Theo Lao Động
Thứ bảy, ngày 20/05/2023 22:45 PM (GMT+7)
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho biết A05 đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an xây dựng mạng lưới đầu mối thường trực trên cả nước; triển khai nhiều biện pháp cụ thể.
Đại tá Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Phòng 7, Cục A05 cho biết: A05 đã tiếp nhận thông tin từ Tổng đài 111; xác minh ban đầu và điều phối công an địa phương xử lí nhiều vụ, việc đối tượng thông qua môi trường mạng dụ dỗ, xâm hại tình dục trẻ em, xâm phạm quyền trẻ em.
Ngày 14.4.2023, A05 đã tiếp nhận thông tin từ Tổng đài Quốc gia 111 về trường hợp học sinh lớp 10 tại phường Tân Bình, Tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, bị "bạo lực tinh thần trên mạng".
Mới đây nhất, ngày 22.4.2023, A05 tiếp nhận thông tin từ Tổng đài Quốc gia 111 về trường hợp một em nữ (sinh năm 2009, 14 tuổi, trú tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) bị một đối tượng sinh năm 2000 trên mạng làm quen, đến nhà chơi và xâm hại tình dục.
A05 đã thông tin đến Công an TP. Hà Nội, chỉ đạo Công an quận Hà Đông tiếp xúc bị hại, động viên gia đình viết đơn trình báo đến cơ quan chức năng. Hiện Công an quận Hà Đông đã khởi tố vụ án, khởi tố 1 đối tượng về hành vi "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi".
Theo đại tá Quân, trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc A05 tiếp nhận thông qua Tổng đài Quốc gia 111.
A05 đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo thiết lập, xây dựng mạng lưới đầu mối thường trực trên cả nước tại 5 Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an; Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cơ quan Cảnh sát Điều tra các quận, huyện, thành phố trực thuộc.
Tổng số hơn 850 đầu mối là cán bộ trinh sát, cán bộ điều tra trên cả nước với một số nhiệm vụ cụ thể: Phối hợp tiếp nhận, xử lý các vụ, việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; báo cáo thông tin, số liệu công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Phối hợp tham mưu triển khai Quy chế phối hợp liên ngành với các đơn vị cùng cấp của Bộ LĐTBXH, Bộ TTTT tại địa phương.
Tham gia, phát huy vai trò tích cực trong Thành viên "Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng". Xây dựng nhiều quy trình công tác, văn bản phục vụ tập huấn, hướng dẫn về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, Công an cấp tỉnh, cấp huyện tích cực phối hợp với các bộ phận, đơn vị cùng cấp của Bộ LĐTBXH, Bộ TTTT triển khai nhiều mặt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tình trạng bạo lực đối với trẻ em năm 2022 gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022.
Theo đánh giá của Tổng đại điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến. Trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.