Mô hình 5+1 giúp đỡ cựu chiến binh nghèo Trà Văn Khai (đứng thứ 3 từ trái qua) ở ấp Tân Thị (xã Tân Xuân – Ba Tri – Bến Tri) nuôi bò đã thoát nghèo bền vững
Ông Nguyễn Minh Lập – Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay hộ nghèo, người nghèo đã có bước chuyển về nhận thức, tự vươn lên thoát nghèo thông qua việc tận dụng cơ hội và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế. Nếu năm 2011, Bến Tre tỷ lệ hộ nghèo là 15,6% thì đến cuối năm 2015 giảm xuống còn gần 6%, thu nhập bình quân đạt 34,7 triệu đồng/người/năm”, ông Lập nói.
Có được kết quả trên, Bến Tre đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung sức dân, phát huy tinh thần đoàn kết, huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giúp người nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Trong phong trào giảm nghèo bền vững ở Bến Tre xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như Hội Cựu chiến binh với mô hình “5+1”, Hội Phụ nữ với mô hình nuôi dê, phát triển kinh tế hộ ở huyện Giồng Trôm, Hội Nông dân với mô hình CLB nuôi bò, dự án “Cải thiện sinh kế hộ nghèo” tại huyện Bình Đại...
Mô hình giảm nghèo được nhắc đến nhiều nhất ở Bến Tre là mô hình “5+1”, do Hội CCB khởi động và thực hiện bằng cách vận động 5 hội viên khá, giàu giúp 1 hội viên nghèo hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, hội tương trợ, tạo việc làm…
Trong đó, các CCB được phân công giúp đỡ những CCB nghèo là những cán bộ hội viên gương mẫu, tâm huyết, luôn bám sát từng hội viên CCB để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể để đề xuất những giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất.
Để hỗ trợ về vốn, Hội CCB đứng ra tín chấp với NHCSXH giúp họ vay được vốn mở rộng sản xuất và sớm thoát nghèo. Từ mô hình “5+1”, Hội CCB tỉnh Bến Tre đã giúp cho gần 1.000 hộ CCB thoát nghèo và hàng nghìn hộ CBB vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong CCB từ 6,38% cuối năm 2012 còn 2,32% cuối năm 2014. Cuối năm 2015, cơ bản không còn hộ nghèo.
Theo ông Trần Quốc Việt – Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre cho biết: Ngoài mô hình “5+1”, các cấp Hội CCB Bến Tre đã vận động nguồn lực tài chính từ nhiều nguồn xã hội hóa, xây dựng được 1.067 căn nhà, trong tổng số 10.000 căn nhà của các gia đình diện chính sách rách nát, tạm bợ, với tổng giá trị gần 40,5 tỷ đồng.
“Không chỉ xây nhà, Hội CCB còn vận động các nguồn lực tài chính xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều kết quả thiết thực, CCB tham gia trên 47.500 ngày công lao động xây dựng cầu, làm đường, đóng góp trên 121.000m2 đất và cây trái, hoa màu trị giá gần 5 tỷ đồng.
Cùng với việc đóng góp tiền mặt trên 8,7 tỷ đồng, Hội CCB đã đứng ra vận động nhân dân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho địa phương trên 16,8 tỷ đồng, vận động và tham gia xây dựng 315 cây cầu, làm mới, mở rộng, nâng cấp trên 431km đường giao thông nông thôn…”, ông Việt nói.
Bến Tre hiện có trên 246.000 hội viên phụ nữ, hàng năm, các cấp Hội luôn hỗ trợ với nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau như: Sử dụng Quỹ hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn từ các tổ chức quốc tế…Đến nay, thông qua các nguồn vốn, đã hỗ trợ trên 70.600 phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Hồng Thắm ở ấp Giao Hòa (xã Giao Thạnh – Thánh Phú – Bến Tre) đã thoát nghèo từ mô hình nuôi dê của Hội Phụ nữ hỗ trợ vốn và kỹ thuật nuôi
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre – bà Phạm Thị Thanh Thảo: 5 năm qua, những mô hình, việc làm hiệu quả đã giúp trên 10.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục thực hiện tốt ba khâu đột phá là vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững…nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững ở xứ dừa thời hội nhập.
Trao đổi về công tác chỉ đạo giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ông Nguyễn Hữu Phước cho biết: Bến Tre vẫn còn là tỉnh nghèo, với trên 44 nghìn hộ nghèo, trình độ phát triển còn thấp, đứng thứ 11/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Để phát triển sinh kế giảm nghèo bền vững giai đoạn tới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm, Bến Tre phát động phong trào “Đồng khởi”, tự lực, tự cường tạo sự chuyển biến đột phá trong huy động các nguồn lực.
“Đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề, cũng như việc phát huy tiềm năng, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó đầu tư vào mô hình làm ăn hiệu quả. Song song đó, phối hợp đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động nhằm tăng thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo…”, ông Phước nói.
Phương Nghi (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.