Theo TS. Nguyễn Chu Hồi, câu chuyện người dân Thanh Hóa kéo nhau lên UBND tỉnh phản đối Tập đoàn FLC vì cấm không cho họ khai thác thủy sản, đánh bắt gần bờ, không cho ngươi dân neo đậu tàu thuyền chính là xung đột không gian biển.
Điểm yếu nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu quy hoạch không gian. Nếu có quy hoạch không gian biển chắc chắn sẽ giúp điều chỉnh và làm giảm đi những xung đột không gian như Thanh Hóa đang vướng phải.
Các nước trên thế giới đều có quy hoạch không gian rất cụ thể và ngay nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc cũng bắt kịp với xu thế của thế giới rất nhanh. Hiện ở Trung Quốc, Nhà nước chỉ còn quản lý quy hoạch không gian, bao gồm: Phân ra vùng nào là khu đô thị, vùng nào xây dựng nghĩa trang, vùng nào khu công nghiệp, vùng nào giành đất cho cấy lúa…trong vòng 20 năm và tầm nhìn 50 năm. Căn cứ vào các quy hoạch không gian đó, các bộ ngành và địa phương sẽ có quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực.
Còn ở Việt Nam, hiện nay Dự thảo Luật quy hoạch của Bộ KH-ĐT đang xây dựng cũng đã và đang hướng theo quy hoạch không gian như các nước trên thế giới nhưng lại vướng phải nhiều quan điểm trái chiều nên chưa biết bao giờ mới có quy hoạch không gian.
TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng, quy hoạch không gian là phải đi trước sự phát triển còn hiện nay, ở Thanh Hóa mâu thuẫn đã xảy ra rồi sẽ rất khó giải quyết vì nó liên quan tới lợi ích của các bên liên quan. Người dân, trực tiếp là cộng đồng sinh sống tại không gian đó thì mất đi không gian ven biển, mất đi lợi ích bao đời của họ tại không gian đó.
Để giải quyết xung đột về không gian biển hiện nay có thể căn cứ vào Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015. Luật này đã có quy định rất rõ ràng và cụ thể về hành lang an toàn. Hành lang này giống như “vạch đỏ” để bảo vệ vùng thủy chiều ven biển và điều chỉnh các công trình xây dựng ven biển. Tuy nhiên, hiện Luật này cũng chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn triển khai nên hầu hết các địa phương vẫn đang gặp khó khăn.
“Trong trường hợp công trình của Tập đoàn FLC nếu xây dựng khi Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 đã ban hành thì cứ căn cứ vào Luật này để xem xét và xử lý. Nếu các công trình xây trước khi có Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 thì hướng xử lý cũng cần phải hài hòa cho cả đôi bên”, TS. Nguyễn Chu Hồi nói.
TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng, nếu trường hợp Tập đoàn FLC đã xây dựng khu du lịch trước cả Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 thì có hai phương án giải quyết: Thứ nhất là phải phân vùng lại thật rõ ràng: Vừa có khu vực tham quan, du lịch nhưng cũng vừa có khu khai thác, đánh bắt cá, neo đậu tầu thuyền cho người dân…Tức là phải đàm phán phân lại không gian vùng còn lại cho hợp lý và hài hòa cả đôi bên. Ngoài ra, chính quyền địa phương và bản thân doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân khu vực có xung đột về không gian biển.
Cũng theo TS. Nguyễn Chu Hồi, hiện ông đang “chắp bút” cho một Đề tài Quy hoạch không gian biển với sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài để triển khai thí điểm ở 8 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…Dự kiến từ 8 tỉnh làm thí điểm sẽ cụ thể hóa và kiến nghị đưa quy định không gian biển vào Luật quy hoạch của Bộ kế hoạch và đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.