Bắt ruộng lúa “đẻ” thêm tiền

Thứ tư, ngày 10/07/2013 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Trần Văn Huynh (ấp 7 xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) trồng lúa theo tập quán cũ, để lúa giống của vụ trước làm cho vụ sau, việc sạ lúa cứ theo phương pháp sạ thưa rồi cấy giặm. Vì vậy, vừa tốn kém chi phí mà năng suất lại không cao.
Bình luận 0

Khoảng 6 năm trở lại đây, ông đã thử nghiệm trồng giống OM 4900, sau đó thấy hiệu quả nên chuyển toàn bộ diện tích 45 công đất ruộng canh tác lúa giống cao sản cho đến nay. Lúc đầu địa phương không có giống nguyên chủng như bây giờ nên ông phải lên tận tỉnh An Giang để mua lúa giống về sản xuất. Qua thời gian cho thấy, lúa sản xuất giống chất lượng cao cho lợi nhuận gần gấp đôi lúa hàng hóa. Để thuận tiện trong canh tác, gia đình ông đã đầu tư mua cả máy xới, máy suốt và làm lò sấy, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giúp giảm thất thoát sau thu hoạch.

Không dừng ở đó, ông còn bắt mảnh ruộng của mình “đẻ” thêm tiền khi tận dụng ruộng lúa vụ hè thu để thả kết hợp nuôi nhiều loại cá như sặc rằn, mè vinh, rô phi... Còn những đụn rơm sau thu hoạch, thời gian rảnh, ông cùng với các con còn tranh thủ trồng thêm nấm rơm. Sau khi trừ chi phí thì khoản lãi từ làm lúa, nuôi cá và trồng nấm rơm trên 150 triệu đồng/năm.

Khi trạm khuyến nông huyện phát động phong trào “ruộng lúa – bờ hoa”, ông Huynh lại nảy ra sáng kiến trồng dưa hấu thay hoa trên các bờ mẫu ruộng, vừa xua đuổi sâu rầy, vừa đẹp mắt, lại có thêm thu nhập gần chục triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Huynh còn là chi hội trưởng có nhiều đóng góp tích cực cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của địa phương. Điển hình là trước đây, nông dân trong ấp đa phần đều sử dụng giống lúa thường, khi sạ thì sạ thưa. Ông đã tích cực vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi giống, thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm,”. Những hộ ít hoặc không có đất thì ông hướng dẫn xây dựng mô hình làm ăn thích hợp. Đến nay, địa bàn ấp 7 xã Vị Thắng có 100% hộ dân sản xuất lúa theo chương trình “3 giảm, 3 tăng” và cả khu vực này đều được gieo sạ giống chất lượng cao, thu nhập tăng lên đáng kể.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vị Thắng - ông Nguyễn Văn Sum đánh giá: “Ông Huynh là người có công đầu trong đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân trong địa phương. Mô hình làm lúa chất lượng cao và trồng hoa sinh thái không chỉ là mô hình điểm của xã mà còn được nhiều nơi trong huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem