Bị công an răn đe vì... bị chồng bạo hành

Thứ sáu, ngày 25/11/2011 18:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay tại Hà Nội, khi người chồng say xỉn thường xuyên đánh đập vợ thì công an lại gọi người vợ lên để răn đe, vì: “Anh ấy say thì còn biết gì nữa, chúng tôi gọi chị lên vì chị là người tỉnh táo...".
Bình luận 0

Giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) thì nhiều, nhưng trên thực tế không ít giải pháp bị vô hiệu hoá. Nhiều chuyên gia về BLGĐ đã chỉ ra như vậy trong một hội thảo do Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 23.11.

Răn đe vợ khi bị bạo hành

Chị Lê Thị Lý (nạn nhân bị BLGĐ tại thị trấn Phúc Yên mà Báo NTNN đã phản ánh) hiện vẫn đang trả viện phí bằng tiền mà các nhà hảo tâm giúp đỡ. Chị không được bệnh viện đồng ý chi trả BHYT dù có thẻ BHYT. Ông Hoàng Văn Chiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên còn khẳng định: “Bệnh viện cũng không khó dễ gì, chỉ cần chị Lý làm đơn có chứng nhận của công an là nạn nhân BLGĐ thì bệnh viện sẽ giải quyết”.

img
Các đại biểu ký cam kết hành động phòng, chống BLGĐ.

Trong khi đó, Điều 7, Thông tư 16/2009/TT-BYT của Bộ Y tế ghi rõ: “Chi phí cho việc khám và điều trị đối với nạn nhân BLGĐ do Quỹ BHYT chi trả đối với người có BHYT”. Thông tư 16 cũng hướng dẫn cơ sở y tế phải chủ động sàng lọc phát hiện ra nạn nhân BLGĐ (cho dù họ có khai là bị ngã, bị tai nạn…) chứ không phải đợi “công an chứng nhận”.

“Tại một cuộc hội thảo về BLGĐ, phần lớn các phó giám đốc sở y tế đã không biết về thông tư này. Họ vẫn coi nạn nhân BLGĐ là trường hợp đánh nhau thông thường và không được hưởng BHYT. Điều đó là một ví dụ về việc chúng ta còn có rất nhiều văn bản Luật Phòng, chống BLGĐ, nhưng có thực hiện hay không lại là chuyện khác” – bà Nguyễn Vân Anh – Điều phối viên Mạng lưới Các tổ chức phòng, chống BLGĐ tại Việt Nam (DOVIPNET) bức xúc.

Theo DOVIPNET, tại một số tỉnh miền Bắc, các biện pháp can thiệp của chính quyền địa phương thường sa vào lối mòn như: Khuyên răn người phụ nữ nên cam chịu; xác định ai đúng, ai sai để xử lý (mà thường nghiêng về lên án phụ nữ như: Vợ nói nhiều thì chồng đánh là phải…); thái độ bao biện cho người gây bạo lực: “Rất lành”, “lúc bình thường cũng yêu vợ quý con”...

Ngay tại Hà Nội, khi người chồng say xỉn thường xuyên đánh đập vợ thì công an lại gọi người vợ lên để răn đe, vì: “Anh ấy say thì còn biết gì nữa, chúng tôi gọi chị lên vì chị là người tỉnh táo. Yêu cầu gia đình chị không được đánh nhau, gây mất trật tự lối xóm”.

Các chủ tịch UBND xã cũng rất xa lạ với “Biện pháp cấm tiếp xúc” được nêu trong Điều 19, 20, 21, 22 của Luật Phòng, chống BLGĐ; chưa có vụ BLGĐ nào được can thiệp bởi ở mức nghiêm trọng thì công an trực tiếp giải quyết, còn ở mức bình thường thì đổ lý do “nạn nhân không có đơn”.

Tuyên truyền cần gắn với dịch vụ

Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Light băn khoăn: “Nếu chúng ta không phát triển các gói dịch vụ hỗ trợ sẽ có thể đến lúc, hàng nghìn, hàng vạn phụ nữ bị BLGĐ muốn được hỗ trợ thì không thể đáp ứng được”.

Các ông chồng gây BLGĐ cũng có nhiều vấn đề về y tế, tâm lý cần được giải quyết, nhưng các giải pháp mà Vụ Gia đình đưa ra chưa hề đề cập đến việc tiếp cận người chồng gây bạo lực và hỗ trợ cho họ.

Ngoài 2 Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội, 1 nhà mới thành lập tại Phú Thọ, ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình khá tự tin với hơn 11.000 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là những nơi “tự phát” của cá nhân, biến nhà mình thành nơi tạm lánh cho người bị BLGĐ. Chủ nhân của các địa chỉ tin cậy này cũng không có kỹ năng về phòng, chống BLGĐ, việc giúp đỡ nạn nhân sẽ rất hạn chế, đồng thời có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu như đối tượng gây BLGĐ gây hấn.

Bà Võ Song Hà – chuyên gia về giới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổng kết: Việc thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ chưa tốt là do chưa có cơ chế điều phối rõ ràng, dịch vụ tối thiểu cho nạn nhân chưa sẵn có nên còn xảy ra tình trạng nạn nhân sau khi tìm hỗ trợ vẫn bị đánh đập, việc tư vấn hay chăm sóc y tế cũng hạn chế; các mô hình can thiệp thường ở tình trạng “hết tiền là hết dự án”; cách tiếp cận “hòa giải” không giải quyết triệt để bạo lực…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem