Bến khách thương

Thứ hai, ngày 07/02/2011 23:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôi im lâu trước bậc đá xanh vân vi rêu mây. Bến khách thương sông quê cũ. Mềm dịu, dấy lên những nhớ thương không thể gọi tên ẩn trong mỗi phiến đá.
Bình luận 0

Năm hay sáu trăm năm tuổi bến khách thương. Bao kiếp người đã bước lên, bước xuống, sang ngang, ngược nguồn hay xuôi cửa biển. Buồn. Vui. Dãy bậc đá rộng thênh năm tầm chiếu điêu khắc vào bờ sông, hằn lõm dấu chân nông phu, tráng đinh, lính thú, kẻ sĩ, đồ nho của làng. Ba tầm chiếu nghỉ, rộng phẳng, chìm dưới sóng, tương ứng ngấn nước mỗi mùa mưa nắng, giúp người ta thuận tắm giặt, chuyển vận hàng hoá, hoặc đứng ngẩn trông chừng ai đó sang sông...

img
 

Mặt đá xanh bậc bến làm bảng chữ chị cả chấm ngón trỏ viết a, b, c khai mở tâm trí Tôi. Con chữ chị viết liền tay, Tôi đọc không nhanh thì sẽ bị mặt đá xanh nuốt chửng vào màu xanh phai bạc dấu chân người.

Hàng trụ đá chôn dọc bờ sông thắt ngẵng ngang thân vết thừng chão ghìm thuyền. Thuyền buôn hồng hạc, sơn nhựa, dầu chẩu, vôi củ, trâu, bò, dê, ngựa. Rồi sà lan máy đẩy, máy kéo bốc dỡ xi măng, sắt, tấm lợp, lúa gạo, đưa thanh niên nhập lính chiến trận...

Dòng sông vận trình ra với biển hoặc không tới biển đều để lại sau chuyển dịch những phận bến bờ. Bến đời ngỡ ghé tạm hoá ra phút cắm con sào đến cả trăm năm. Mà bến xây cho trăm năm mới chịu áp lực cơn lũ đầu xuân thì lại rỗng sụp ụp xuống rác rều. Bến chờ đợi. Bến hò hẹn. Bến gặp gỡ. Bến chia ly..., diễn tiến bên con nước xa bờ. Mấy độ bừng hoa gạo. Hoa cải nép bên dòng ấy phổ màu một bến sông quen...

Dòng sông - ngôi nhà dài của miền đất, bến sông là cửa ngách, rộng hẹp để con người tuỳ nghi ra, vào, lên, xuống... không phiền đến các phương tiện, hay lễ nghi trịnh trọng khi tiến vào từ cửa chính (cửa biển). Ngôi nhà nhiều cửa ngách thì là ngôi nhà người giàu. Con sông nhiều bến là con sông trù mật.

Đôi khi bến làm nên sông. Nhắc tên bến thì người ta nhớ luôn dòng sông. Và có dòng sông không bến khách thương. Có dòng sông chết, tên bến còn lưu...

Địa mạo Việt - ngăn cách xóm với làng, miền với phố là dọc ngang các dòng sông lớn nhỏ. Người Việt từ núi theo triền sông ra biển. Và lại từ biển theo sông lên núi. Một thôi ngựa, một thôi xe đò xuyên phố thị, làng quê vừa kịp tê mỏi đã thấy mướt mát sông hắt sáng mặt trời. Gặp bến khách thương.

Người Việt thuở lọt lòng đã nghe nao con nước bềnh thuyền nan, đò sắt tay mẹ bồng sang sông thăm ngoại. Cây đa, bến nước - hiển lộ di chỉ văn hoá giúp người Việt xa xứ định vị trong tâm hồn thắp sáng nỗi quê hương. Nhà thơ Việt nào cũng có dăm ba câu thơ sông bến ém bên lòng.

Văn hoá Việt phải chăng là đặc điểm văn hoá của các dòng sông với những biên độ giao thoa của mỗi lưu vực và tầm mức chịu ảnh hưởng dòng chảy của chính nó. Các dòng sông kiến tạo nên diện mạo văn minh lúa nước mà ta vẫn thường ngẩng cao tự nhắc.

Sông ban phù sa tươi nhuần. Cho cơn gió điều hoà. Dâng thuỷ sản dưỡng chất sức khỏe con người. Sông lấn biển mở rộng bước chân, nới xa tầm mắt.

Cơ thể người được điều hoà bởi hệ thống (thuỷ lợi) vận mạch động và tĩnh y như hệ thống sông ngòi trong một quốc gia. Một khi hệ thống "thuỷ lợi" có vấn đề thì con người và quốc gia đều tổn thương sức khoẻ. Mối quan hệ Sông - Người như hai dấu (-) (+). Sông thách thức Người. Người lấn lướt sông. Sông - Người vừa hoà hợp vừa đối kháng.

Từ Lũng Cú tới mũi Cà Mau, mấy ai đã đếm được bao nhiêu sông, bao nhiêu bến mà người đời chỉ ví von sự ba đào trần thế với con số mười hai bến nước. Dù bến hay sông cũng mang dấu ấn thân phận con người... lập bến cho sông.

