Bắt “cỗ máy xử lý rác thải” đẻ con nhung nhúc, anh nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu giàu hẳn lên
Bắt “cỗ máy xử lý rác thải” đẻ con nhung nhúc, anh nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu giàu hẳn lên
Trần Đáng
Thứ bảy, ngày 08/04/2023 05:44 AM (GMT+7)
Đối diện với giá thức ăn gia chăn nuôi tăng chóng mặt, trong khi giá vật nuôi giậm chân tại chỗ, anh Lê Minh Hiếu (xã Long Phước, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) quyết định nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn cho cá, và bất ngờ thắng lớn.
Theo anh Hiếu, ruồi lính đen là loài côn trùng phàm ăn, được ví như những "cỗ máy xử lý rác thải".
Sản phẩm cuối cùng khi nuôi ruồi lính đen là ấu trùng. Đem ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi, trong đó có nuôi cá vừa giảm chi phí thức ăn, vừa bổ sung nguồn đạm cao, giúp vật cá lớn nhanh như thổi.
Nuôi ruồi lính đen bằng "chế phẩm nhà làm"
Vốn ấp ủ tìm nguồn thức ăn mới hiệu quả, giá thành thấp để chăn nuôi gia cầm, thủy sản, nên khi biết ở An Giang có mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn chăn nuôi, anh Hiếu lập tức tìm đến học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm.
Sau khi nắm được quy trình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng, anh Hiếu đặt mua trứng mang về ấp nuôi sinh khối.
Trên diện tích 4.500m2 của khu vườn, anh Hiếu dành riêng 200m2 xây khu nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng. Phần diện tích còn lại, anh phân làm khu chăn nuôi gia cầm, khu chế biến nguyên liệu, kho chứa thức ăn, khu nuôi ruồi bố mẹ sinh sản, ao nuôi cá.
Anh Hiếu chia sẻ lần đầu do mới vào nghề, ít kinh nghiệm, non tay nên lượng ấu trùng thu được khá ít. Tuy nhiên, anh nhận thấy ấu trùng ruồi dễ nuôi, nguồn thức ăn cho chúng lại dễ kiếm.
Anh Hiếu cũng nhận thấy, nuôi ấu trùng ruồi lính đen theo phương pháp khô là dùng bã đậu, phế phẩm chăn nuôi làm thức ăn cho ấu trùng ít hiệu quả. Đặc biệt, nuôi ruồi lính đen theo cách này dễ phát tán mùi hôi ra môi trường.
Thế là, anh Hiếu chuyển sang tự nghiên cứu cách nuôi ruồi lính đen trong môi trường lỏng bằng hỗn hợp, gồm bã đậu nành thu mua từ nhà máy rồi ủ với mật mía và men vi sinh, để khử mùi hôi, ức chế vi khuẩn có hại tạo môi trường có lợi cho ấu trùng mà không gây ô nhiễm môi trường.
"Sau 3 ngày ấp, trứng ruồi lính đen sẽ nở thành ấu trùng. Ấu trùng cho vào môi trường vi sinh nuôi thêm hơn 1 tuần nữa sẽ có ấu trùng ruồi lính đen thương phẩm", anh Hiếu thổ lộ.
Nuôi ruồi lính đen lợi cả đôi đường
Hiện, theo anh Hiếu, trứng ruồi lính đen anh không phải nhập nữa. Với quy trình khép kín tại trang trại nên lúc nào trại cũng có trứng để ấp lấy ấu trùng.
"Nuôi ấu trùng trưởng thành để sinh sản nhân giống thì sử dụng hỗn hợp dịch thủy phân cá tạp tại địa phương. Giá thành mỗi kg thức ăn cho ấu trùng không quá 2.500 đồng", anh Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu cho biết thêm với cách nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng này, thì chu kỳ 12 ngày từ 100gram trứng thu được khoảng 300kg sinh khối ấu trùng. Mỗi đợt nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng, trại của anh thu khoảng 1.500kg ấu trùng ruồi lính đen. Mỗi tháng, anh Hiếu nuôi luân phiên 3 đợt.
"Ruồi lính đen dễ nuôi, ấu trùng phát triển nhanh, sinh khối lớn, vòng đời ngắn. Ấu trùng 10 - 12 ngày là có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản", anh Hiếu bộc bạch.
Ấu trùng ruồi lính đen có thể cho gia súc, gia cầm ăn tươi, hoặc sấy khô, phối trộn với các chất dinh dưỡng khác làm thức ăn cho vật nuôi.
Theo anh Hiếu, việc nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn cho vật nuôi, giúp trang trại của anh giảm đáng kể dịch bệnh trên vật nuôi, tiết kiệm chi phí thức ăn và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi.
"Tốc độ tăng trưởng của gia cầm và cá rất nhanh ăn đứt dùng cám công nghiệp. Chất lượng thịt vịt, cá rất thơm, ngon", anh Hiếu nhận xét.
Theo Hội Nông dân xã Long Phước, mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn chăn của anh Hiếu khá hiệu quả kinh tế, như: Giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi, tạo lợi nhuận tốt hơn cho nông dân…
Nghiên cứu cho thấy, ấu trùng của ruồi lính đen hay còn gọi sâu canxi là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Thành phần của ấu trùng ruồi lính đen, gồm: 42% protein, 34% chất béo…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.