Bí ẩn tượng phật trên đỉnh Tà Cú (kỳ cuối): Điểm du lịch tâm linh níu chân du khách

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 15/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Từ chốn thâm sơn cùng cốc, cô liêu u tịch ngày nào, núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) hiện là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho du khách gần xa. Vào dịp lễ, tết hoặc mùa du lịch những năm trước, mỗi ngày có hàng nghìn người đi cáp treo lên núi hành hương…
Bình luận 0

Ai cũng nhận định, phong cảnh sắc màu, các loài hoa dại, khí hậu mát mẻ (từ 18 đến 22 độ C) trên núi đã làm tinh thần họ dễ chịu.

Thả hồn trong sương mù huyền ảo

Trong những tháng ngày ở lại trên Tổ Đình Long Đoàn, tôi đã tiếp và phụ nấu cơm cho nhiều đoàn khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước tìm về, ở lại đêm trên núi Tà Cú.

Anh Lê Đình Phong - một khách hành hương từ quận Gò Vấp (TP.HCM), cho biết, mỗi năm anh đưa cả gia đình 6 người lên chùa 2 lần vào dịp Tết cổ truyền và trước rằm tháng 7. Lần nào cũng ở khoảng 1 tuần, bởi thời điểm này, khách hành hương viếng chùa rất đông. Do đó, gia đình anh ở lại nhiều ngày phụ chùa nấu cơm chay và lo chăn chiếu cho khách ngủ lại.

Bí ẩn tượng phật trên đỉnh Tà Cú (kỳ cuối): Điểm du lịch tâm linh níu chân du khách - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn. Ảnh: C.T.V

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú được thành lập vào năm 1996. Gồm núi Tà Cú cao 697m và rộng 1.104ha và một diện tích ven biển rộng 10.762ha. Vùng đệm 5.957ha bao gồm các hệ sinh thái nhân tạo.

Tổng dân số trong vùng đệm là 3.215 khẩu/636 hộ (số liệu 2006). Người Chăm tại đây có tiếng về nghề thuốc cổ truyền, sử dụng cây thuốc khai thác từ núi Tà Cú.

Tà Cú là rừng đầu nguồn cung cấp nguồn nước cho các con suối và giếng nước, là nguồn nước duy nhất cho sinh hoạt và các hoạt động canh tác thanh long và nông sản khác trong vùng đệm.

"Qua nhiều lần ở lại tôi rất thích nhất khung cảnh giữa buổi chiều cho đến về đêm. Thời điểm này, lời kinh và tiếng chuông từ Đại hùng bảo điện (Chánh điện) du dương, vang xa xa… gặp lúc sương mù từ đỉnh núi sà xuống, đã biến cả vùng rừng núi rộng lớn chìm trong mây mờ huyền ảo. Cảnh vật lúc này rất nên thơ, khiến cho du khách quên đi mệt nhọc, lòng tràn ngập hưng phấn khi đến viếng cảnh chùa…"- anh Đình Phong nói.

Lên núi xem "hoa đăng"

Còn gia đình chị Bửu Ngọc (Biên Hòa, Đồng Nai) thì thích ở lại trên chùa ban đêm để tận mắt chứng kiến những rừng "hoa đăng" giăng khắp chân núi.

Chị Bửu Ngọc cho biết, đã nhiều lần lên chùa xem "hoa đăng", nhưng chưa một lần chán. Và mỗi lần như thế, chị Bửu Ngọc có cơ hội quán, xét lại thân, tâm mình và tu sửa để cuộc sống tươi đẹp hơn.

Khi đêm xuống, cảnh vật trên núi chìm sâu vào tĩnh lặng, đứng trước sân chùa nhìn xuống hướng chân núi Tà Cú, du khách sẽ thấy ánh điện sáng rực cả một vùng rộng lớn. Đây là những bóng đèn điện do nông dân trồng thanh long thắp lên suốt đêm cho cây nở hoa. Phóng tầm mắt nhìn xa hơn nữa về hướng biển Đông, du khách sẽ thấy hàng nghìn chiếc đèn nhấp nháy trên biển. Đây là ánh điện của những tàu câu mực ban đêm nhấp nhô, bồng bềnh, lung linh, huyền ảo... trên mặt nước.

Bí ẩn tượng phật trên đỉnh Tà Cú (kỳ cuối): Điểm du lịch tâm linh níu chân du khách - Ảnh 3.

Cáp treo lên núi Tà Cú. Ảnh CTV

Còn cụ Diệu Chi (ở Phan Thiết, gần 80 tuổi), thường xuyên được con cháu đưa lên chùa ở lại tịnh tâm vào những ngày rằm của tháng. Cụ Diệu Chi cho biết, lên chùa ăn cơm ngon hơn ở nhà vì chùa rộng, đi tới đi lui nhiều nên ăn thấy ngon và người khỏe ra.

"Buổi sáng thức dậy tôi rất thích ngắm cảnh chùa sớm mai. Lúc này dưới chân núi nắng sáng chiếu khắp nơi nhưng trên chùa núi vẫn sương mù dày đặc. Chỉ có chốn "bồng lai tiên cảnh" mới có chứ dưới phố làm sao thấy được…"- cụ Diệu Chi cười mãn nguyện.

Nhưng tạo bất ngờ cho khách hành hương nhất là khi gần trưa, sẽ có đàn khỉ rừng lên đến vài chục con từ trên đỉnh núi tràn xuống như vũ bão. Nơi đàn khỉ đến đầu tiên là những đĩa trái cây, chưng trên các bàn thờ trong chùa và chánh điện. Bọn khỉ rất tinh tường, khi thấy có đoàn hành hương đến chùa là bọn chúng xuất hiện. Và sau khi no bụng, đàn khỉ di chuyển trên những ngọn cây nhìn rất vui mắt…

Theo sự sắp xếp của Hòa thượng Thích Minh Thiện trước đây và đến giờ, quanh sân chùa có hàng trăm chậu kiểng trồng đủ loại hoa và cây cảnh. Nhờ khí hậu trên núi phù hợp cho các loài hoa cúc, hồng, huệ… nên chúng tranh nhau khoe sắc.

Buổi sáng, tôi pha bình trà nóng, ngồi trên bộ bàn đá kê bên sân chùa, vừa uống trà, vừa ngắm hoa, cây cảnh, cộng với tiết trời se se lạnh ban mai, tôi và nhiều khách hành hương cứ ngỡ mình đang ở xứ Đà Lạt ngàn hoa…

Vào mùa giáp Tết Cổ truyền, trên núi Tà Cú còn có giống mai 12 tầng 6 cánh rất đẹp. Khi xuân về, mai vàng nở khắp cả một cánh rừng như níu chân khách hành hương...

Huyện Hàm Thuận Nam là thủ phủ cây thanh long, nổi tiếng khắp đất nước. Nhiều năm trước vùng đất này con nghèo, nhưng khoảng 20 năm trở lại vùng trở nên trù phú. Nhiều gia đình trồng thanh long khá lên, nhiều ngôi biệt thự mọc lên dưới chân núi Tà Cú.

Việc này cũng có phần góp thêm Khu du lịch núi Tà Cú đi vào hoạt động với hệ thống cáp treo đã tạo công ăn việc làm cho bà con. Huyện Hàm Thuận Nam còn nổi tiếng với cảnh đẹp Mũi Kê Gà, do người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem