Bệnh nhân tả tới tấp nhập viện

Thứ ba, ngày 06/07/2010 07:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuần qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tại Hà Nội tiếp nhận tới hơn 60 ca tiêu chảy cấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 28 bệnh nhân mắc tả, trong đó có 27 người ở Hà Nội.
Bình luận 0
 img
Bệnh nhân tả điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư ngày 5-7.

Nhiều bệnh nhân ăn thịt chó, mắm tôm...

Bệnh nhân nhập viện ồ ạt khiến Khoa Điều trị tích cực và khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp đều quá tải, bệnh nhân nằm tràn hành lang. Một số khoa như khoa Viêm gan có 54 giường bệnh thì chỉ trong vòng 3 ngày (từ 2 đến 4-7) có đến 51 ca tiêu chảy đến "nằm nhờ".

Sáng 5-7, vẫn còn 35 bệnh nhân tiêu chảy tiếp tục được "nằm nhờ" để theo dõi. Có trường hợp nhập viện muộn đã bị biến chứng vào thận. Bác sĩ Nguyễn Nhật Thỏa - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho hay, bệnh nhân mắc tả chủ yếu có liên quan đến thức ăn đường phố, thịt chó, rau sống, uống nước đá…

Chị Nguyễn Thuỳ L, 23 tuổi, ở Phương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đang mang thai 26 tuần, trước khi phát bệnh có ăn bún chả và uống trà đá tại vỉa hè. Bệnh nhân Trần Thị Đ, 26 tuổi, ở Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) thì cùng với 4 người khác ăn thịt chó mua ở chợ và cả 4 người đều bị đau bụng nhưng chỉ chị Đ mắc tả. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng cho hay, có bữa thịt chó mắm tôm 8 người ăn thì 6 người mắc tả.

Tính từ ngày 13-6 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 144 ca tiêu chảy cấp ở 14/29 quận, huyện. Số bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư là 91 người, còn lại điều trị tại các cơ sở y tế khác. Một số ổ dịch tiêu chảy cấp với nhiều người mắc tập trung tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai).

Ông Đỗ Lê Huấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, kết quả điều tra dịch tễ ban đầu, có đến 60,5% bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp do ăn thịt chó kèm rau sống, mắm tôm bị ô nhiễm; 6% do ăn bún ốc, 30% không rõ nguyên nhân và 9% do các nguyên nhân khác.

75% không phát bệnh

PGS-TS.Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: "Thời tiết nắng nóng, người dân cần cẩn thận thực hiện vệ sinh cá nhân, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng bệnh bởi 75% người mang vi khuẩn tả nhưng không có biểu hiện bệnh. Do vậy, nếu họ thải phân ra môi trường thì dễ dàng làm lây lan cho cộng đồng".

Theo các chuyên gia dịch tễ, thời điểm nắng nóng là lúc bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa gia tăng. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo: Người dân ở các vùng dịch cũ và ở các tỉnh giáp biên nên đề cao cảnh giác, nếu xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy nhiều lần thì cần đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được phát hiện và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp nhập viện muộn khi đã mất nước quá nặng dễ dẫn đến trụy mạch, hạ huyết áp, biến chứng gây suy thận… gây hại cho sức khỏe và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem