Bát ngát trăng ngân...

Thứ năm, ngày 03/02/2011 09:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bài thơ tứ tuyệt lấy cảm hứng từ một đêm trăng rằm, khi vầng trăng đang ở vào độ tròn đầy, viên mãn nhất. Đó lại là một đêm trăng tròn tháng Giêng - tháng của mùa xuân, khi không khí và cảnh sắc thiên nhiên đang tràn đầy sức xuân.
Bình luận 0

Trong chiến dịch thu đông 1947, giặc Pháp tập trung lực lượng tấn công ta nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến. Ngay sau chiến dịch này, năm 1948 Bác sáng tác bài thơ "Nguyên tiêu" ("Rằm tháng giêng"), với lời thơ thanh thản, điềm tĩnh và chất lãng mạn ngập tràn cảm xúc.

img
Bác Hồ đi công tác ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Đinh Đăng Định

NGUYÊN TIÊU

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Bản dịch của Xuân Thủy:

RẰM THÁNG GIÊNG

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Cảnh vật như được soi chiếu và bao phủ bởi ánh trăng xanh mát, huyền hoặc. Đất trời sông nước giao hoà tràn ngập sắc xuân. Mùa xuân kết liền mặt nước và bầu trời. Mùa xuân đang chuyển động chứ không tĩnh lặng.

Dòng sông xuân là cái hữu hạn, trời xuân là cái vô hạn. Sự tiếp nối hữu hạn và vô hạn đã làm cho không gian thơ mở rộng không cùng, khiến cho hình ảnh thơ càng thêm bát ngát. Bên cạnh cảm hứng về thiên nhiên còn là cảm hứng về vận mệnh của đất nước - nguồn cảm hứng chủ đạo bao trùm hàng loạt sáng tác thơ ca của Người.

Câu thơ thứ ba: Yên ba thâm xứ đàm quân sự là tâm điểm của bài thơ, thể hiện tư thế và tâm hồn nhà thơ Hồ Chí Minh, người lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trong thơ Bác luôn thao thức một tấm lòng lo nước, thương dân. Đó là một tình cảm thường trực ở mọi lúc, mọi nơi. Khi ở trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch ("Không ngủ được"), khi trong ngôi nhà sàn giữa núi rừng Việt Bắc ("Cảnh khuya"), khi trên một chiếc thuyền nan giữa dòng sông Đáy ("Đi thuyền trên sông Đáy")....

img
Sông Phó Đáy (Tuyên Quang), gắn liền với sự ra đời bài thơ "Nguyên tiêu" của Bác Hồ. Ảnh: Lê Hữu Thọ

Và giờ đây, giữa cảnh đất trời sông nước đầy trăng như thế, ba chữ đàm quân sự đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của một nhà cách mạng hành động. Thơ đến với trăng, với mùa xuân, với sông nước và cũng đến với cả những công việc "khô khan" nhất - bàn bạc việc quân. Đó cũng là một khía cạnh độc đáo trong thơ Hồ Chủ Tịch. Người đã biến những sự vật bình thường thành chất thơ của cuộc sống.

Con thuyền đi trong đêm để bàn việc quân, việc nước, nửa đêm trở về đầy ánh trăng đẹp của thiên nhiên hữu tình và niềm vui trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng. Cái mơ và cái thực hoà chung trong vẻ đẹp lung linh của một tâm hồn lớn.

Thiên nhiên ở đây được cảm thụ theo tinh thần "thiên nhân nhất thể"; thiên nhiên là bầu bạn, là nơi gửi gắm tâm sự và thể hiện cốt cách nhà thơ. Nhân vật trữ tình trong quan hệ với thiên nhiên, luôn luôn ở vị trí chủ thể. Điều này khác với thơ cổ, ở đó thiên nhiên luôn đóng vai trò chủ thể.

Bài thơ "Nguyên tiêu" là một sự hài hoà tuyệt đẹp về nhiều mặt. Hài hoà giữa bút pháp cổ điển và hiện đại. Hài hoà giữa con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ trong con người Hồ Chí Minh. Có thể coi đây là một trong những bài thơ hay nhất của Bác, ra đời trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc khó khăn, gian khổ nhưng tràn đầy niềm lạc quan cách mạng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem