Hơn mười sáu tháng nữa, vào ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 trong năm 2020, ở nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử tổng thống mới. Nước Mỹ cứ 4 năm một lần lại như thế. Ở phía Đảng Cộng hoà Mỹ, tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và một người nữa đã chính thức ứng cử. Ông Trump được coi là sáng giá nhất và người thứ hai kia không được tin là có chút cơ may thắng cử nào. Ở phe Đảng Dân chủ hiện có tới 20 ứng cử viên với cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden được coi là ứng cử viên sáng giá nhất. Ông Biden hơn ông Trump 3 tuổi và hiện cũng bỏ xa ông Trump trong kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ về mức độ tín nhiệm.
Thăm dò dư luận là một chuyện, bầu cử tổng thống lại là chuyện khác ở nước Mỹ. Lần bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đa số thăm dò dư luận đều dự đoán bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sẽ đắc cử nhưng kết quả cuối cùng lại là phần thắng thuộc về ông Trump.
Tổng thống Mỹ Trump.
Trong khi ở phía Đảng Cộng hoà Mỹ cuộc vận động tranh cử tổng thống tuy đã chính thức bắt đầu nhưng chưa hề sôi động thì ở phía Đảng Dân chủ đã có 2 lần tranh luận giữa các ứng cử viên trên truyền hình. Bên ngoài có thể dễ dàng nhận thấy qua đó là họ càng tranh luận với nhau thì lại càng chứng tỏ chẳng ai trong số các ứng cử viên ấy có thể đánh bại được ông Trump trong cuộc đua quyền lực này mà ông Trump lại chẳng cần phải làm gì nhiều.
Từ giác độ của thời điểm hiện tại mà nói thì triển vọng tái đắc cử tổng thống của ông Trump trong năm 2020 là rất sáng sủa. Chủ yếu bởi những lý do sau đây.
Thứ nhất, những chỉ số về tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện rất thuận cho ông Trump. Đành rằng nước Mỹ hiện tại trên cả hai phương diện này chỉ khá khẩm hơn rất ít so với ở cuối thời kỳ cầm quyền của ông Barack Obama nhưng cử tri Mỹ thường coi những thực trạng tích cực ấy là thành quả cầm quyền của người đương nhiệm. Những gì ông Trump đã làm trong chính sách đối ngoại đến nay đều khiến cử tri Mỹ hài lòng hơn hẳn không đồng tình, cho dù thế giới bên ngoài bất bình và đồng minh cũng như đối tác của Mỹ hậm hực.
Thứ hai, ứng cử viên là tổng thống đương nhiệm thường có được lợi thế đặc biệt. Ông Trump không chỉ không có kỳ phùng địch thủ chính trị trong Đảng Cộng hoà mà còn đã thành công với việc bắt đảng này nghe theo mình và phục vụ cho cả chuyện cầm quyền cũng như tham vọng quyền lực của mình. Trong khi ấy, Đảng Dân chủ phân hoá nội bộ sâu sắc. Chỉ riêng việc đảng này hiện có quá nhiều ứng cử viên tổng thống đến như vậy cũng đủ để cho thấy đảng này đang tự làm suy yếu chính nó trong khi lẽ ra cần phải đoàn kết thống nhất nội bộ để tranh giành Nhà Trắng với ông Trump. Càng huynh đệ tương tàn như thế, đảng này càng bị suy yếu thêm và ông Trump càng yên ổn trong tình thế có thể dùng sức nhàn đấu sức mỏi.
Thứ ba, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ đến nay cho thấy quan điểm của các ứng cử viên trong cương lĩnh tranh cử của họ thiên lệch rất rõ ràng về phía tả mà nước Mỹ kể từ khi lập quốc đến nay đều luôn rất bất lợi, nếu như không muốn nói luôn đối kháng và thù địch với cánh tả. Bản thân ông Trump ngay từ lần vận động tranh cử trước đã ở thái cực chính trị ngược lại là cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa. Chiều hướng chính trị này vẫn đang thịnh trị ở nước Mỹ nên những cương lĩnh tranh cử tổng thống với quan điểm chính sách thiên tả khó lòng có thể xoay chuyển được tình thế.
Thứ tư, ông Trump tuy không được đa số cử tri Mỹ ủng hộ nhưng về cơ bản vẫn tranh thủ được bộ phận cử tri đã bỏ phiếu bầu mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ở nước Mỹ, không phải đa số phiếu bầu phổ thông mà đa số đại cử tri quyết định ứng cử viên nào đắc cử tổng thống.
Cho nên có thể nói rằng ông Trump hiện tại ở trong tình trạng may hơn khôn hoặc thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Nhưng 16 tháng là thời gian đủ dài cho tình trạng này bị thay đổi bởi những tác động khách quan cũng như những kết quả cầm quyền của chính ông Trump trong thời gian tới. Điều hiện tại còn chắc chắn nhưng rồi đây có thể tiếp tục và cũng có thể không còn được như vậy nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.