Với riêng, Tôi có con sông thơ giữa rừng thường xanh nơi khẩn hoang ngạt ngàn hoa dại trắng dòng trong. Bờ cát mật viền cỏ, trái trám chua rụng điểm dấu chân nai. Thuyền bẹ hoa chuối rừng thắm đỏ xuôi đi giấc mơ con trẻ về Thủ đô tháp Rùa, que kem ngũ sắc...

Từ Lũng Cú tới mũi Cà Mau, mấy ai đã đếm được bao nhiêu sông, bao nhiêu bến mà người đời chỉ ví von sự ba đào trần thế với con số mười hai bến nước. Dù bến hay sông cũng mang dấu ấn thân phận con người... lập bến cho sông.

Bè chuối khởi đầu cho chuyến sang lớp học vỡ lòng dưới vòm hoa chẩu. Thân chuối chưa lũa thì đã có bè bương tre ghép và bơi chèo nứa đan. Một ngày rừng động, trai thanh nữ tú ùa vể triệt hạ rừng nguyên sinh, trồng cây lối mới. Sông rừng bỗng khé đỏ trào tuôn như máu xối. Con phà sắt kéo tay chềnh ềnh ngửa mặt sóng ậm ạch đưa đoàn người hừng hực cuốc, rựa sang ngang.

Thượng nguồn sông, có nhà văn bìu ríu vợ con rời Hà Nội tự biến thành nông dân lập trại hy vọng tìm sung khí mới cho văn. Lật cỏ, bứng gốc, làm men, nấu rượu sắn, nuôi lợn, trồng chè, trồng cam, quýt. Lập nên chòm bản gần trăm nông dân gốc Thủ đô bên sông. Khoả thân sông rừng xuyên đêm trăng, ban mai, buổi chiều ông đã hoài tưởng bao nhiêu về sông về người.

Di chúc lập tuổi 50, ông dặn con cháu chôn mình trên mom cao nhìn xuống sông rừng. Gần 40 năm sau, di nguyện của ông được thực thi khi sông rừng kiệt nước hoán thân con suối lổn nhổn sỏi cuội giữa đồi hoang lầm bụi. Một mình ông làm một bến khách thương.

Nhớ, Tôi mỗi lần bám mẹ về làng cũ trông sang sông Đà núi Tản. Vượt ngòi nước cập bến lát bậc đá xanh chảy chia đôi cánh đồng làng, mẹ dừng chân, hạ nón. Bóng đa la đà ngả che sóng. Mẹ kể về những trăm năm. Ông nội xuôi thuyền về Hà Nội nhập học một ngày thu. Bà nội nón thúng quai thao từ làng Thuỷ Trạm cặp mạn thuyền bến khách thương lên bờ mùa nước, nhún trên bậc thềm đá xanh bước qua ngõ cây sung nhận phận làm dâu đất Trại Sơn.

Những con thuyền mang sản vật của Trại Sơn từ đây căng buồm theo sông Hồng ra chới với thẳm xanh biển cả. Nơi đây Thày đã gặp Mẹ trong một buổi mang cơm cho thợ gặt, vận lúa về làng, lúc Thày còn là cậu bé lêu bêu trốn học. Thày Mẹ, nên duyên có bến đá làm chứng như bao nhiêu trai thôn, gái làng bắt đầu từ cái nhìn gặp nhau long lanh nơi sóng vỗ đá xanh.

Ghềnh đá nhô ra sông, miếu nhỏ thờ vong hồn chọn bến khách thương cư ngụ. Trai gái tuyệt tình. Người mất nhà cửa, điền trang. Lính Nhật thất trận rạch bụng. Lính Pháp trúng thuỷ lôi. Thanh niên xung phong dính bom Mỹ trải thảm. Xác trôi vô danh mùa bão. Và những đứa trẻ đuối nước... đều được người qua lại bến khách thương cầu vọng hương hoa...

Bến khách thương, Mẹ đã giặt chiếc chiếu hoa cạp điều sau tuần trăng mật. Mẹ giặt mớ tã vải bông cào hình vuông hình tam giác quấn lót các chị tôi những mấy năm sau. Khi đất trời thay đổi, từ bến khách thương Thày Mẹ dìu chị em tôi sang sông đi đến miền sông mới. Con sông ở giữa rừng già.

Những con sông máu thành con sông hoa.

Những bến sông bom đạn, thành bến sông hò hẹn.

Những bến sông chưa có bến, chưa có cây cầu. Cây cầu và bến khách thương chỉ có trong tưởng tượng.

Từ bến sông rừng khô cạn Tôi về lại bến khách thương sông cũ. Sông cũ trơ lơ cát sỏi sa bồi, dòng gầy manh mướt. Bậc đá xanh rêu xanh khô xác. Mới nghe phía trên nguồn sắp có cây cầu xây không xa thôi đò, búa ai đó đã băm bổ xuống bậc đá hòng đem nung vôi, choòng ai đó đào bẩy trụ cột đá neo thuyền đem xây móng hàng rào.

Miếu thờ đầu gềnh đá bỗng được trùng tu kềnh càng choáng mặt sông.

Tôi nhìn xuống dòng trong dòng đục. Sông cần lắm cây cầu. Nhưng là sông mà tiêu biến dần những bến khách thương. Thì sông hỡi, sông sẽ chảy về đâu trong kí ức Tôi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem