Bị doanh nghiệp "ma" lừa trồng gừng sạch, nông dân chất đống nợ nần

Thứ sáu, ngày 02/02/2018 10:00 AM (GMT+7)
Bị doanh nghiệp "ma" lừa trồng gừng sạch, nhiều nông dân ở tỉnh Gia Lai mất hàng trăm triệu, lâm vào cảnh nợ nần.
Bình luận 0

Câu chuyện doanh nghiệp ma lừa nông dân mua giống chanh leo, bí xanh, sa chi và vật tư  nông nghiệp rồi biến mất vẫn chưa lắng xuống ở Gia Lai, mới đây, nông dân Gia Lai lại tiếp tục dính vào bẫy lừa tương tự đối với sản phẩm gừng.

Khác các lần trước, lần này, cách thức tiếp cận và liên kết của doanh nghiệp "ma" đã trở nên tinh vi hơn rất nhiều.

img

Ông Hoàng Duy Hoàn có nguy cơ mất trắng 300 triệu đồng đầu tư gừng vì gừng đang có dấu hiệu thối mà không tìm được đầu ra.

Đầu năm 2017, anh Nguyễn Xuân Sử, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) ký hợp đồng sản xuất 5.000 bầu gừng với công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam, địa chỉ số 27 đường Phan Đăng Lưu, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, doanh nghiệp này cung ứng giống, các vật tư nông nghiệp phân vi sinh, kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật và chỉ thu trước 50% kinh phí. Cùng với đó, doanh nghiệp cam kết, mỗi bầu gừng cho sản lượng tối thiểu 2,5 kg, nếu không đạt sẽ được công ty bù sản lượng.

Toàn bộ số gừng này sẽ được bao tiêu với giá 18.000 đồng/kg, cao hơn 2 lần so với giá thị trường. Thế nhưng, khi gừng bị bệnh, yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật thì anh Sử bị khất lần.

Đặc biệt, sau khi anh Sử chuyển hơn 50 triệu đồng như cam kết, thì doanh nghiệp đột ngột biến mất. Đến nay, ngoài số vốn hơn 100 triệu đồng của gia đình bị mất trắng vì gừng đã chết thối, anh Sử lâm vào cảnh nợ nần vì vay vốn ngân hàng để trồng gừng sạch.

img

Nông dân Gia Lai liên tục bị doanh nghiệp ma lừa mua giống và vật tư nông nghiệp rồi chạy làng.

Cùng cảnh ngộ với anh Sử, gia đình ông Hoàng Duy Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Tiến, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện cũng đang có nguy cơ mất trắng 300 triệu đồng đầu tư cho 15 nghìn bầu gừng. Bởi 20 tấn gừng của ông Hoàn đã qua thời gian thu hoạch hơn 1 tháng, mà không tìm được đầu ra.

Những điều khoản hợp đồng nghe có vẻ có lợi cho người dân như cho nợ 50% kinh phí đến cuối vụ, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao,…là những điểm tương đồng với cách thức lừa của các công ty ma trước đây đối với sản phẩm bí xanh, chanh leo.

Điều đáng nói là, lần này, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nông sản sạch Việt Nam tổ chức hội thảo, với sự góp mặt của đại diện chính quyền địa phương, ra mắt đội ngũ nhân sự hỗ trợ kỹ thuật.

Những điều đó, cùng chiếc "bánh vẽ" về lợi nhuận khủng đã khiến nông dân chủ quan đối với hàng loạt yếu tố không tưởng về sản lượng, giá cả thu mua trong hợp đồng.

Ngay cả khi hợp đồng yêu cầu nông dân chuyển khoản thẳng vào tài khoản riêng của cá nhân ông Lê Văn Lưỡng, tổng giám đốc công ty thì nông dân cũng không mảy may nghi ngờ.

Ông Phùng Tất Thắng, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Phú Thiện, người mất trắng 300 triệu đồng đầu tư trồng hơn chục nghìn bầu gừng giống ngậm ngùi cho biết, khi ông nhận ra những điều này, mọi thứ đã quá muộn màng.

img

Ông Phùng Tất Thắng ngậm ngùi vì khi nhận ra những bất thường trong hợp đồng với doanh nghiệp thì đã muộn màng.

Hiện nay, chưa có thống kê số nông dân là nạn nhân của công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam tại Gia Lai. Thế nhưng, việc tổ chức hội thảo với sự tham gia của nông dân khắp các huyện đông nam và nam của tỉnh, có thể dự đoán số nạn nhân có thể lên tới hàng trăm hộ. Cùng với mức đầu tư hàng trăm triệu đồng/hộ, thì thiệt hại công ty này gây ra đối với nông dân là con số không hề nhỏ.

Theo ông Mai Ngọc Qúy, Phó Trưởng phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện, các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay, thì mới có thể ngăn chặn doanh nghiệp "ma" tiếp tục lừa nông dân.

Thời gian tới, dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện sẽ chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn kịp thời khuyến cáo bà con nông dân không nên trực tiếp kỹ hợp đồng với các công ty cung cấp các loại giống cây trồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân trồng những cây trồng phù hợp được UBND tỉnh quy hoạch, tránh trường hợp như gừng, bí xanh trong thời gian qua, ông Quý cho biết.

Trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư Đắk Lắk.

Thực tế, công ty này không hề tồn tại ở địa chỉ đã đăng ký số 27 đường Phan Đăng Lưu, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Điều đáng lo ngại, sau cú lừa ngoạn mục với nông dân Gia Lai, chi nhánh công ty tại tỉnh đã giải thể. Còn 5 chi nhánh khác tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An, Nam Định vẫn đang hoạt động.

Nguyễn Thảo (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem