Bảo vật "ẩn mình" nghìn năm, tối đến là phải mang đi giấu
Bảo vật "ẩn mình" nghìn năm, tối đến là phải mang đi giấu
Thế Dương
Thứ năm, ngày 03/06/2021 07:49 AM (GMT+7)
Từ khi nổi tiếng với quả chuông cổ hơn nghìn năm tuổi thì đình Nhật Tảo liên tục bị kẻ gian "ghé thăm", nên đêm đến để bảo vệ bảo vật người dân phải di chuyển quả chuông đến những địa điểm khác nhau, chỉ rất ít người biết.
Những năm 1951-1953, thực dân Pháp chiếm đình Nhật Tảo, làm bốt đóng quân, chúng cho xây 4 lô cốt ở 4 góc đình, đến nay vẫn còn dấu tích.
Chiến tranh, bom đạn…, sợ giặc Pháp phá hoại, người dân Nhật Tảo vội vã thu gom đồ thờ tự, đồ tế khí tại đình về đặt tạm tại Văn chỉ - nơi thờ những người đỗ đạt khoa bảng của làng, trong số đó có một quả chuông đồng, thân khắc kín chữ Hán, quai đúc nổi đôi thú đấu lưng vào nhau vẫn treo ở cửa đình nhiều năm trước.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, Nhật Tảo tên cũ là Nhà Kiểu hay Nhật Cảo, ở ngay bờ sông Hồng, bên bến đò Chèm, vốn là đất đồn điền của nhà nước phong kiến. Khi định đô ở Thăng Long, nhà Lý lập ra chế độ "cảo điền", bắt những người có tội đến đây khai khẩn đất hoang trũng, gọi là "cảo điền nhi", mỗi năm phải nộp 300 thăng thóc cho triều đình.
Năm 1339, Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Trác, con thứ của vua Trần Minh Tông tròn 20 tuổi, được phong ấp tại đây. Ông bãi bỏ chế độ cảo điền, sắp xếp cư dân, lập làng xóm.
Khi ông mất, dân lập miếu thờ, tôn làm thành hoàng làng Nhật Tảo. Ngôi miếu sau khởi dựng thành đình, còn giữ 26 đạo sắc phong thần qua các triều vua, trong đó 21 sắc phong đã được các cơ quan chức năng công nhận, sắc phong đầu tiên có niên đại năm 634. Nhưng chiếc chuông xuất hiện trong ngôi đình khi nào, không ai hay.
Khoảng năm 1954, đình làng và khu Văn chỉ trở thành sân kho hợp tác xã. Quả chuông được treo lên, có lúc được gõ thay tiếng kẻng giục mọi người ra đồng.
Năm 1965, Hà Nội bị đế quốc Mỹ bắn phá. Học sinh nội thành sơ tán về các vùng ngoại ô, đình làng Nhật Tảo trở thành lớp học dã chiến. Quả chuông ấy lại phát huy tác dụng thay tiếng trống báo hiệu các cô, các cậu học trò vào lớp đúng giờ…"
"Thời điểm Hà Nội bị Pháp chiếm đóng, đình bị tàn phá nặng nề, đổ nát hết. May mắn, các đồ thờ tự được người dân gìn giữ lại, khi ấy chẳng ai để ý đến quả chuông đồng, trong làng không có tích chuyện hay văn bản gì nhắc tới", ông Nguyễn Lâm Thao (84 tuổi), Trưởng ban Quản lý di tích đình Nhật Tảo nhớ lại.
Bảo vật được giải mã sau nghìn năm ẩn mình
Theo các nhà nghiên cứu, năm 1987, ông Phạm Văn Thắm, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tìm thấy quả chuông quý qua bài minh trên chuông.
Năm 1994 nhân dân Nhật Tảo rước thánh hồi cung về đình và lập hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử, quả chuông cùng một số đồ thờ tự chuyển trở lại đình. Đoàn khảo sát về kiểm tra, mới xác định được tuổi thọ và giá trị chiếc chuông. Đầu năm 2020, chuông Nhật Tảo cùng 26 hiện vật khác được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Cố giáo sư Hà Văn Tấn cũng đã phiên âm và dịch nghĩa những chữ trên chuông Nhật Tảo là: "Thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ, vào ngày 29 tháng 4 năm Mậu Thân (9/6/948) các đệ tử Vô pháp môn thuộc hai phái Đạo giáo và Nho giáo, từ trong năm Giáp Thìn (944) đã chung nhau góp tiền vẽ một bức tranh Thái Thượng tam tôn. Chưa đến năm, lại làm 6 phướn báu thứ quan, xong làm cỗ chay hoàn tất. Nay lại cùng đưa việc mua một quả chuông báu, nặng 15 cân để cúng dàng mãi mãi".
Bài minh trên chuông nhắc đến năm Giáp Thìn (944) cũng là năm Ngô Quyền mất, cho thấy thời kỳ đó, tuy Ngô Quyền đã giành lại nền độc lập và xưng vương, nhưng vẫn chưa lập niên hiệu.
Bài minh còn lưu giữ các tư liệu quý giá giúp cho công tác nghiên cứu về Phật giáo và Đạo giáo từng rất phát triển vào thế kỷ X. Qua đó có thể khẳng định có sự tồn tại của đơn vị hành chính "thôn" ở nước ta rất sớm, từ thế kỷ X.
Đêm đêm phải di chuyển bảo vật để tránh kẻ gian
Cũng từ khi nổi tiếng với quả chuông quý thì đình Nhật Tảo liên tục bị kẻ gian "ghé thăm", nhiều đồ thờ tự tại đình đã bị mất. Cách đây khoảng 8 năm, có một lần, giữa ban ngày có 2, 3 kẻ gian đỗ ô tô trước cửa đình, chúng bẻ gẫy 3 lớp khóa nhưng khi vừa nhấc chuông lên, tạo ra tiếng động thì bảo vệ phát hiện. Chúng nhảy qua hàng rào thoát thân.
"Từ đó cho đến nay, đêm đến chúng tôi phải di chuyển quả chuông đến những địa điểm khác nhau. Khi thì ở bên trong đình, khi thì ở những vị trí khác bên ngoài đình, chỉ có 1 – 2 người biết", ông Thao nói.
Mấy năm trước, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ngỏ ý muốn được đưa quả chuông này về đặt ở bảo tàng để trưng bày. Tuy nhiên, khi trưng cầu ý kiến của người dân địa phương, phần lớn không đồng ý.
"Mọi người có tâm nguyện muốn quả chuông vẫn đặt tại nơi nó được tìm thấy hàng trăm năm qua. Quả chuông đã là một vật thiêng của mảnh đất này, người dân có trách nhiệm gìn giữ, nâng niu", ông Thao bày tỏ.
Hiện nay, để vào được bên trong nơi cất giữ chiếc chuông phải được sự đồng ý của ông chủ từ và Trưởng ban Di tích đình Nhật Tảo.
Cùng với đó, phải qua 3 lớp của khóa mới đi được vào nơi cất giấu chiếc chuông - Bảo vật Quốc gia mới được Chính phủ công nhận ngày 15/1/2020.
Chuông chỉ được đem ra bày ở đình vào 2 dịp là hội làng (tháng Hai) và giỗ tổ đình (tháng Chín) vào những năm chẵn, năm trọng. Quá trình giữ gìn quả chuông là sự chung sức của cả dân làng Nhật Tảo. Cứ 3 tháng, người dân lại kiểm tra và đem chuông ra ngoài lấy linh khí của trời đất.
Được biết, hiện nay, ngoài chiếc chuông Nhật Tảo còn giữ được thì chỉ còn 2 tượng phỗng gỗ đặt 2 bên trước lối vào hậu cung của đình và 2 bức phù điêu mang hình hài Kinara (cô tiên) được tạo tác, gắn trên nóc gian tiền tế.
Hình ảnh cận cảnh chiếc chuông cổ nghìn năm của dân làng Nhật Tảo:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.