Bí mật đằng sau việc tại sao Microsoft muốn mua TikTok: 'Rễ' đã cắm ở Trung Quốc từ hơn 20 năm trước

Theo Bảo Nam (Soha) Thứ bảy, ngày 08/08/2020 11:46 AM (GMT+7)
Cựu sinh viên đi ra từ trung tâm nghiên cứu tại Bắc Kinh của gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft hiện đang là giám đốc điều hành tại Alibaba, Tencent, SenseTime và cả ByteDance - cha mẹ ruột của TikTok.
Bình luận 0

Năm 1998, Trung Quốc hầu như không phải là đối thủ của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ. Với chỉ 7 triệu người dùng internet, chưa đầy 26 triệu máy tính cá nhân và ngành thương mại điện tử tạo ra doanh thu nhỏ bé chỉ 42 triệu USD vào năm sau đó, Trung Quốc được xem là một đối thủ tụt hậu về công nghệ so với nhiều quốc gia khác.

Bí mật đằng sau việc tại sao Microsoft muốn mua TikTok: 'Rễ' đã cắm ở Trung Quốc từ hơn 20 năm trước - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Bill Gates đã thành lập Microsoft Research China từ 1998.

Nhưng Microsoft, khi đó là công ty công nghệ giàu có và quyền lực nhất thế giới, đã nhận ra tiềm năng ở vùng đất này.

Năm đó, Giám đốc điều hành Bill Gates đã thành lập Microsoft Research China, một tiền đồn kỹ thuật ở Bắc Kinh để khai thác nguồn nhân tài và thiết lập mối quan hệ với chính quyền nước này. Trong những năm tiếp theo, Microsoft đã triển khai hoạt động internet ở Trung Quốc khi các công ty công nghệ khác của Mỹ bị cản trở.

Giờ đây, lịch sử làm cầu nối giữa phương Đông và phương Tây của Microsoft chính là minh chứng hùng hồn nhất, chứng minh công ty chính là "chìa khóa" trong thương vụ mua bán đầy tiềm năng.

Microsoft đã xác nhận mối quan tâm của mình trong việc mua TikTok trong một tuyên bố gần đây. Tổng thống Trump thì vừa đưa ra một cái "gật đầu", chấp nhận một thỏa thuận như vậy có thể được tiến hành, trong khi trước đó đã đề xuất việc cấm hoàn toàn ứng dụng này.

Các cuộc đàm phán thỏa thuận đặt Microsoft vào trung tâm của sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa hai siêu cường ngày càng tỏ ra thù địch lẫn nhau, và nó cũng có khả năng đe dọa đến việc tiếp cận Trung Quốc mà Microsoft đã dành nhiều thập kỷ qua để vun đắp. Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, người chỉ trích gay gắt Trung Quốc, đã gợi ý rằng công ty có thể cần phải thoái vốn hoạt động ở Trung Quốc để thỏa thuận này có hiệu quả. Microsoft từ chối bình luận vấn đề trên.

Trong khi đó, ý tưởng về một cuộc bán tháo TikTok đã gặp phải rất nhiều lời chỉ trích ở Trung Quốc. Nhưng Microsoft có thể là công ty duy nhất đủ khả năng để xoay chuyển tình hình. Anupam Chander, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết: "Tôi không nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc sẽ khó chịu với Microsoft nếu thương vụ TikTok được tiến hành."

Bí mật đằng sau việc tại sao Microsoft muốn mua TikTok: 'Rễ' đã cắm ở Trung Quốc từ hơn 20 năm trước - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra đòn với TikTok.

Trên thực tế, thành quả liên quan tới sự hiện diện của Microsoft tại Trung Quốc có thể được nhìn thấy rất rõ trong ngành công nghệ của đất nước này, với các cựu sinh viên của trung tâm nghiên cứu năng xưa đang giữ các vị trí nổi bật tại nhiều công ty công nghệ lớn. Tại công ty mẹ của TikTok, ByteDance, Giám đốc điều hành Zhang Yiming đã từng làm việc như một kỹ sư cho Microsoft từ năm 2008 đến năm 2009. Hongjiang Zhang, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Kỹ thuật ByteDance, cũng là thành viên sáng lập của Microsoft Research Asia.

"Tôi không nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc sẽ khó chịu với Microsoft nếu thỏa thuận TikTok được tiến hành" - Anupam Chander, Đại học Georgetown.

Ở một nơi khác, CTO của Alibaba, Wang Jian, là thành viên ban đầu của Microsoft Research Asia. Giám đốc phòng thí nghiệm AI của Tencent , Dong Yu, đã làm việc tại Microsoft hơn một thập kỷ trước khi rời đi vào năm 2017. Xu Li, đồng sáng lập và CEO của SenseTime, một công ty khởi nghiệp về AI nổi tiếng của Trung Quốc, cũng đã có thời gian ở Microsoft Research Asia, cũng giống như Yin Qi, người sáng lập kiêm CEO của Megvii, một công ty về AI khác. Các tìm kiếm trên LinkedIn cho thấy nhiều người cũ khác của Microsoft đang nắm giữ các vị trí nổi bật tại nhiều công ty Trung Quốc.

Nina Xiang, người sáng lập China Money Network và là tác giả của một cuốn sách năm 2019 về các công ty AI của Trung Quốc, cho biết "Microsoft Research Asia" được ví như là "Học viện West Point" - nơi chuyên đào tạo ra các các tài năng công nghệ cao cấp của Trung Quốc.

Không giống như hầu hết các công ty internet của Mỹ, Microsoft đã tìm ra cách để hoạt động ở Trung Quốc. Năm 2009, một năm trước khi Google rời khỏi đất nước này để phản đối việc kiểm duyệt và cáo buộc tấn công mạng từ chính phủ, Microsoft đã tung ra phiên bản tiếng Trung của công cụ tìm kiếm Bing, tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của Trung Quốc.

Bí mật đằng sau việc tại sao Microsoft muốn mua TikTok: 'Rễ' đã cắm ở Trung Quốc từ hơn 20 năm trước - Ảnh 4.

Microsoft muốn mua TikTok

Microsoft cũng mua lại LinkedIn, mạng xã hội tập trung vào doanh nghiệp, vào năm 2016, hai năm sau khi công ty giới thiệu nền tảng của mình - cũng bị kiểm duyệt ở Trung Quốc. Bing và LinkedIn là những công ty tương đối nhỏ ở Trung Quốc, nhưng họ là những ví dụ hiếm hoi về sự thích nghi thành công.

Người đứng đầu kiêm sáng lập phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh của Microsoft là Kai-Fu Lee , một chuyên gia về tìm hiểu ngôn ngữ tự nhiên, từng giữ vai trò phó chủ tịch tại Apple và Silicon Graphics. Lee hiện đang điều hành Sinovation Ventures, một công ty đầu tư tập trung vào trí tuệ nhân tạo, có tiếng nói khá nổi bật trong cộng đồng công nghệ của Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của AI Superpowers, một cuốn sách đang nổi gần đây nói về năng lực phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực AI.

Microsoft Research Asia "được coi là Học viện West Point cho các tài năng công nghệ cao cấp của Trung Quốc."

Lee từ chối bình luận về câu chuyện này. Nhưng trong cuộc phỏng vấn năm 2018 với trang Wired, Lee nói rằng Microsoft Research Asia đóng một vai trò quan trọng trong việc "gieo mầm" cho ngành công nghiệp AI của Trung Quốc.

"Đó là công ty quyền lực nhất trên trái đất và Bill Gates là người giàu nhất thế giới, cũng là thần tượng số một ở Trung Quốc", Lee nói. Ông cũng lưu ý rằng những người sáng lập của một số công ty AI Trung Quốc tập trung vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã từng làm việc ở phòng thí nghiệm này. "Vào thời điểm đó, chúng tôi không biết khi nào cuộc cách mạng AI sẽ đến, nhưng chúng tôi biết đó là điều lớn lao tiếp theo".

Microsoft cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ này. Bên cạnh việc mở đường cho các hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc, phòng thí nghiệm đã tạo ra những kết quả nghiên cứu tiên tiến. Và có một dự án năm 2010 đã cho thấy những ý tưởng mới trong AI đã di chuyển giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua phòng thí nghiệm như thế nào.

Li Deng, trước đây là nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Microsoft ở Redmond và hiện là giám đốc AI tại quỹ đầu cơ Citadel, nhớ lại một cuộc trình diễn nghiên cứu được thực hiện với Geoff Hinton, giáo sư tại Đại học Toronto và là một trong những cha đẻ của AI hiện đại. Cuộc trình diễn năm đó đã dẫn đến việc tạo ra một hệ thống dịch từ tiếng Anh sang tiếng Quan Thoại theo thời gian thực vào năm 2012, bởi Rick Rashid, người khi đó là giám đốc nghiên cứu của Microsoft. Và một công nghệ tương tự hiện là một phần của nền tảng trò chuyện video Skype của Microsoft.

Li cho biết Microsoft Research Asia đã giúp nâng cao tiêu chuẩn khoa học máy tính của Trung Quốc và thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI nói chung.

Các cựu sinh viên khác của Microsoft Research Asia cũng đã đảm nhận các vai trò nổi bật trong công ty. Ví dụ, Harry Shum, người đã giúp thành lập phòng thí nghiệm cùng với Lee, sau này trở thành phó chủ tịch điều hành về trí tuệ nhân tạo tại Microsoft.

Tháng 5 năm nay, khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Microsoft đã kỷ niệm lịch sử thành lập của Microsoft Research Asia. Nó nêu bật việc một số sinh viên thực tập đã trở thành giáo sư tại các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và những người khác đã trở thành các nhà nghiên cứu toàn thời gian tại công ty.

Và trong bối cảnh hiện nay, một sự hợp tác toàn Thái Bình Dương như trên có thể ngày càng trở nên khó khăn. Một số quan chức chính quyền Trump tin rằng Mỹ và Trung Quốc đang bị khóa vào một cuộc chiến giành quyền tối cao về công nghệ trên phạm vi toàn cầu. Sự trỗi dậy của TikTok cũng phản ánh một sự lo lắng khác của chính phủ Mỹ, về sự gia tăng ảnh hưởng thương mại của các công ty Trung Quốc.

TikTok và phiên bản tiếng Trung của nó - Douyin - là những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất và có doanh thu cao nhất thế giới trong tháng 7, theo công ty phân tích SensorTower. Công ty mẹ ByteDance được báo cáo đã vượt qua Baidu và Tencent về doanh thu quảng cáo kỹ thuật số trong nửa đầu năm ngoái. Công ty này hiện được định giá hơn 100 tỷ USD trên thị trường giao dịch tư nhân.

Giáo sư Anupam Chander suy đoán rằng Trung Quốc có thể trả đũa việc buộc phải bán TikTok bằng cách hạn chế bán hệ điều hành Windows và phần mềm Office của Microsoft cho một số thực thể Trung Quốc. Ông nói về chiến lược này của chính quyền rằng: "Chúng tôi đã tự tạo cho mình những đối tác kinh doanh không đáng tin cậy."

Và ảnh hưởng lớn hơn của nó có thể là cách các công ty Trung Quốc và Mỹ buộc phải suy nghĩ lại về kế hoạch kinh doanh xuyên Thái Bình Dương của mình.

"Giới công nghệ Trung Quốc đang bị sốc và sẽ phải vật lộn với hệ lụy của một thỏa thuận như vậy trong một thời gian dài", Nina Xiang từ China Money Network cho biết. "Họ sẽ vẽ lại chiến lược mở rộng ra nước ngoài của mình".

Điều đó khác xa so với sự hợp tác mà Gates đã thấy trước đó vào năm 2004, không lâu sau khi Microsoft lần đầu tiên mạo hiểm vào Trung Quốc.

"Mọi người nên chú ý đến Trung Quốc", Bill Gates nói khi đó. "Đây là một hiện tượng ở mọi khía cạnh."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem