Bảo vệ FLC đuổi ngư dân cào ngao, đánh cá dưới biển

Hồng Đức Thứ tư, ngày 02/03/2016 13:18 PM (GMT+7)
Ngư dân xã Quảng Cư (Sầm Sơn, Thanh Hóa) xuống biển đánh cá, cào ngao liên tục bị bảo vệ của Tập đoàn FLC xua đuổi.
Bình luận 0

“Độc chiếm” luôn khu vực đánh cá, cào ngao!

Ngư dân ở xã  Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) vô cùng bức xúc trước việc Tập đoàn FLC cho người xua đuổi họ đánh cá, cào ngao ở biển gần khu vực của Tập đoàn này.

Theo phản ánh của người dân, khi chưa có tập đoàn FLC về xây dựng, dọc bãi biển Sầm Sơn là nơi mưu sinh bao đời của họ. Khi FLC xây dựng công trình họ đã “độc chiếm” luôn bãi biển khiến người dân không được vào đánh bắt cá, cào ngao, mặc dù phần bãi biển này không thuộc quản lý của tập đoàn này.

img

Bảo vệ của FLC Sầm Sơn ra đuổi ngư dân cào ngao

Nhiều người dân Quảng Cư phản ánh: Vì điều kiện cuộc sống khó khăn, không có tiền đầu tư mua tàu,  thuyền lớn để ra khơi, họ phải kiếm sống bằng những chiếc thuyền nhỏ, bè mảng. Mà đã là bè, mảng, thì ngư dân chỉ có thể khai thác ở trong lộng. Thế nhưng, từ khi FLC vào đầu tư, họ đã thả phao ngăn cấm không cho ngư dân đánh bắt như trước. Hễ có bè, mảng nào của bà con vào sát bờ là có người ra xua đuổi. Tại sao FLC lại ngang nhiên cho mình cái quyền “triệt” đường sống của ngư dân, độc chiếm luôn cả khu vực cào ngao, đánh cá?.

Bà Nguyễn Thị Do (thôn Cường Thịnh, xã Quảng Cư), bức xúc: “Từ khi FLC về Sầm Sơn đầu tư xây dựng, họ đã lấy hết đất sản xuất nông nghiệp của bà con. Chúng tôi phải dựa vào biển, bấu víu vào biển bằng nghề cào ngao, đánh cá nhưng họ hút cát làm dự án khiến ngao cũng không còn nữa. Trong khi đó, họ lại liên tục cho người xua đuổi ngư dân, không cho đánh bắt hay cào ngao gần khu vực của họ và họ cắm phao dọc theo chiều dài của khu FLC,  không cho tàu, thuyền của ngư dân đánh bắt cá gần bờ”.

Ông Lường Văn Quyền - Trưởng thôn Cường Thịnh, cho biết: Thôn Cường Thịnh có gần 1.000 nhân khẩu, nhưng tới 60% người làm nghề đi biển. Ngoài thôn Cường Thịnh, còn các thôn như Minh Cát, Thành Thắng, Quang Vinh, … tất cả những người đi biển đều bất bình trước việc làm của FLC. “Tháng 5.2014, khi FLC được UBND tỉnh đồng ý cho đầu tư vào đây, tôi là trưởng thôn nên cũng được mời tham gia bàn giao đất và mốc giới cho tập đoàn. Theo đó, từ mép rừng phòng hộ trở ra ngoài biển 15m là bãi biển tự nhiên, nhà nước không giao cho FLC quản lý. Như vậy, đó là phần diện tích biển để người dân khai thác con ngao, con cá. Thế nhưng, không hiểu vì sao đến nay họ lại cứ xua đuổi người dân? Bà con ở đây đã nhiều lần tiếp xúc cử tri, nhiều lần phản ánh lên UBND xã và UBND thị xã Sầm Sơn, nhưng không được giải quyết” - ông Quyền nói.

Người dân có được trả lại mép biển?

Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Cư: “Khu vực bãi biển mà người dân phản ánh FLC cho người xua đuổi không thuộc quản lý của FLC. Vì vậy người dân có quyền đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản là hoàn toàn đúng”.

Cũng theo bà Thủy, người dân đã nhiều lần phản ánh việc bảo vệ FLC ngăn cản không cho họ vào đánh bắt cá, cào ngao. UBND xã Quảng Cư cũng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo FLC, mọi việc lại trở lại bình thường. Thế nhưng, sau một thời gian bảo vệ của FLC lại ngăn cản dân. Khi tiếp xúc cử tri Hội đồng Nhân dân, cán bộ xã Quảng Cư cũng đã phản ánh lên UBND thị xã về vấn đề này, nhưng vẫn chưa có kết quả nhất định.

img

Hàng trăm người dân tập ttrung ở khu vực cổng UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 1.3.

Ông Phạm Văn Tuấn -  Phó chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết, chính quyền thị xã cũng đã nắm bắt được thông tin của người dân phản ánh. Lãnh đạo thị xã Sầm Sơn cũng đã làm việc với FLC về vấn đề này và không còn hiện tượng đó nữa. Thế nhưng không hiểu vì sao, sau một thời gian, phía FLC lại cho người ngăn cản và xua đuổi ngư dân. “Chúng tôi sẽ yêu cầu FLC phải dừng ngay việc làm đó, đồng thời yêu cầu trả lời bằng văn bản. Còn vấn đề đơn vị này cắm phao không cho tàu thuyền đánh bắt thủy sản gần bờ, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu đơn vị phải tháo dỡ, để trả lại khu vực mặt nước cho ngư dân đánh bắt, mưu sinh”- ông Tuấn khẳng định.

Được biết, sau khi xảy ra sự việc hàng trăm người dân ở thị xã Sầm Sơn kéo nhau lên ăn, nằm ở khu vực trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa, đòi gặp lãnh đạo tỉnh để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của họ về vấn đề FLC cho người ngăn cấm ngư dân cào ngao, đánh cá ở biển gần khu vực của Tập  đoàn này. Vào đầu giờ chiều nay (2.3), UBND tỉnh sẽ tổ chức họp báo về vấn đề này. Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam Trần Văn Quý: Doanh nghiệp đang “mượn gió bẻ măng”?

imgViệc ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hoá) phản ánh vụ việc (FLC tự cho mình quyền quản lý bãi và mặt biển, cấm ngư dân đánh bắt gần bờ - PV) lên UBND tỉnh là đúng. Bởi trong trường hợp quyền lợi của mình bị xâm phạm, nếu địa phương không giải quyết được thì bà con ngư dân có thể gửi đơn lên Bộ NNPTNT, thậm chí cả Chính phủ để các cơ quan cấp trên có chỉ đạo xử lý vụ việc. Câu chuyện này, tôi thấy hao hao giống việc Resort Ba Vì hay việc “resort cấm dân tắm biển” tại Đà Nẵng. Tức doanh nghiệp đã làm liều, “mượn gió bẻ măng”, không tham vấn ý kiến của bất kỳ cơ quan hữu quan nào. Đây là điều hết sức “nguy hiểm”. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam sẽ lên tiếng vì quyền lợi của bà con ngư dân.

Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Thanh Hoá Lê Viết Rong: Đừng cướp đi sinh kế của ngư dân

imgDù đang đi chữa bệnh ở xa (TP.HCM - PV) nhưng ngay sau khi báo chí thông tin, tôi đã gọi điện ngay về cho anh em tại địa phương để nắm bắt sự việc. Quan điểm của tôi là UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ giao mặt nền đất cho FLC chứ không giao mặt biển và bãi biển cho FLC nên việc FLC cho cắm phao không cho tàu thuyền của ngư dân đánh bắt, việc làm này là không chấp nhận được. Thêm nữa, từ mép rừng phòng hộ trở ra biển là bãi tự nhiên, UBND tỉnh không giao FLC quản lý. Việc FLC không cho ngư dân vào khu vực này là triệt kế sinh nhai của ngư dân. Hoạt động khai thác thuỷ sản của người dân (từ bao đời nay trên vùng biển này) không hề ảnh hưởng gì tới hoạt động của FLC nên việc FLC cho bảo vệ ra xua đuổi, ngăn cấm ngư dân đưa tàu ra đánh bắt là sai. Việc làm này phải bị lên án để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.

Tôi cũng đã gọi điện cho các anh lãnh đạo tỉnh và các anh cho biết đang họp để giải quyết vụ việc, nếu FLC đã sai thì phải sửa. Do vậy, bà con ngư dân cần hết sức bình tĩnh, không được đẩy sự việc đi quá xa, phải ôn hoà đừng có hành vi manh động, vi phạm pháp luật, hãy đợi kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh.

Chúng tôi sẽ lên tiếng vì quyền lợi chính đáng của bà con ngư dân.

Ngọc Thọ (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem