Bến nước, con đò trên sông quê

Bài, ảnh: Trung Công Thứ ba, ngày 29/12/2015 19:03 PM (GMT+7)
Cái nóng hầm hập ở thành thị ngột ngạt đến khó thở. Mặt trời chói chang gay gắt làm đường phố và mọi vật như muốn tan chảy, bốc hơi. Tôi ao ước được trở về quê hương, để đắm mình trong dòng nước mát, để tận hưởng hương cỏ ngọt ngào lẫn mùi bùn hăng hăng, tiếng xình xịch của những con đò trên sông quê và ngắm nhìn các cô gái tỉ mẩn giặt đồ trên bến nước.
Bình luận 0

Tôi sinh ra ở vùng sông nước. Cả thời thơ ấu của tôi không thấy nổi một chiếc xe đạp hay xe gắn máy. Phương tiện đi lại của người dân ngày ấy là xuồng ba lá, thuyền nhỏ và những con đò trên sông quê.

Người ta dùng đò để chuyên chở hàng hóa, đi chợ, đưa học sinh đến trường, thậm chí rước dâu, đưa đám cũng bằng đò. Đường giao thông chính ở đây chỉ là kênh rạch chằng chịt. Căn nhà lá miệt vườn của gia đình tôi được cất như bao căn nhà ở vùng Cửu Long sông nước, rất đơn giản và mát mẻ. Quanh nhà dừa cạn, dừa nước nhiếu vô kể. Đây cũng là nguyên liệu chính để tạo nên những ngôi nhà nhỏ đáng yêu ở quê tôi. 

img

Bến quê (ảnh minh họa, nguồn Internet).

Khi còn là cậu học trò nhỏ, tôi rất thích bài thơ “Dừa ơi” của thi sĩ Lê Anh Xuân vì nó hay và gần gũi. Ông đã ví cây dừa thật đẹp, thật kiêu hãnh và oai hùng. Hình ảnh cây dừa, bến nước và con đò trên sông quê đã luôn theo mỗi bước cuộc đời, nuôi chúng tôi khôn lớn, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Lũ trẻ chúng tôi biết leo dừa, chèo xuồng và bơi lội khi còn bé tí.

img

Ảnh chụp ở Cù lao Thới Sơn, Tỉnh Tiền Giang (tháng 6/2015).

Bến nước còn đẹp trong những buổi chiều sắp tắt nắng. Những con đò ngang dọc chở lúa, gạo, trái cây, rau củ… lên chợ huyện nhịp nhàng. Thi thoảng, một giọng hò đâu đó cất lên mùi mẫn, dễ làm người ta chạnh lòng. Trên bến sông, sau buổi cơm chiều, chị giặt giũ, mẹ rửa chén, ba kì cọ nông cụ, còn chúng tôi thì ngụp lặn, trầm mình trong dòng sông man mác phù sa.

Vào mùa nước nổi, cha mẹ tôi âu lo di chuyển đồ đạc, thóc lúa. Nhưng trẻ con chúng tôi lại thỏa thích giăng lưới bắt cá, nhổ bông súng và mừng rỡ khi nghe thấy tiếng xình xịch của con đò trên sông quê.    

Bến nước ngày nào nay đã thành bến đợi. Ở bến nước xa vắng ấy có cha mẹ và chị bao giờ cũng dõi mắt trông theo mỗi khi tôi lên thị thành. Bến nước bao giờ cũng vương vấn trong tâm hồn tôi như một nỗi mong đợi. Nó lưu luyến, khắc khoải, bồi hồi đến day dứt khôn nguôi. Bởi đó là cái hồn của quê hương mà nếu như không có nó, tôi sẽ chẳng bao giờ “lớn nổi thành người”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem