông nghiệp VN và văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Văn minh vật chất nông nghiệp VN đề cập đến kỹ thuật, phản ánh phương thức sản xuất nông nghiệp VN.

Đơn cử một vài hệ thống: Đó là hệ thống các công cụ sản xuất bao gồm: Công cụ làm đất (mảnh tước, rìu đá, rìu đồng, cày, bừa, cuốc, mai, vồ...); công cụ làm cỏ (các loại cào, nạo, dao phạt, liềm...); công cụ thủy lợi (gầu giai, gầu sòng, kênh mương, cọn nước, đê điều...); công cụ chế biến sản phẩm nông nghiệp (các loại cối xay, cối giã, các loại nồi, chõ, niếng...); công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm (đồ sành, gốm, sứ như vò, âu, ang, vại, chum, xồm, kiệu...); sản phẩm của các ngành nghề, các làng nghề (sản phẩm đan lát, nghề đúc, nghề mộc, nề...). Phải có không gian, môi trường thực cho hiện vật phô diễn hết giá trị của nó, phải làm một cách khoa học nghiêm túc cẩn trọng.

Văn hóa nông nghiệp VN là sự kết tinh những giá trị truyền thống nông nghiệp như sự hình thành, cơ cấu tổ chức tồn tại của làng xã, của văn hóa làng, in dấu trong các thiết chế văn hóa, trong văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống... BTNN VN ở giác độ này cần một cách thể hiện thông minh sinh động qua các tác phẩm viết về nông nghiệp, các cách trình diễn, sân khấu hóa, điện ảnh hóa, số hóa..., trình chiếu trên phương tiện thông tin, phương tiện nghe nhìn. Các hiện vật phải được giới thiệu ở cả hai chiều: Chiều không gian và chiều thời gian của đời sống vật chất.

Ngày 24.5.2012, ông Ngôn viết đơn đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT về việc xây dựng BTNN VN; ngày 31.5, Văn phòng Bộ có công văn trả lời: “Bộ cảm ơn và ghi nhận sự quan tâm của ông để xem xét chỉ đạo trong phạm vi quản lý nhà nước Bộ được giao”. Ngày 8.6, Bộ VHTTDL cũng đã có công văn ghi nhận những đóng góp quý báu của ông Ngôn, đồng thời cho biết sẽ tích cực tham mưu với Bộ NNPTNT về vấn đề này.

Thưa ông, chúng ta nên xây dựng tập trung một BTNN cấp quốc gia hay mỗi khu vực cần có một công trình?

- Tôi hình dung ra BTNN VN phải xây dựng có quy mô quốc gia xứng tầm với khu vực và quốc tế. Cả nước tập trung xây dựng một bảo tàng là điều đúng và nên làm. Bài học của nhiều nước là không cứ cái gì cũng phải đặt ở thủ đô, nhất là khi chúng ta muốn phát triển bền vững cân đối, công bằng và hài hòa. Theo tôi có thể chọn tỉnh vùng đồng bằng miền Trung tiêu biểu như Thanh Hóa hay Thái Bình để xây dựng, hoặc chọn đồng bằng Nam Bộ để xây dựng.

Chúng ta đã có nhiều bảo tàng nhưng chưa thu hút được nhiều người tham quan. Vậy liệu BTNN VN khi xây dựng lên có khả năng thu hút được người đến tham quan?

- Thực trạng bảo tàng ở VN đang thưa vắng khách tham quan và nhiều người chưa xây dựng thói quen xem bảo tàng như là trường học, như là một nhu cầu hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Quan niệm của tôi về bảo tàng là phải đặt nó trong môi trường sống thực, để hiện vật nói lên được tiếng nói quan trọng và cần thiết của chính nó. Thử lấy một ví dụ nhỏ trình diễn một trò chơi đặc sắc nấu cơm thi của cư dân lúa nước được tổ chức bài bản công phu, đúng tích trò, hòa hợp từ điệu bộ trang phục đến âm nhạc, ngôn ngữ sẽ hấp dẫn vô cùng, nhất là các vị khách nước ngoài. Người ta nói “đông như đi xem hội” cơ mà. Chúng ta làm được nếu chúng ta có tri thức, có trách nhiệm và lòng quyết tâm.

Xin cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem