Bên chung trà, nhấm nháp kẹo đậu phụng xứ Quảng

Bài, ảnh: Thái Mỹ Thứ bảy, ngày 19/03/2016 07:00 AM (GMT+7)
Không biết kẹo đậu phụng có từ bao giờ ở xứ Quảng, nhưng từ thuở nhỏ tôi đã biết ăn thứ kẹo mộc mạc, chân chất… quê này rồi.
Bình luận 0

Nhớ ngày ấy cuối xuân, mới chớm sang hè mà tu hú kêu đến não nuột. Chỉ khi thấy đom đóm lập loè trong vườn, tôi mới sực nhớ là đến mùa thu hoạch đậu phụng rồi.Vì đó là khi tôi lại được theo mẹ ra đám thổ ở bãi bồi ven sông Thu Bồn nhổ đậu giúp gia đình và chờ mong ăn kẹo.

img

Đậu phụng hạt sống đợi nước đường sôi đổ vào nồi để làm kẹo.

Hái đậu phụng cũng nhẹ nhàng nên sau khi bó đậu bằng lạt tre, mẹ  gánh về đổ trước sân, tôi lao vào hái đậu. Tối đến, dưới ánh trăng lờ mờ, đám trẻ chúng tôi chụm đầu bên rổ đậu phụng đầu mùa đã luộc, ăn ngon lành. Sớm hôm sau, những mủng đậu phụng tươi được đổ ra trải đều trên các nong phơi dưới cái nắng chói chang.

Hồi đó vật chất ở vùng nông thôn còn bề bộn khó khăn, thiếu thốn nên nhà nào cũng phải có nồi đậu phụng nấu trong ngày đầu tiên nhổ đậu gánh về nhà cho trẻ con ăn. Nếu nhà khá giả hơn đôi chút thì đậu phụng khô không chỉ dùng để ép dầu phụng bán, chỉ để lại năm, mười lít thay mỡ chiên, nấu thức ăn trong gia đình mà còn làm kẹo đậu phụng.

img

Mặt trên của kẹo đậu phụng được rắc đều mè rang.

Kẹo đậu phụng là loại kẹo đặc trưng của Quảng Nam, được chính những người nông dân chân lấm tay bùn làm ra. Tháng Ba vừa rồi về quê đúng dịp nhổ đậu, mẹ xúc rổ đậu rồi bảo: “Mi bóc vỏ đậu đi để mẹ làm kẹo mang ra cho con bé. Nó thích kẹo ni lắm đó”. Chẳng mấy chốc đậu đã lột xong, bà lấy bát đường (dân Quảng gọi là táng đường), dùng chày giã tiêu đập nhỏ cho vào nồi, đổ nước xâm xấp đặt lên bếp lửa hừng hực.

Nước sôi, bà dùng cặp đũa bếp khuấy đều cho đường cục tan, cắt quả chanh vắt chung với nước đường rồi đổ rá đậu phụng hạt vào; tiếp tục trộn cho đến khi nghe tiếng nổ tý tách của đậu thì nồi nước đường đã trở thành chất lỏng deo dẻo sẫm màu đen sệt. Nhấc nồi đường ra, đổ nhanh trên mặt chiếc bánh tráng được chuẩn bị sẵn, sau đó rắc đều nhúm mè rang (vừng) lên là coi như đã hoàng thành việc làm kẹo đậu phụng.

img

Phía dưới của kẹo đậu phụng nên không có mè.

Nói thì dễ như thế, song làm thứ kẹo này tuy không đòi hỏi kỹ thuật gì ghê gớm nhưng phải quen tay. Chẳng hạn như phải ước lượng mức nước và đường sao cho phù hợp với nhu cầu đổ kẹo, nếu ít nước quá sẽ bị cháy đường, hoặc ngược lại thì thời gian nấu kéo dài, dễ cháy đậu, đắng như bồ hòn thì chẳng ai thèm đụng tới.

Người có nhiều kinh nghiệm đổ kẹo đậu phụng họ làm rất nhanh, chỉ cần nhìn các bong bóng trong nồi nước đường, đậu đang sôi sùng sục cũng tính ngay được giai đoạn nhấc ra đổ kẹo phù hợp. Sau khi đổ trên bánh tráng, đợi nước đường ngụi dần, heo héo đông kết phải dùng dao cắt ngay từng miếng nhỏ chứ để nó khô thì… bó tay, chỉ còn biết bẻ từng miếng mà ăn, mất thẩm mỹ của kẹo.

Kẹo đậu phụng làm bằng đường kết tinh cũng được, nhưng chắc chắn không thể ngon bằng đường táng quê nhà, thứ đường được bà con nông dân đổ nước mía vào chén sành sứ nấu ngay trên lò ép mía.

Trẻ con xứ Quảng thường ngóng đợi mẹ đi chợ về để được nhóp nhép tấm kẹo đậu phụng truyền thống. Thanh niên, trai tráng trong làng cũng ghiền thứ kẹo dân dã này mỗi khi tề tựu với nhau, cùng nhấm nháp bên tách trà nóng hổi, nhất là những lúc gió mưa, lạnh lẽo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem