Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý II.2016 của HAGL, 6 tháng đầu năm công ty này đã chi 5.873 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi ngân hàng. Theo đó, nợ vay ngân hàng của Bầu Đức giảm còn 26.683 tỷ đồng, trong đó, có 10.212 tỷ đồng nợ đến hạn phải trả, tăng thêm 1.915 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng thêm là do khoản vay trái phiếu đến hạn phải trả tăng thêm 1.632 tỷ đồng, từ 2.803 tỷ đồng lên 4.435 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm HAGL đã trả nợ cho BIDV được 959 tỷ đồng tiền gốc và lãi, theo đó, khoản nợ đã giảm từ 10.664 tỷ đồng xuống còn 9.705 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Bầu Đức đã chi 5.873 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng
Trả nợ cho Sacombank là 734 tỷ đồng, khoản nợ giảm từ 1.658 tỷ đồng xuống còn 924 tỷ đồng. Trả nợ cho HDBank 1.080 tỷ đồng, khoản nợ giảm từ 2.236 tỷ đồng xuống còn 1.156 tỷ đồng. Trả cho Eximbank 827 tỷ đồng, khoản nợ giảm từ 3.955 tỷ đồng xuống còn 3.128 tỷ đồng. Trả cho VPBank là 2.200 tỷ đồng, khoản nợ giảm từ 2.800 tỷ đồng xuống còn 600 tỷ đồng, đây là khoản vay dài hạn bằng trái phiếu và đến 17.12.2018 mới đến hạn phải trả. Trả cho ngân hàng liên doanh Việt Lào là 73 tỷ đồng…
Tuy nhiên, còn nhiều khoản vay nợ khác, nên tổng nợ vay phải trả của HAGL tính đến cuối tháng 6 là 33.605 tỷ đồng, giảm 494 tỷ đồng so với cuối tháng 3.2016, chiếm 64,5% nguồn vốn.
Mặc dù lỗ lớn trong quý II, nhưng báo cáo tài chính của HAGL cho thấy lợi nhuận chưa phân phối đến cuối quý vẫn còn 1.888 tỷ đồng, tương đương 24% vốn điều lệ và 1.424 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, trong đó, tiền gửi ngân hàng là 1.406 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý II cũng cho thấy riêng trong quý II, doanh thu tăng nhẹ 2,1% lên 2.028 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp đã sụt giảm mạnh từ 43% xuống còn 15,5%. Lợi nhuận gộp vì thế giảm 63%, còn 315 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ mảng chăn nuôi bò. Đây cũng là hoạt động mang về nguồn doanh thu lớn nhất cho HAGL. Tuy nhiên, lãi gộp từ mảng này chỉ vỏn vẹn 80 tỷ đồng. Biên lãi gộp sụt giảm từ 37,7% xuống còn 8,22%.
Trong khi đó, mảng kinh doanh mang về lãi gộp lớn nhất lại là hoạt động bất động sản đầu tư (cho thuê BĐS, khách sạn,..). Dự án cao ốc văn phòng tại Myanmar đã cho thuê được 60%, trung tâm thương mại cho thuê được 95%. Dự án khách sạn 5 sao đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8.2016.
Doanh thu tài chính giảm dù lãi cho vay các công ty khác tăng 42% so với cùng kỳ nhưng lãi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái không còn cao như trước. Đáng chú ý, chi phí lãi vay thì tăng đột biến gấp đôi, lên hơn 500 tỷ đồng. Tổng lãi vay phải trả trong 6 tháng đầu năm lên tới 1.248 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, HAG đạt doanh thu hợp nhất 3,658 tỷ đồng và chịu lỗ ròng 838.5 tỷ đồng.
Cùng với đó, HAGL còn chịu lỗ khác gần 942 tỷ đồng, trong đó lỗ thanh lý tài sản hơn 397 tỷ đồng và lỗ từ đánh giá lại các tài sản không hiệu quả gần 530 tỷ đồng.
Hiện HAGL đang có 39 công ty con và 2 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực BĐS, nông nghiệp, thủy điện , khai khoáng, xây dựng.
Được biết trong kỳ, HAGL đã bán vốn chủ sở hữu trong CTCP Khoáng sản HAGL, Thủy điện HAGL, và HAGL Mê Kông với giá 860,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền này vẫn chưa được chi trả và ghi nhận tại khoản phải thu từ thanh lý các khoản đầu tư.
Báo cáo tài chính quý II cho thấy, tổng tài sản của HAGL đến cuối quý II.2016 đạt 51.175 tỷ đồng, tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Cùng đó, tài sản vô hình cũng tăng mạnh so với đầu năm nhờ việc bổ sung thêm 1.258 tỷ đồng quyền sử dụng đất. Trong khi đó, giá trị hàng tồn kho cuối kỳ của HAGL lại giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 2.587 tỷ đồng. Chi phí nuôi bò chiếm 1/3 giá trị tồn kho, giảm 570 tỷ đồng so với đầu năm.
Từ báo cáo tài chính quý II cho thấy, HAGL vẫn có khả năng trả nợ, tài sản và tiền mặt vẫn tăng lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.