Bật mí nguyên nhân mất tích của thủ lĩnh Taliban

Thứ tư, ngày 15/09/2021 07:46 AM (GMT+7)
Các quan chức cấp cao Taliban đã chia sẻ với BBC rằng một cuộc tranh cãi lớn đã nổ ra giữa các nhà lãnh đạo về việc thành lập chính phủ mới của nhóm này ở Afghanistan.
Bình luận 0
Bật mí nguyên nhân sự biến mất của nhà lãnh đạo cấp cao Taliban - Ảnh 1.

Mullah Abdul Ghani Baradar thay mặt cho Taliban, ký thỏa thuận Doha với Mỹ về việc rút quân. Ảnh: BBC

Taliban cho biết cuộc tranh cãi giữa người đồng sáng lập nhóm Mullah Abdul Ghani Baradar và một thành viên nội các diễn ra tại dinh tổng thống.

Trong những ngày gần đây, đã có những báo cáo chưa được xác nhận về các bất đồng trong giới lãnh đạo của Taliban kể từ khi ông Baradar biến mất. Tuy nhiên sau đó, những báo cáo này đã chính thức bị phủ nhận.

Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng trước, kể từ đó họ tuyên bố nước này là "Các tiểu vương quốc Hồi giáo". Nội các lâm thời mới hoàn toàn là nam giới và bao gồm các nhân vật cấp cao của Taliban, một số người từng rất nổi tiếng với các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ.

Một nguồn tin của Taliban nói với BBC Pashto rằng ông Baradar và Khalil ur-Rahman Haqqani - Bộ trưởng phụ trách người tị nạn và là một nhân vật nổi tiếng trong mạng lưới Haqqani - đã trao đổi với nhau bằng những lời lẽ hết sức gay gắt.

Một thành viên cấp cao của Taliban có trụ sở tại Qatar cũng xác nhận rằng một cuộc tranh cãi đã diễn ra vào cuối tuần trước.

Các nguồn tin cho biết cuộc tranh cãi nổ ra vì ông Baradar, tân phó thủ tướng, không hài lòng về cơ cấu chính phủ lâm thời của họ. Đồng thời, người ta cũng nói rằng tranh cãi bắt nguồn từ sự chia rẽ về việc ai trong Taliban nên được ghi công cho chiến thắng ở Afghanistan.

Trong khi ông Baradar tin rằng hoạt động ngoại giao do những người như ông thực hiện là yếu tố then chốt, thì các thành viên của nhóm Haqqani - được điều hành bởi một trong những nhân vật cấp cao nhất của Taliban - và những người ủng hộ họ nói rằng chiến thắng này đạt được thông qua chiến đấu.

Baradar là thủ lĩnh Taliban đầu tiên liên lạc trực tiếp với một tổng thống Mỹ, ông đã có một cuộc điện đàm với Donald Trump vào năm 2020. Trước đó, ông từng thay mặt cho Taliban ký thỏa thuận Doha về việc rút quân của Mỹ.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, mạng lưới Haqqani hùng mạnh được cho là đứng sau một số vụ tấn công bạo lực nhất từng xảy ra ở Afghanistan chống lại các lực lượng chính quy nước này cũng như các đồng minh phương Tây. Nhóm này bị Mỹ chỉ định là tổ chức khủng bố.

Lãnh đạo của nhóm, Sirajuddin Haqqani, là bộ trưởng nội vụ trong chính phủ mới.

Cuối tuần trước, ông Baradar - một trong những gương mặt nổi tiếng nhất của Taliban – đã biến mất sau một vụ nổ. Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng ông có thể đã chết.

Các nguồn tin của Taliban nói với BBC rằng ông Baradar đã rời Kabul và đến thành phố Kandahar sau vụ việc trên.

Trong một đoạn băng ghi âm có chủ đích của ông Baradar được đăng tải hôm 14/9, người đồng sáng lập Taliban cho biết ông đã "đi công tác xa".

"Dù tôi ở đâu vào lúc này, chúng ta vẫn đang ổn", ông nói.

Bật mí nguyên nhân sự biến mất của nhà lãnh đạo cấp cao Taliban - Ảnh 3.

Có nhiều đồn đoán cho rằng ông Baradar hiện đã chết. Ảnh: Reuters

Taliban khẳng định rằng không có tranh cãi nào và ông Baradar vẫn an toàn, tuy nhiên họ cũng đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn về những gì Baradar hiện đang làm. Một phát ngôn viên cho biết ông Baradar đã đến Kandahar để gặp thủ lĩnh tối cao của Taliban, nhưng sau đó nói với BBC Pashto rằng ông "mệt và muốn nghỉ ngơi một chút".

Nhiều người Afghanistan sẽ cảm thấy họ có lý do chính đáng để nghi ngờ lời nói của Taliban.

Các nguồn tin cho biết ông Baradar dự kiến trở lại Kabul và có thể sẽ xuất hiện trước truyền thông để phủ nhận rằng bất kỳ cuộc tranh cãi nào đã xảy ra.

Người ta vẫn còn thắc mắc về chỉ huy tối cao của Taliban, Hibatullah Akhundzada, người chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng. Được biết, ông phụ trách các vấn đề chính trị, quân sự và tôn giáo của Taliban.

Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan hôm 15/9 đã kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động viện trợ, nói thêm rằng cộng đồng quốc tế không nên chính trị hóa sự trợ giúp của họ.

Afghanistan đã được cam kết viện trợ hơn 1 tỷ đô la (720 triệu bảng Anh) vào hôm 14/9, sau cảnh báo của Liên Hợp Quốc về một "thảm họa đang rình rập".

Lê Phương (BBC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem